| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng thương hiệu 'Gạo quê hương Đại tướng'

Chủ Nhật 19/06/2022 , 16:54 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Dù liên tục gặp thời tiết bất lợi, giá vật tư tăng cao, nhưng hơn 500 ha lúa mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp của huyện Lệ Thủy vẫn lãi tốt.

Giống mới, quy trình mới, tư duy mới

Đi thăm đồng, ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) phấn khởi bên những ruộng lúa trĩu hạt. Ông cho biết mấy năm qua, Lệ Thủy chú trọng đến việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp. Từ chuỗi liên kết, đã giúp nông dân thu lợi lớn nên huyện tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp vào đồng hành cùng bà con…

Giống lúa QS 88 được cơ cấu trong mô hình liên kết sản xuất ở huyện Lệ Thủy cho năng suất cao. Ảnh: T.P.

Giống lúa QS 88 được cơ cấu trong mô hình liên kết sản xuất ở huyện Lệ Thủy cho năng suất cao. Ảnh: T.P.

Trên những cánh đồng ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), những năm gần đây đã xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình liên kết sản xuất lúa, thu hút sự quan tâm của đông đảo bà con nông dân. Mô hình liên kết sản xuất đã tạo cho nông dân nơi đây tư duy mới về canh tác.

Vụ đông xuân năm nay, gia đình ông Mai Ngọc Dương ở xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thủy canh tác lúa theo hướng hữu cơ với giống lúa mới QS 88 do Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình (Công ty giống Quảng Bình) cung ứng. Mặc dù thời tiết không thuận lợi, nhưng năng suất lúa vẫn đạt khoảng 66 tạ/ha, cao hơn gần 6 tạ/ha so với các giống lúa khác ông gieo trồng các mùa vụ trước.

Đứng dõi mắt theo chiếc máy gặt đang chạy phăm phăm trên ruộng, ông Dương cho hay, trước đây làm mô hình bà con chỉ suy nghĩ đơn thuần đó là nhà nước đưa tiền về hỗ trợ người dân, hết tiền là bà con hết mô hình. "Nay chúng tôi làm mô hình liên kết, nông dân tự chủ thực hiện trên quy trình kỹ thuật mà doanh nghiệp đã cung cấp giống, phân bón” ông Dương cho hay.

Chiếc máy gặt cập bờ ruộng, ông Dương phụ bốc từng bao lúa căng tròn xuống và chất lên xe bò kéo đưa đến điểm tập kết. Nơi đó, ô tô tải của Công ty giống Quảng Bình đang chờ để thu mua lúa tươi tại ruộng cho nông dân.

Cơ giới hóa đồng bộ tại các cánh đồng liên kết sản xuất. Ảnh: TP.

Cơ giới hóa đồng bộ tại các cánh đồng liên kết sản xuất. Ảnh: TP.

Vụ đông xuân 2021 - 2022, Công ty giống Quảng Bình phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện Lệ Thủy tổ chức mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trên diện tích hơn 500 ha tại các xã Lộc Thủy, Phong Thủy, An Thủy, Hoa Thủy, Sơn Thủy… Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Giám đốc công ty cho biết: Công ty cung ứng các giống mới như QS 88, LTH 31 cho bà con đưa vào canh tác. Đây là những bộ giống có năng suất, chất lượng cao.

Tại xã Lộc Thủy, mô hình liên kết giữa Công ty giống Quảng Bình với nông dân địa phương đã triển khai trên diện tích gần 22ha. Kết quả cho thấy, cây lúa có khả năng chống chịu rét tốt, không đổ ngã, không xuất hiện các loại sâu bệnh hại chính. Chất lượng gạo thuộc nhóm lúa thơm, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu...

Ông Đặng Ngọc Thắng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Sản xuất Kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Tuy Lộc (xã Lộc Thủy), người luôn tiên phong trong việc đưa các giống mới, mô hình mới về trên đồng ruộng rất tâm đắc với mô hình này. Theo ông Thắng, điều nông dân lo đến mất ăn, mất ngủ là đến vụ thu hoạch mà chưa thấy thương lái đến hỏi mua lúa. Rồi khi được mùa thì lại rớt giá nên nhìn lúa vàng trên đồng mà cứ thấy thấp thỏm lo âu.

“Nay chúng tôi xây dựng mô hình liên kết, nông dân có thể kê cao gối mà say giấc. Đơn giản vì giống mới, phân bón, quy trình sản xuất đã được bên doanh nghiệp chăm lo. Hơn thế nữa, toàn bộ sản lượng lúa của chúng tôi đều được thu mua ngay tại chân ruộng với giá đảm bảo cao hơn giá thị trường tại thời điểm. Gặt xong thửa ruộng, nông dân chỉ việc nhận tiền tươi”, ông Thắng vui vẻ nói.

Không chỉ là lợi nhuận cao hơn, nông dân tham gia liên kết còn rất yên tâm sản xuất bởi tất tần tật đã có doanh nghiệp hỗ trợ. Ảnh: T.P.

Không chỉ là lợi nhuận cao hơn, nông dân tham gia liên kết còn rất yên tâm sản xuất bởi tất tần tật đã có doanh nghiệp hỗ trợ. Ảnh: T.P.

Kỹ sư nông nghiệp Đỗ Xuân Thành, Trạm trưởng Trạm giống Lệ Thủy (thuộc Công ty giống Quảng Bình) mấy hôm nay tất tả ngược xuôi trên đồng ruộng để chỉ đạo sát sao việc thu hoạch, thu mua, vận chuyển lúa cho bà con. Anh bảo ngoài việc cung ứng giống tốt, phân bón chất lượng thì phải luôn sát cánh cùng bà con bên đồng ruộng để theo dõi tình hình phát sinh sâu bệnh nhằm có biện pháp kịp thời.

Trên địa bàn rộng, mô hình liên kết được xây dựng, phân bố cách xa nhau nên kỹ sư Đỗ Xuân Thành và các kỹ sư khác của đơn vị luôn bận rộn. Kỹ sư Thành nói: “Trước đây, nhiệm vụ chúng tôi chỉ cung ứng giống. Nhưng bây giờ thực sự gắn chặt với nông dân, với đồng ruộng từ các khâu chuẩn bị giống, vật tư phân bón, quy trình sản xuất, chăm sóc cây lúa sinh trưởng qua các thời kỳ cho đến khi từng bao lúa được chất lên ô tô tải chở về nhà máy sấy khô thì mới yên tâm”.

Cho nông dân vị thế mới

Theo nông dân tham gia mô hình, giống lúa QS88 có thời gian sinh trưởng từ 120 - 125 ngày đối với vụ đông xuân. Năng suất khá cao, ổn định từ 75 - 80 tạ/ha, hiệu quả kinh tế tăng thêm từ 20 đến 30% so với các giống khác.

Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Giám đốc Công ty giống Quảng Bình cho hay, đưa giống lúa mới QS 88 vào sản xuất theo mô hình chuỗi liên kết gắn với bao tiêu sản phẩm không chỉ góp phần tăng hiệu quả sản xuất cho nông dân mà còn từng bước xây dựng thương hiệu “Gạo quê hương Đại tướng”.

Công ty đã đảm bảo cung ứng 100% giống, phân bón và cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bà con canh tác theo hướng hữu cơ. Đến thời điểm thu hoạch, Công ty thu mua toàn bộ sản phẩm lúa tươi ngay tại ruộng cho bà con.

Liên kết sản xuất giúp nông dân có vị thế mới, thúc đẩy sản xuất hàng hóa. Ảnh: T.P.

Liên kết sản xuất giúp nông dân có vị thế mới, thúc đẩy sản xuất hàng hóa. Ảnh: T.P.

Bên vạt ruộng mới gặt xong, hai bố con ông Mai Văn Chung (xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy) đang dùng xe máy kéo xe bò chở lúa lên đường lớn để bốc lên ô tô. Ông Chung như quên cái nắng khét trên đầu, hồ hởi cho hay đã tham gia vào chuỗi liên kết đã được ba vụ.

Tham gia vào liên kết, nông dân được nhiều lợi thế. Không chỉ yên tâm về giống, phân bón mà doanh nghiệp đã cung ứng, bà con còn được cho trả chậm khi thu hoạch lúa. Việc doanh nghiệp thu mua lúa tươi ngay tại ruộng cũng giúp bà con được lợi thêm phí vận chuyển, công phơi lúa.

“Nếu như không có doanh nghiệp, bà con phải vận chuyển lúa về nhà rồi phải phơi phong sau đó. Trời nắng thì tốt, nhưng gặp phải trời mưa là nhọc nhằn lắm, nay thì khỏe người. Máy gặt tấp từng bao lúa lên bờ ruộng, cha con tôi chỉ việc đưa lên xe bò kéo một quãng ngắn. Tại đó, có đại diện HTX đứng ra cân đong cho hai bên mua bán. Tiền cũng được trả ngay cho bà con một cách nhanh chóng. Nhiều cái lợi lắm, bà con rất vững tin gắn bó với đồng ruộng”, ông Chung nói.

Cũng theo ông Chung, vụ đông xuân vừa qua nhà ông làm 10 sào ruộng (0,5ha), năng suất đạt khoảng 7,5 tấn/ha. Giá thu mua của công ty là 7,1 triệu đồng/tấn, thành tiền được khoảng hơn 53 triệu đồng/ha. Trong khi đó, chi phí về giống, phân bón, các khoản dịch vụ, công lao động… hết khoảng từ 23 - 25 triệu đồng/ha.

“Dù năm nay chi phí phân bón rất cao, nhưng nhờ tham gia liên kết với công ty nên bà con vẫn lãi được khoảng 28 - 30 triệu đồng/ha. Việc mua bán cũng được chủ động. Nông dân không còn lo bị tư thương ép giá, không còn bị chê bai lúa đen lúa đỏ nữa”, ông Chung hồ hởi nói thêm.

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng được doanh nghiệp hỗ trợ, nông dân Quảng Bình tự tin hơn trong sản xuất. Ảnh: T.P

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng được doanh nghiệp hỗ trợ, nông dân Quảng Bình tự tin hơn trong sản xuất. Ảnh: T.P

Với mục tiêu liên kết sản xuất lúa gạo bền vững, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn cho thương hiệu “Gạo quê hương Đại tướng”, thời gian tới, Công ty giống Quảng Bình cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với huyện Lệ Thủy mở rộng diện tích canh tác các giống lúa QS 88, LTH 31… theo hướng hữu cơ. “Sau khi thu mua lúa cho nông dân, Công ty thực hiện quy trình chế biến gạo, đóng gói nhãn hiệu theo hệ thống các tiêu chuẩn quy định trong nước cũng như các thị trường xuất khẩu”, Giám đốc công ty Nguyễn Xuân Kỳ cho hay.

Đi kiểm tra thực tế trên cánh đồng xã Lộc Thủy, ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho rằng, việc đẩy mạnh mở rộng mô hình liên kết sẽ tạo nên vị thế mới cho nông dân trên đồng ruộng. “Chúng tôi luôn tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp đến với bà con nông dân trong chuỗi liên kết sản xuất. Qua đó để tạo dựng được thương hiệu “Gạo quê hương Đại tướng” đến mọi miền đất nước và tiến tới thị trường quốc tế”, ông Đặng Đại Tình hi vọng.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.