| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng nông thôn mới không thể thiếu vai trò của các hợp tác xã

Thứ Ba 17/11/2020 , 08:38 (GMT+7)

Các HTX có vai trò hết sức quan trọng, không chỉ nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn trong thời kỳ hội nhập.

Vĩnh Phúc hiện có hơn 230 hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn chỉ có khoảng 60 HTX hoạt động hiệu quả, số còn lại hoạt động chưa hiệu quả hoặc đã ngừng hoạt động.

Cơ giới hóa thu hoạch lúa ở hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý - huyện Bình Xuyên - tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Tự Cường.

Cơ giới hóa thu hoạch lúa ở hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý - huyện Bình Xuyên - tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Tự Cường.

Thực hiện các chính sách của Trung ương và của địa phương về việc đẩy mạnh đổi mới, tổ chức sắp xếp lại hoạt động của các HTX, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, giúp các thành viên HTX nâng cao tinh thần tự chủ, có sự gắn kết chặt chẽ trong tổ chức sản xuất để tạo nên những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có năng suất, chất lượng cao, từng bước xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý (huyện Bình Xuyên) từ chỗ chỉ làm những dịch vụ công truyền thống như: Tu sửa đường giao thông nội đồng, bảo vệ đồng ruộng, đến nay, HTX Nhân Lý đã mở rộng thêm dịch vụ giống cây trồng, vật tư nông nghiệp, dịch vụ bảo vệ môi trường…

Từ năm 2018, HTX đã áp dụng mô hình dịch vụ cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa, trong đó HTX nhận thực hiện dịch vụ đồng bộ từ khâu làm đất, làm mạ, cấy và gặt điều này đã giúp giảm giá thành sản xuất, giải phóng sức lao động góp phần đem lại lợi nhuận cho HTX và các thành viên. Thời điểm hiện tại, HTX Nhân Lý đang thiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu “Gạo ngon Phú Xuân”. Đây là yếu tố quan trọng để sản phẩm của HTX nâng cao vị thế, mở rộng thị trường tạo nên giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Ứng dụng máy cấy lúa tại hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý. Ảnh: Tự Cường.

Ứng dụng máy cấy lúa tại hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý. Ảnh: Tự Cường.

Bên cạnh những HTX giàu truyền thống như HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý, hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều HTX mới thành lập nhưng cũng đã gặt hái được thành quả tích cực, HTX rau an toàn Visa (xã Đại Tự, huyện Yên Lạc) là một trong những điển hình đó.

Tháng 9/2017, HTX bắt đầu sản xuất 2 mặt hàng trái vụ là rau muống và mùng tơi. Đơn hàng đầu tiên, 100% sản phẩm rau của HTX đã xuất bán cho Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco (Tập đoàn Vingroup). Từ 3ha sản xuất ban đầu tại xã Đại Tự, đến nay, HTX đã liên kết và là đầu mối tiêu thụ nông sản được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP của các hộ nông dân ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Sơn La, Nghệ An, Phú Thọ, Tuyên Quang...với diện tích hơn 700ha. Bình quân mỗi ngày, HTX cung ứng hơn 7 tấn rau, củ, quả các loại cho thị trường, trong đó 1,5-2 tấn rau cho hệ thống siêu thị Vinmart, cửa hàng thực phẩm sạch, Công ty TNHH Welstory Việt Nam, Công ty TNHH Foseca Việt Nam.

Mô hình hợp tác xã sản xuất rau an toàn tại Vĩnh Phúc. Ảnh: Nguyễn Cường.

Mô hình hợp tác xã sản xuất rau an toàn tại Vĩnh Phúc. Ảnh: Nguyễn Cường.

Khác với các HTX sản xuất rau an toàn, HTX chăn nuôi bò sữa Tam Đảo lại chọn giải pháp áp dụng công nghệ chế biến sâu là chiến lược phát triển của đơn vị mình.

Chị Kim Thị Tân, Giám đốc HTX Chăn nuôi bò sữa Tam Đảo cho biết, khi mới thành lập, HTX tổ chức thu mua sữa và cung cấp sữa cho Công ty cổ phần sữa Đà Lạt và sau một thời gian, Công ty cổ phần sữa Đà Lạt không nhận thu mua sữa. Nhận thấy đầu ra không ổn định, HTX đã chủ động liên kết với người chăn nuôi bò sữa ở huyện Tam Đảo chuyển hướng sang chế biến các sản phẩm từ sữa bò nhằm giúp bà con nông dân chủ động về đầu ra. Theo đó, HTX đã mạnh dạn chuyển từ sữa tươi nguyên liệu sang tự sản xuất, chế biến sữa bò thành các sản phẩm sữa chua, sữa chua nếp cẩm, sữa chua uống, sữa thanh trùng, bánh sữa…

Các sản phẩm thương hiệu bò sữa Tam Đảo đến nay đã được tiêu thụ rộng khắp các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nội, Tuyên Quang, Hải Phòng… Tất cả các sản phẩm của HTX bò sữa Tam Đảo đều được cấp Giấy chứng nhận là cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong thu mua, bảo quản sữa tươi nguyên liệu và chế biến các sản phẩm từ sữa.

Thực tiễn xây dựng nông thôn mới thời gian qua cho thấy, kinh tế tập thể mà nòng cốt là các HTX, nếu phát triển đúng hướng, sẽ là một yếu tố và động lực cơ bản góp phần tạo nền tảng để thúc đẩy quá trình xây dựng NTM. Các HTX nông nghiệp đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất và nhất là đã thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản.

Tuy nhiên, phần lớn HTX trên địa bàn tỉnh vẫn gặp phải không ít khó khăn do năng lực quản lý, điều hành của cán bộ Ban quản trị HTX còn hạn chế, hầu hết tuổi cao, chưa qua đào tạo nên thiếu năng động và nhạy bén với cơ chế thị trường. Cơ sở vật chất, nguồn vốn hoạt động của các HTX còn khó khăn, quy mô hoạt động nhỏ; nhiều HTX chuyển từ mô hình cũ sang mô hình mới hoạt động còn lúng túng, hoạt động mang tính thời vụ, không có phương án, kế hoạch phát triển dài hạn…

Sản xuất rau an toàn ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Nguyễn Cường.

Sản xuất rau an toàn ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Nguyễn Cường.

Để các HTX nông nghiệp thực sự phát triển bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho khu vực kinh tế nông thôn cần có chiến lược và giải pháp tổng thể, trong đó tập trung đẩy mạnh tuyên truyền tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cấp ủy đảng, chính quyền và người dân coi phát triển HTX là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị;

Rà soát, xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ các HTX tháo gỡ khó khăn đẩy mạnh phát triển sản xuất; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với HTX; đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý HTX; phát huy tốt vai trò của thành viên HTX trong tổ chức sản xuất, liên kết giữa các thành viên với thành viên, thành viên với HTX. Đồng thời, tích cực hỗ trợ các HTX xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm tạo sự ổn định trong khâu tiêu thụ nông sản.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

5 điểm bán sản phẩm OCOP phục vụ giỏ quà tết tại Kiên Giang

Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đến nay đã thành lập được 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, với hàng trăm giỏ quà tết được tiêu thụ mỗi ngày.

Bình luận mới nhất