| Hotline: 0983.970.780

Xanh lại vùng bưởi đỏ Tân Lạc

Thứ Tư 21/12/2022 , 17:48 (GMT+7)

HÒA BÌNH Để giữ thương hiệu cho bưởi đỏ Tân Lạc, các nhà vườn ngày càng có ý thức áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác theo hướng hữu cơ, sinh thái.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Hòa Bình, năm 2022, diện tích cây ăn quả có múi toàn tỉnh hơn 9.600ha, diện tích kinh doanh hơn 7.400ha; sản lượng ước đạt hơn 166.000 tấn. Trong đó, bưởi có diện tích trên 5.100ha, sản lượng hàng năm trên 57.000 tấn. Riêng vùng trồng bưởi đỏ tại huyện Tân Lạc trên 1.200ha (thời vụ thu hoạch từ tháng 11/2022 - 1/2023).

IMG_7322

Nhiều vườn bưởi Tân Lạc đã thay đổi thói quen canh tác, chuyển sang hướng hữu cơ. Ảnh: Trung Quân.

Những năm qua, bên cạnh việc mở rộng diện tích, kỹ thuật canh tác bưởi đỏ của người dân ngày càng được nâng cao, phát triển theo hướng bền vững. Các chủ vườn thay vì tư duy tiêu diệt cỏ dại đã từng bước chuyển sang tư duy quản lý cỏ dại; tăng cường sử dụng các loại phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học để giảm thiểu sự phụ thuộc vào phân bón, thuốc BVTV hóa học...  

Nhờ đó, đến nay, đã có 240ha bưởi đỏ của huyện Tân Lạc được chứng nhận VietGAP, hữu cơ. Đặc biệt, có 6 mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu sang EU được cấp cho 140ha bưởi đỏ trồng tập trung.

Ông Phạm Khắc Thường, Giám đốc HTX Sản xuất - Chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc (xã Tử Nê, Tân Lạc) cho biết: Diện tích trồng bưởi đỏ của HTX là 32ha, trong đó có 20ha đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP với năng suất trung bình từ 25 - 30 tấn/ha.

Theo ông Thường, hiện nay, không chỉ các thị trường xuất khẩu mà thị trường trong nước cũng có những yêu cầu rất cao về chất lượng sản phẩm. Do đó, để quả bưởi của HTX được thị trường chấp nhận thì trong quá trình canh tác, tất cả các yếu tố về giống, đất trồng, kỹ thuật chăm sóc... đều phải được thực hiện theo một quy trình thống nhất.

IMG_7319

Các nhà vườn trồng bưởi ngày càng ý thức rõ về vai trò của canh tác theo hướng hữu cơ. Ảnh: Trung Quân.

Về giống, với những diện tích trồng mới phải được mua ở những cơ sở sản xuất uy tín, đảm bảo giống sạch bệnh, phù hợp với chất đất, điều kiện khí hậu tại địa phương.

Trong quá trình chăm sóc, sử dụng các loại bẫy để bắt côn trùng, dọn cỏ bằng tay để hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc BVTV hóa học. Thay vào đó, sử dụng chế phẩm vi sinh, thảo mộc, nano bạc để phun phòng, giúp bảo vệ môi trường, giảm hiện tượng chai đất, bảo vệ được thảm thực vật, giữ nước, chống xói mòn... Sau mỗi vụ thu hoạch, tiến hành bổ sung dinh dưỡng cho đất bằng cách sử dụng phân chuồng ủ hoai mục...

 Anh Nguyễn Anh Tuấn, chủ vườn bưởi đỏ Tuấn Tú, xã Tử Nê (Tân Lạc) chia sẻ: Hiện tại, gia đình trồng 5ha bưởi đỏ (1.500 cây), trong đó 90% số cây đã cho thu hoạch. Dự kiến vụ bưởi năm nay anh thu được khoảng 15 vạn quả, với giá bán 15.000 đồng/quả, anh thu về gần 2 tỷ đồng (chưa trừ chi phí).

Theo anh Tuấn, để bảo vệ thương hiệu cho bưởi đỏ Tân Lạc, yếu tố đầu tiên các chủ vườn phải tự thay đổi nhận thức, thói quen canh tác, tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác.

z3913529573782_f3cf1c10d2425e6f4e33f8e2e25d5046

Hiện tại, đã có 6 mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu sang EU được cấp cho 140ha bưởi đỏ trồng tập trung của huyện Tân Lạc. Ảnh: Trung Quân.

Bởi lẽ, việc thiên nhiên ưu ái cho Tân Lạc điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi cho cây bưởi sinh trưởng, tạo ra sản phẩm quả bưởi có chất lượng khác biệt không thôi vẫn chưa đủ. Nếu người trồng phó mặc cho tự nhiên, để cây bưởi phát triển tự do mà không chăm sóc thì chắc chắn thương hiệu bưởi đỏ Tân Lạc sẽ mất. Do đó, tất cả các quy trình từ khâu chăm sóc, thu hái, dưỡng cây sau thu hoạch phải được thực hiện một cách bài bản, nhất là thời điểm cây ra hoa đậu quả.

Theo ông Nguyễn Hồng Yến, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Hòa Bình, hiện nay, nhu cầu sử dụng những sản phẩm an toàn, chất lượng của thị trường trong và ngoài nước không ngừng tăng cao. Do đó, đòi hỏi tất cả các khâu từ sản xuất, bảo quản, sơ chế, chế biến đều phải được thực hiện một cách thống nhất, bài bản. Để quả bưởi chinh phục thị trường trong nước và đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, phải xây dựng được chuỗi liên kết bền chặt với sự tham gia của chính quyền địa phương, doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất.

Theo đó, chính quyền địa phương phải quy hoạch được vùng trồng, doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt sản xuất; HTX, người dân trong quá trình canh tác phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu kỹ thuật mà các thị trường đưa ra.

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.