Đề phòng đợt xâm nhập mặn cuối tháng 3
Hiện nay đang vào cao điểm mùa khô, xâm nhập mặn trên các sông ở Bến Tre đang ở mức cao, nhất là sông Hàm Luông là sông hẹp nên mặn lên nhanh. Theo số liệu quan trắc của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bến Tre, từ đầu tháng 3/2023 đến nay, mặn trên sông Hàm Luông đã xâm nhập sâu và ở mức rất cao. Cụ thể, độ mặn cao nhất ghi nhận được tại trạm Mỹ Hóa là 7,1 phần nghìn, tại trạm An Hiệp là 4,3 phần nghìn, tại trạm Vàm Mơn là 2,8 phần nghìn. Dự báo, vào cuối tháng 3/2023 có khả năng sẽ tiếp tục xuất hiện đợt xâm nhập mặn sâu và ở mức cao trên các sông chính trong tỉnh.
Những ngày qua, mặn đã xâm nhập qua cống Bến Rớ vào thượng nguồn sông Ba Lai, có nguy cơ gây ảnh hưởng, thiệt hại đến diện tích vườn cây ăn trái (sầu riêng, chôm chôm...) thuộc các xã Tân Phú, Tiên Long, Quới Thành, Phú Đức. Người dân đang rất hoang mang và kiến nghị sớm có biện pháp hỗ trợ ngăn mặn khẩn cấp qua rạch Bến Rớ (còn gọi là sông Hàm Long).
Theo Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng Công trình thuỷ lợi 9 (Ban 9) - Chủ đầu tư dự án cống Bến Rớ và cống Tân Phú thuộc dự án JICA3: Theo kế hoạch được duyệt, cống Bến Rớ sẽ bàn giao vào ngày 30/04/2023, còn cống Tân Phú là ngày 30/06/2023. Đến nay, cống Bến Rớ đã hoàn thành 52% khối lượng, còn cống Tân Phú đã hoàn thành 77% khối lượng công trình.
Tuy nhiên, nhằm kịp thời ngăn mặn xâm nhập qua ngõ cống Bến Rớ, tăng cường tích trữ nguồn nước ngọt vào thượng nguồn sông Ba Lai cũng như bảo vệ diện tích vườn cây ăn trái trong khu vực, Ban 9 đã yêu cầu đơn vị thi công công trình này khẩn trương lắp đặt cửa tạm.
Song song đó, Ban 9 còn yêu cầu đơn vị thi công cống Tân Phú ở thượng nguồn sông Ba Lai hỗ trợ lấy ngọt từ nhánh sông Tiền để kịp thời cấp nước ngọt, giảm độ mặn phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân, đồng thời góp phần giảm xâm nhập mặn qua cống Bến Rớ vào thượng nguồn sông Ba Lai.
Theo đơn vị thi công cống Bến Rớ: Công tác thi công cửa tạm đã được triển khai thực hiện đúng tiến độ. Cửa tạm này hoàn thành sẽ ngăn chặn nước mặn xâm nhập từ nhánh sông Hàm Luông qua sông Ba Lai thông qua sông Bến Rớ.
Nhanh chóng trữ nước ngọt
Theo ông Bùi Trung Chỉnh, Chủ tịch UBND xã Tiên Long (Châu Thành, Bến Tre), thời gian qua trên sông Hàm Luông độ mặn tăng cao và lấn vào nhánh sông Bến Rớ. Tại khúc sông này, độ mặn cao nhất đạt 1,4 phần nghìn, sau đó giảm dần nhưng vẫn ở mức chưa an toàn để tưới cây.
Đến ngày 20/3, độ mặn giảm xuống còn 0,13 – 0,14 phần nghìn. Ông Chỉnh cho biết, độ mặn này tương đối an toàn để tưới cho cây sầu riêng và chôm chôm, loại cây trồng vốn rất mẫn cảm với mặn.
Hiện xã Tiên Long có trên 247ha sầu riêng và 207ha chôm chôm. Xã Tân Phú cũng có trên 800ha sầu riêng và 400ha chôm chôm, phần lớn đang trong giai đoạn ra hoa, đậu trái, chỉ số ít vừa được thu hoạch, rất cần cung cấp đủ nước. Chính quyền các xã cho biết chưa ghi nhận trường hợp nào bị thiệt hại từ phía người dân.
Ông Chỉnh cũng cho biết thêm, nông dân đã có kinh nghiệm ứng phó với mặn nên trước khi mùa khô bắt đầu, bà con đã tích cực nạo vét mương vườn, đào ao, lót bạt trữ nước ngọt. Những ngày độ mặn trên sông Bến Rớ tăng cao, bà con đã khép kín cống bọng, sử dụng lượng nước đã trữ để tưới cây. Khi độ mặn giảm, bà con tích cực lấy nước dự trữ trong ao, mương vườn.
Ông Nguyễn Văn Hiểu ở ấp Tiên Phú 2, xã Tiên Long có vườn 2 công sầu riêng cho biết: Vườn của ông phụ thuộc vào nước sông để có nước tưới. Ngay từ đầu mùa khô năm nay, tranh thủ có nước ngọt, gia đình ông đã thuê người đào ao và mua bạt lót trữ được 200 khối nước. Ông cho hay, nguồn nước này có thể dùng để “chữa cháy” trong khoảng 15 ngày. Khi có nước ngọt, gia đình ông lại tranh thủ bơm cấp bổ sung để dự phòng.