| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng nông thôn mới bền vững từ sản phẩm OCOP

Thứ Hai 01/03/2021 , 15:37 (GMT+7)

Phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) sẽ giúp nâng cao đời sống vật chất cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

OCOP tạo sức bật xây dựng nông thôn mới bền vững

Ngay từ khi triển khai thực hiện Chương trình OCOP, tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành liên quan tham mưu tỉnh xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ để phát triển các sản phẩm có lợi thế tại các địa phương trong tỉnh.

Tính đến hết tháng 1/2021, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có 40 sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng. Trong đó, có 13 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 27 sản phẩm đạt 3 sao.

Đồng thời, vận động các chủ thể sản xuất tích cực tham gia OCOP thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực.

Hướng dẫn các địa phương, cá nhân, tổ chức kinh tế lựa chọn ý tưởng, phát triển các sản phẩm OCOP trên cơ sở tiêu chuẩn hóa các sản phẩm hiện có.

Ưu tiên hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện về tổ chức bộ máy của các tổ chức kinh tế, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Hướng dẫn quy trình, thủ tục và hồ sơ đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP…

Nhiều sản phẩm OCOP đã và đang phát triển thị trường rất tốt như: Mật ong các loại của Công ty cổ phần ong Tam Đảo, nấm đùi gà của công ty TNHH nấm Phùng Gia, sữa chua và bánh sữa đặc biệt của HTX chăn nuôi bò sữa Tam Đảo…

Nấm đùi gà của công ty TNHH nấm Phùng Gia được công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh Vĩnh Phúc.

Nấm đùi gà của công ty TNHH nấm Phùng Gia được công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chương trình OCOP đã có tác động tích cực vào kết quả xây dựng nông thôn mới bền vững.

Không chỉ góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất trong bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, các sản phẩm OCOP còn thúc đẩy tích cực phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở, làng nghề, từng bước tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, số sản phẩm được đánh giá, phân hạng còn khá khiêm tốn và chưa có nhiều sản phẩm mang tính đặc trưng, bản sắc của địa phương.

Nguyên nhân chủ yếu là do người dân chưa hiểu đầy đủ về Chương trình OCOP,  chưa xác định được mục tiêu của sản phẩm; các sản phẩm đặc thù còn manh mún, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp.

Tại nhiều nơi, sự vào cuộc của người dân và các tổ chức, cá nhân còn hạn chế, chưa chú trọng đến việc xây dựng thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm chất lượng và đẹp mắt để thu hút người tiêu dùng. Một số địa phương vẫn còn lúng túng, gặp nhiều khó khăn trong triển khai Chương trình OCOP.

Phát triển thêm nhiều sản phẩm mới

Theo đại diện Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Vĩnh Phúc, OCOP là một trong những chương trình phát triển kinh tế - xã hội quan trọng, đặc biệt sẽ góp phần quan trọng để các địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Song để xây dựng thành công sản phẩm OCOP không phải là chuyện một sớm một chiều, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các cấp chính quyền và các chủ thể tham gia.

Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, năm 2020,  tỉnh vẫn xây dựng được 22 sản phẩm đặc trưng với chất lượng vượt trội so với năm trước. Đây là tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số sản phẩm chưa bảo đảm về mẫu mã, chưa có tính đặc trưng bản sắc địa phương.

Các sản phẩm mật ong Tam Đảo đạt OCOP 4 sao của tỉnh Vĩnh Phúc.

Các sản phẩm mật ong Tam Đảo đạt OCOP 4 sao của tỉnh Vĩnh Phúc.

Năm 2021, để hoàn thành mục tiêu có thêm 15 - 20 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, hình thành điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các trung tâm thương mại, khu du lịch, khu đô thị trên địa bàn tỉnh, các cấp, ngành, địa phương cần xem OCOP là giải pháp quan trọng để phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị có lợi thế của địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần bổ trợ cho lộ trình xây dựng nông thôn mới bền vững.

Trên cơ sở đó, cần chủ động khảo sát toàn bộ các sản phẩm, xác định rõ sản phẩm, nhóm sản phẩm có lợi thế của địa phương để tư vấn giúp các chủ thể mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng, sản lượng, hoàn thiện kiểu dáng công nghiệp bao bì sản phẩm... đáp ứng các tiêu chí của Chương trình OCOP.

Riêng đối với các sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm OCOP, cần tiếp tục đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng để được nâng hạng sao; duy trì, nhân rộng điểm giới thiệu và bán sản phẩm, quản lý hoạt động của các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP để đạt hiệu quả và phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn và kinh tế của địa phương.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

Bình luận mới nhất