| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng nhà máy giết mổ công nghiệp ở TP.HCM: Hàng loạt vướng mắc

Thứ Ba 22/08/2017 , 13:35 (GMT+7)

Theo kế hoạch, đến hết năm 2017, TP.HCM sẽ chấm dứt sự hoạt động của toàn bộ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thủ công; toàn bộ gia súc, gia cầm sẽ được đưa vào giết mổ tại các cơ sở giết mổ hiện đại. Tuy nhiên...

Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc xây dựng các cơ sở giết mổ ở TP.HCM vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn, khó hoàn thành trước cuối năm nay.

15-03-47_du_thu_vuong_mc_khi_xy_dung_nh_my_giet_mo
Nhà máy giết mổ tập trung của Cty An Hạ mới hoàn thiện phần san lấp

Theo Quyết định 313/QĐ-UBND về việc Phê duyệt phương án “Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2011-2015”, đến cuối năm 2015, TP sẽ đưa vào hoạt động 6 nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp. Nhưng đến năm 2016, chưa có nhà máy nào hoàn thành việc xây dựng, thậm chí có dự án chủ đầu tư xin ngưng thực hiện do vướng mắc về đất đai.

Dầu vậy, khi UBND TP.HCM ban hành quyết định phê duyệt phương án “Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025” (ngày 25/4/2016), vẫn đặt ra mục tiêu: Đến cuối năm 2017, tất cả các cơ sở giết mổ gia súc thủ công hiện hữu phải chấm dứt hoạt động (ngoại trừ 2 cơ sở giết mổ thủ công ở huyện Cần Giờ cung cấp cho người dân của huyện). Toàn bộ hoạt động giết mổ heo được đưa vào 6 nhà máy giết mổ gia súc quy mô công nghiệp, hiện đại, trên địa bàn 2 huyện Củ Chi và Hóc Môn, với công suất giết mổ 10.000-15.000 con/ngày.

6 nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp, gồm: Nhà máy giết mổ tại xã Xuân Thới Thượng (Hóc Môn), do Cty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn làm chủ đầu tư, công suất 2.000 con/ngày; nhà máy chế biến thực phẩm Tân Hiệp (xã Tân Hiệp, Hóc Môn), do HTX Tân Hiệp làm chủ đầu tư, công suất 2.000 con/ngày; nhà máy giết mổ gia súc tại xã Tân Thạnh Tây (Củ Chi), do TCty Nông nghiệp Sài Gòn làm chủ đầu tư, công suất 2.000 con/ngày; nhà máy giết mổ gia súc tại ấp Chợ, xã Tân Phú Trung, huyện Chủ Chi, do Cty TNHH Dịch vụ An Hạ làm chủ đầu tư, công suất 3.000 con/ngày; nhà máy giết mổ tại xã Bình Mỹ (Củ Chi), do Cty TNHH Thực phẩm Lộc An làm chủ đầu tư, công suất 2.000 con/ngày; nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp tại xã Phước Thạnh (Củ Chi), do Cty CP Nhị Tân làm chủ đầu tư, công suất 1.000 con/ngày.

Ngoài ra, Cty Vissan sẽ đưa vào hoạt động nhà máy giết mổ heo tại Bến Lức (Long An), công suất 2.500-4.000 con/ngày. Tuy nhiên, đến thời điểm này, toàn bộ 6 dự án nhà máy giết mổ công nghiệp nói trên đều đang dở dang, rất khó có dự án nào hoàn thành trước cuối năm. Điều này đồng nghĩa với việc, TP.HCM chưa thể chấm dứt hoạt động của các cơ sở giết mổ thủ công trên địa bàn trước cuối năm nay.

Nguyên nhân chính dẫn tới sự chậm trễ này là những khó khăn, vướng mắc về mặt thủ tục. Theo bà Nguyễn Thị Thắm, GĐ Cty TNHH Dịch vụ An Hạ, công ty đã ký hợp đồng NK máy móc, thiết bị giết mổ hiện đại, đến quý 1 năm sau sẽ về đến Việt Nam. Nhưng việc xây dựng nhà máy đang được triển khai rất chậm do vướng quá nhiều thủ tục.

Bà Thắm cho biết: “Đầu tiên là phải chờ bảng thiết kế chi tiết 1/500; bản vẽ xây dựng, đánh giá tác động môi trường, thủ tục pháp lý đất đai, chờ duyệt hồ sơ vay vốn ưu đãi… Công ty đã chạy đi chạy lại các cơ quan chức năng nhiều năm nay rồi. Hiện đã là giai đoạn nước rút nhưng mọi thứ vẫn không thể đẩy nhanh hơn được”. Ngay cả khoản vốn vay ưu đãi để xây dựng nhà máy giết mổ, Cty An Hạ đã được TP chấp nhận cho vay 100 tỷ đồng trên tổng vốn đầu tư 300 tỷ, nhưng đến nay vẫn chưa vay được đồng nào.

Có dự án đã xong được “cửa ải” thủ tục thì lại… chưa có đường vào. Đó là Nhà máy chế biến thực phẩm Tân Hiệp, do HTX Tân Hiệp làm chủ đầu tư. Ông Bạch Đăng Quang, GĐ HTX Tân Hiệp, cho hay, theo cam kết giữa TP với HTX, con đường vào nhà máy sẽ được đầu tư từ ngân sách nhà nước (đã được HĐND TP HCM thông qua). Nhưng đến nay, việc làm đường vẫn chưa được TP triển khai thực hiện, trong khi HTX đã thu xếp xong khoản vốn đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, thiết bị.

Không chỉ vướng mắc về thủ tục từ các cơ quan chức năng địa phương, các dự án nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp ở TP.HCM còn đang đối mặt với những khó khăn bởi những quy định trong Thông tư 13/2017/TT-BNNPTNT về ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực thú y (trong đó có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia yêu cầu vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ động vật tập trung), nhất là những yêu cầu về địa điểm.

Cụ thể: Cơ sở giết mổ động vật tập trung phải nằm trong quy hoạch được UBND cấp tỉnh phê duyệt và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép; phải cách biệt tối thiểu 500 m với khu dân cư, trường học, bệnh viện, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường quốc lộ, sông, suối, nguồn cung cấp nước sinh hoạt; phải cách biệt tối thiểu 1 km với trại chăn nuôi, chợ buôn bán gia súc, gia cầm và các nguồn gây ô nhiễm như bãi rác, nghĩa trang, nhà máy thải bụi và hóa chất độc hại.

Sở dĩ nói các nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp đang được xây dựng ở TP.HCM gặp khó khăn với Thông tư 13, là vì địa điểm xây dựng những nhà máy này đều đã được TP.HCM quy hoạch từ lâu, do đó, có nhiều điều kiện không phù hợp với quy định trong Thông tư 13 về địa điểm xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung. Chẳng hạn nếu so với Thông tư 13, nhà máy giết mổ gia súc tại ấp Chợ, xã Tân Phú Trung, huyện Chủ Chi, do Cty TNHH Dịch vụ An Hạ làm chủ đầu tư, sẽ không đảm bảo nhiều yêu cầu về địa điểm do khoảng cách từ nhà máy tới bệnh viện Xuyên Á, khu dân cư không đạt tiêu chuẩn tối thiểu 500 mét như quy định… Một số nhà máy khác cũng ở vào tình trạng tương tự.

Trước tình hình đó, Cty An Hạ đã buộc phải điều chỉnh thiết kế như ngưng triển khai xây dựng hệ thống pha lóc và kho lạnh trên phần đất hơn 2 ha giáp với bệnh viện Xuyên Á. Phần đất này chuyển sang trồng cây xanh tạo hàng rào cách ly với bệnh viện cho đủ 500 mét. Công ty cũng trừ một phần lớn diện tích giáp với khu dân cư để trồng cây nhằm đảm bảo khoảng cách… Như vậy, nhà máy giết mổ gia súc tập trung của An Hạ, với thiết kế ban đầu gồm nhà máy giết mổ, hệ thống pha lóc, kho lạnh…, giờ chỉ còn phần nhà máy giết mổ. Theo bà Nguyễn Thị Thắm, đây là sự thay đổi bất đắc dĩ, để tránh bị xử phạt, yêu cầu tháo dỡ sau này.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.