| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng thương hiệu Cam Vinh sinh thái

Thứ Hai 23/03/2020 , 13:52 (GMT+7)

Sau 7 năm, Công ty Cổ phần Trang trại nông sản Phủ Quỳ ở Nghệ An đã xây dựng và sở hữu độc quyền thương hiệu “Cam Vinh Kỳ Yến”.

Chủ nhân bên vườn cam Vinh sinh thái.

Chủ nhân bên vườn cam Vinh sinh thái.

Sản phẩm cam hữu cơ của Cty đang được tiêu thụ tại nhiều siêu thị, kênh phân phối lớn. Cty cũng đã có Nhà máy chế biến cam làm “động lực” để tập hợp nông dân trồng cam sinh thái, liên kết bao tiêu sản phẩm.

Tìm lối ra bền vững

Nguyễn Thị Lê Na còn nhớ như in một cuộc gọi điện thoại từ 7 năm trước, khi chị còn đang làm nhân viên truyền thông tại Công ty Honda Việt Nam (đóng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc) và không nghĩ đến việc về quê làm nông nghiệp.

Ở bên kia đầu dây là người cha, giọng run run kể về việc vườn cam của gia đình thu hoạch không tiêu thụ được. Trong khi đang “khủng hoảng” đầu ra thì một đơn vị ở Hà Nội đặt mua 1,5 tấn cam tươi.

Ông phải đánh xe quãng đường dài 6 tiếng đồng hồ, chở cam từ Nghệ An vào thủ đô giao hàng theo yêu cầu vị khách đó. Thế nhưng họ không chịu trả tiền, cha cô kể, ông đã bị lừa.

Từ lâu, những nông dân ở xứ cam lừng lẫy Phủ Quỳ đã vật lộn với bài toán tìm đầu ra, thậm chí không ít lần phải nhắm mắt đổ bỏ hàng tấn cam mình dày công chăm bón vì kịch bản quen thuộc được mùa mất giá.

Lê Na phải nhờ các mối quan hệ để tìm ra cơ sở đã đặt mua cam và thu hồi được 900kg. Với số hàng đó, qua facebook, chị kêu gọi bạn bè, người thân hỗ trợ bán hết số cam trên. Vào năm ấy, Lê Na quyết định không thể để cha mẹ đơn độc trong cuộc chiến thị trường tưởng như không hồi kết, nên quyết định về quê.

Nhưng về quê không phải để làm lại những gì mà người nông dân đã làm, mà chị quyết tâm làm những gì mà người nông dân quê chị chưa làm được.

Lê Na đứng ra thành lập Cty Cổ phần Trang trại nông sản Phủ Quỳ, đăng ký thương hiệu "Cam Vinh Kỳ Yến". Cty được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nghệ An hỗ trợ xây dựng dự án thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP.

Khách nước ngoài tham quan vườn cam sạch.

Khách nước ngoài tham quan vườn cam sạch.

Tại thời điểm đó, Lê Na phát hiện ra một số gia đình vẫn còn giữ được cây cam Xã Đoài lừng danh một thời. Chị lọ mọ thử nghiệm cách trồng cam quý của Xã Đoài, đồng thời tham khảo thêm phương pháp syntropic cải tạo đất mô phỏng rừng nhiệt đới Amazon và permaculture…

Sau hai năm miệt mài, đến năm 2015 vườn trồng cam Kỳ Yến tựa như một khu rừng của Lê Na được đăng ký sở hữu trí tuệ và chứng nhận VietGAP. Cam sạch bắt đầu lên kệ các chuỗi cửa hàng và siêu thị uy tín. Dần dà, các đối tác uy tín tìm đến nhiều hơn với hợp đồng trả giá cao cho cam Kỳ Yến.

Trồng cam sinh thái và đầu tư vào chế biến

Chưa muốn dừng lại với quy trình VietGAP, chị quyết định trồng cam theo mô hình canh tác hữu cơ, mà chị gọi là trồng cam sinh thái, với mong muốn liên kết các hộ nông dân lại để trồng cam theo quy trình của Cty.

Đây là phương pháp sản xuất thuận theo tự nhiên, không sử dụng hóa chất tác động vào cây trồng. Chị đã phải mất rất nhiều công sức để nghiên cứu phương pháp trồng cây sinh thái của Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hà Lan…

Không phải là kỹ sư nông nghiệp nhưng chị đã tự nghiên cứu về đặc tính cây cam, những loại sâu bệnh tác động đến cây trồng, các dưỡng chất cần thiết...

Sau khi tìm hiểu, chị thấy rằng cây cam cần một số chất chủ yếu, như: nitơ, kali, phốt pho, trung lượng, vi lượng và quan hệ cộng sinh với một số sinh vật khác để phát triển mạnh.

Để cung cấp các dưỡng chất, chị sử dụng chính các loại cây lá ngâm ủ trong vườn làm phân bón. Chẳng hạn, tùy vào từng thời điểm, nếu cây cần đạm thì dùng thân cây đậu tương ủ mục, nhưng khi cần bổ sung kali thì lại dùng hạt đậu ngâm hoặc ủ thân cây chuối băm nhỏ làm phân bón... 

Các sản phẩm được kiểm định bảo đảm "5 không": Không chất bảo quản, không chất tạo màu, không hương liệu tổng hợp, không chất ổn định và không biến đổi gen. Năm 2017, nhận được sự hỗ trợ từ Quỹ Thriive (Hoa Kỳ) cung cấp hệ thống kho mát, máy sấy phục vụ sản xuất, Cty đã hoàn thành xây dựng nhà máy chế biến cam.

Quá trình chăm sóc, chị thấy trên cây cam có các loại sâu bệnh chủ yếu, như: nhện đỏ ăn lộc lá, sâu vẽ bùa, bệnh vàng lá thối rễ, vàng lá gân xanh...

Do vậy, phải thiết lập một hệ sinh thái tự vận hành qua việc trồng xen canh, đa canh, cộng sinh giữa các loại thực vật nhằm hạn chế sâu bệnh, như chỗ nào trồng cây lạc tiên thì ở đó ít sâu bệnh hơn.

Có thời điểm cây cam bị sâu ăn ngọn, chị huy động nhân công dùng tay bắt sâu hay thả kiến vàng để diệt sâu bệnh. Từ Tết Nguyên đán 2018, lứa cam sinh thái đầu tiên cung ứng ra thị trường với giá cao ngất ngưởng 50.000 đồng/quả, được khách hàng tiêu thụ hết.  

Sau khi đã có nông dân gánh bớt trách nhiệm trong mảng trồng trọt cho doanh nghiệp, Lê Na thử sức với chế biến: Cô tự tay lên công thức và làm các sản phẩm từ cam tại nhà như cam khô, mứt, xà phòng, tinh dầu cam và thậm chí cả bánh trung thu cam.

Đến thời điểm này, Cty đã ký hợp đồng liên kết với hơn 30 nông hộ trên diện tích sản xuất khoảng 50 ha.

Năm 2019, Cty Cổ phần Trang trại nông sản Phủ Quỳ mời một chuyên gia nông nghiệp nổi tiếng người Hà Lan tên Mart – người đã từng đi qua hơn 40 quốc gia, làm việc với nhiều mô hình nông nghiệp bền vững khắp thế giới – đến Việt Nam để nghiên cứu tư vấn hoàn thiện mô hình cam Vinh sinh thái.

Lê Na đã tổ chức thành lớp học để nhiều nông dân và người làm nông nghiệp khác cùng trau dồi kiến thức, kỹ năng làm nông nghiệp hữu cơ.

Lê Na kết thúc năm 2019 bằng việc chốt hợp đồng với đối tác ở Campuchia, họ đã giao cho chị 30ha đất để mở rộng vùng trồng cam. Tham vọng của chị, là thay đổi thói quen canh tác không chỉ ở 50ha với gần 30 nông hộ liên kết, mà thay đổi thói quen của cả một khu vực.

“Với tôi, lan tỏa phương thức trồng cam sinh thái chính là sứ mệnh, bởi đó không chỉ là thực phẩm sạch cho người tiêu dùng, mà còn là cách giữ nông dân ở lại với ruộng đồng, yêu ruộng đồng và cũng là cách giúp họ thoát nghèo bền vững”, Lê Na chia sẻ.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Hà Nội công bố bảng giá đất mới, cao nhất gần 700 triệu đồng/m2

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký Quyết định 71 sửa đổi, bổ sung Quyết định 30 về quy định và bảng giá đất trên địa bàn thành phố.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.