| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng nông thôn mới ở trung tâm “thủ đô gió ngàn”

Chủ Nhật 16/08/2020 , 11:58 (GMT+7)

Xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên là trung tâm của ATK kháng chiến năm xưa.

Hộ làm chè tại xã Phú Đình được đầu tư trang bị máy sao và máy vò chè phục vụ sản xuất. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Hộ làm chè tại xã Phú Đình được đầu tư trang bị máy sao và máy vò chè phục vụ sản xuất. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Tự hào chiến khu

Tại Phú Đình hiện đang lưu giữ hệ thống di tích lịch sử dày đặc, nơi có Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh đèo De lộng gió. Hoàn thành các tiêu chí NTM vào cuối năm 2019, bộ mặt nông nghiệp nông thôn và nông dân xã Phú Đình đã thay đổi toàn diện. Trên cơ sở đó, xã tiếp tục xây dựng NTM giai đoạn tiếp theo, với những tiêu chí được nâng cao.

Nói về quá trình xây dựng NTM của địa phương, Chủ tịch UBND xã Phú Đình Trương Văn Vựng chia sẻ: Đầu năm 2012, xã bắt tay vào thực hiện Chương trình xây dựng NTM, qua rà soát đánh giá thì đạt 6/19 tiêu chí, thu nhập bình quân 8,3 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức 35,5%. Là xã thuần nông với xuất phát điểm thấp như vậy, cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân đã phải hết sức quyết tâm, đồng lòng, tích cực hưởng ứng tham gia phong trào chung sức xây dựng NTM. 

Sau hơn 7 năm triển khai thực hiện, xã Phú Đình đã huy động được trên 40 tỷ đồng từ các nguồn vốn để thực hiện Chương trình xây dựng NTM, trong đó riêng nguồn vốn đóng góp của nhân dân trên 7 tỷ đồng. Hưởng ứng phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn, người dân trong xã đã hiến trên 50.000m2 đất cùng tài sản trên đất trị giá trên 1 tỷ đồng để mở rộng, kiên cố hóa các tuyến đường. Nhờ vậy, từ chỗ gần 100% đường giao thông trên địa bàn xã là đường đất, đến nay, toàn xã đã có 31,8 km đường giao thông được bê tông và cứng hóa (đạt 83%). Cùng với đó, các công trình hạ tầng thiết yếu như: trường học, kênh mương, nhà văn hóa, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung… cũng được xã quan tâm đầu tư xây mới.

Không chỉ tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xã còn đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo nghề, vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: thay thế giống chè trung du bằng các loại chè lai cho năng suất và giá trị kinh tế cao; tập trung phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại; tích cực đưa các giống lúa lai, lúa cao sản, lúa thuần chất lượng cao vào gieo cấy… Theo thống kê, hiện nay, toàn xã có gần 223ha chè thương phẩm, trong đó, trên 70% diện tích đã được người dân thay thế bằng các giống chè lai: LDP1, PH1, TRI 777, Phúc Vân Tiên, Long Vân… Nhờ đó, giá trị kinh tế của cây chè ở Phú Đình đã được nâng lên rõ rệt. Nếu như năm 2012, mỗi ha chè chỉ cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm thì nay đã tăng lên trên 92 triệu đồng/năm. 

Nâng cao chất lượng tiêu chí

Để phát huy được hiệu quả, gần đây xã tiếp tục xây dựng thêm 2 làng nghề chè chuyền thống, nâng tổng số lên 5 làng nghề chè và thành lập 1 HTX hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến chè xanh, sáng tạo trong việc lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ máy móc phục vụ sản xuất và chế biến chè cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hỗ trợ giống chè cành cho các hộ trồng mới, trồng thay thế, trung bình mỗi năm đạt 15 ha/ năm.

Cây chè được xác định là cây trồng chủ lực tại xã ATK Phú Đình. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Cây chè được xác định là cây trồng chủ lực tại xã ATK Phú Đình. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Thành tựu xây dựng NTM ở Phú Đình được khẳng định bởi những công trình nhà ở khang trang, kiên cố; hệ thống đường giao thông nông thôn được bê tông hóa trải dài khắp các thôn, xóm; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đang từng bước được cải thiện. Nếu như năm 2012, thu nhập bình quân đầu người của người dân chỉ đạt 8,3 triệu đồng thì nay đã tăng lên 32,1triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 35,5%.% xuống còn 11,4 %; trên địa bàn xã có 2/3 trường học đạt chuẩn Quốc gia; trên 90% người dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh…

Xã đã tiếp tục chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập trung vào các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh của địa phương như: Cây chè, chăn nuôi lợn, gà và trâu bò... Bên cạnh đó, xã cũng đẩy mạnh hỗ trợ về vốn và khoa học - kỹ thuật để nhân dân có điều kiện phát triển sản xuất, mở rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả trên địa bàn. Theo thống kê, trên địa bàn xã hiện có khoảng 20 gia trại chăn nuôi lợn, gà cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; 5 làng nghề, 2 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác trồng và chế biến chè. Cùng với việc nhân rộng các mô hình kinh tế, thời gian gần đây, xã Phú Đình còn khuyến khích và tạo điều kiện cho lực lượng lao động trẻ tại địa phương được đào tạo nghề và giới thiệu việc làm tại các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh hoặc xuất khẩu lao động đi nước ngoài. Toàn xã hiện có khoảng 200 lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh và trên 20 lao động xuất khẩu ra nước ngoài.

Đưa chúng tôi đi thăm những đồi chè bát úp, ông Ma Doãn Thành (Phó chủ tịch UBND xã Phú Đình) tự hào cho biết, bộ mặt địa phương được đổi mới, văn minh hơn, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, thu nhập và điều kiện sống của nhân dân được cải thiện nhanh chóng. Công tác xóa đói giảm nghèo bền vững, chính sách đền ơn đáp nghĩa được thực hiện tốt, giáo dục đào tạo phát triển toàn diện. Phong trào toàn dân đoàn kết xây NTM ngày càng được nhân dân hưởng ứng tích cực, cảnh quan môi trường được sạch đẹp, trật tự xã hội được đảm bảo.

Nhận thức của cán bộ đảng viên và người dân về xây dựng NTM đã có chuyển biến rõ nét. Xây dựng NTM đã trở thành phong trào rộng khắp trên toàn xã và dần đi vào nếp sống của môi người. Dân chủ cơ sở được nâng cao hơn, ý thức và trách nhiệm làm chủ của người dân từng bước được nâng lên. Qua đó đã phát huy được nhiều cách làm sáng tạo góp phần huy động được nhiều nguồn lực đóng góp cho xây dựng NTM giai đoạn trước đây và nay là tiếp tục xây dựng thành công NTM kiểu mẫu.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.