| Hotline: 0983.970.780

Thời tiết dị thường và vụ lúa đông xuân các tỉnh phía Bắc

Thứ Hai 13/06/2022 , 10:09 (GMT+7)

Thời tiết dị thường, giá vật tư tăng cao, tuy nhiên trừ một số nơi thiệt hại cục bộ do sâu bệnh và mưa lũ, vụ đông xuân phía Bắc nhìn chung vẫn được mùa.

Các tỉnh ĐBSH và Bắc bộ đang thu hoạch vụ lúa đông xuân 2022, một vụ lúa được đánh giá đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra. Xin có vài nhìn nhận về vụ lúa đông xuân này như sau:

Thời tiết dị thường, rét muộn và lai rai

Đông xuân 2022 là vụ đông xuân rét, nền nhiệt trung bình các tháng cuối đông và đầu xuân đều thấp hơn những năm trước và thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ phổ biến 1,5 - 2,5 độ C, có những tuần thấp hơn 2 - 3 độ C. Đặc biệt ngưỡng rét đậm, rét hại lại dịch muộn hơn sang đến sau Lập xuân (4 tháng 2). Nhiều đợt rét đậm vào nửa đầu tháng 2, các đợt bổ sung đến đầu tháng 3.

Rét đậm, rét hại kéo dài đầu vụ đông xuân năm nay đã khiến nhiều diện tích lúa gieo sạ bị thiệt hại, phảo gieo cấy lại. Ảnh: Minh Phúc.

Rét đậm, rét hại kéo dài đầu vụ đông xuân năm nay đã khiến nhiều diện tích lúa gieo sạ bị thiệt hại, phảo gieo cấy lại. Ảnh: Minh Phúc.

Nếu tính tổng số ngày rét đậm (43 ngày), vụ đông xuân 2022 phá kỷ lục 38 ngày liên tục của năm 2008, song nó không liên tục thành chuỗi. Vụ xuân 2008, sau rét thời tiết ấm dần và thuận lợi cho lúa xuân sinh trưởng. Còn vụ xuân 2022 khi hết rét, trời ấm lên vài ngày, không khí lạnh lại được bổ sung, hiếm có những năm mà nền nhiệt tháng 4 lại phổ biến thấp hơn từ 0,5 - 1 độ C, riêng khu vực Trung Trung bộ nhiệt độ phổ biến thấp hơn 1 - 1,5 độ C.

Năm 2022 cũng là năm ghi nhận không khí lạnh tác động tới các tỉnh phía Bắc muộn và lai rai, sang đến tháng 5, có tới 4 đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến các tỉnh ĐBSH và Bắc Trung bộ, điển hình là đợt giữa tháng 5 (từ 13 - 15/5) được xem là hiếm gặp trong 40 năm và ngoài 20/5 vẫn còn một đợt rét nhẹ nữa. 

Ghi nhận mốc kỷ lục về mưa         

Trong suốt cả vụ, tính đến hết tháng 4 đã có tới 17 đợt mưa rào và dông trên diện rộng. Rét và mưa với lượng mưa khá lớn vào cuối tuần 2 của tháng 2 khiến hàng ngàn ha lúa xuân gieo sạ bị ngập chìm trong nước nhiều ngày. Hàng chục ngàn ha lúa gieo sạ và cấy khi chưa kịp bén rễ, gặp rét đậm bị chết phải gieo cấy lại.

Mưa lũ bất thường trong vụ xuân đã khiến nhiều diện tích lúa tại các tỉnh phía nam của vùng Bắc Trung bộ bị thiệt hại đáng kể. Ảnh: Tâm Phùng.

Mưa lũ bất thường trong vụ xuân đã khiến nhiều diện tích lúa tại các tỉnh phía nam của vùng Bắc Trung bộ bị thiệt hại đáng kể. Ảnh: Tâm Phùng.

Cũng vụ lúa đông xuân 2022, một kiểu thời tiết dị thường chưa bao giờ có trong suốt hơn 70 năm theo dõi số liệu khí tượng là mưa lớn ở Bắc Trung bộ và Miền Trung (từ 31/3 đến 3/4), mưa lớn đã đổ xuống khu vực này với lượng mưa kỷ lục, vượt trị số lịch sử. Điển hình như Thừa Thiên - Huế tới Quảng Ngãi mưa 350 - 450 mm, có nơi mưa trên 500 mm, gấp đôi trị số cao nhất trong lịch sử dãy số liệu; Thừa Thiên - Huế, Quảng trị… hàng chục ngàn ha lúa ôm đòng và sau trỗ đang phơi màu bị ngập chìm trong nước và mất trắng.

Đợt mưa từ đêm 30/4 đến ngày 1/5 cũng là đợt mưa vừa, mưa to do ảnh hưởng của rãnh thấp và không khí lạnh ở Bắc bộ và phía bắc của Bắc Trung bộ. Đặc biệt vùng Tam đảo (Vĩnh Phúc) tổng lượng mưa trong đợt này dồn đập lên tới hơn 800 mm, những vùng thấp trũng của Vĩnh Phúc chìm trong biển nước, hàng nghìn ha lúa, rau màu bị hư hỏng, mất trắng.

Tổng lượng mưa vụ đông xuân năm nay ở các tỉnh phía Bắc cao hơn cùng kỹ nhiều năm từ 30 - 70 % (tổng hợp của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia). 

Được mùa trong khó khăn và bão giá

Cho đến nay, các tỉnh phía Bắc phổ biến chủ lực là các giống lúa ngắn ngày (dưới 135 ngày) thuộc cơ cấu trà xuân muộn. Theo thống kê sơ bộ, tỷ lệ này trung bình toàn vùng đạt trên 96%, như vậy chỉ còn rất ít diện tích gieo cấy các giống nhóm dài ngày trà xuân sớm.

Dù nhiều bất lợi, tại Ninh Bình, lúa xuân vẫn rất được mùa. Ảnh: TXĐ.

Dù nhiều bất lợi, tại Ninh Bình, lúa xuân vẫn rất được mùa. Ảnh: TXĐ.

Thời vụ gieo cấy tập trung vào cuối tháng 1 và trong tháng 2 dương lịch, năm nay do rét đậm ở giai đoạn này khiến hàng ngàn ha lúa bị thiệt hại sau gieo cấy phải cấy lại. Tổng tích ôn hữu hiệu/ngày thấp do nền nhiệt trung bình thấp làm lúa xuân kéo dài thời gian sinh trưởng.

Thời điểm trỗ bông của khu vực Bắc Trung bộ bị lùi lại 7 - 8 ngày, có giống trên 10 ngày, thay vì nửa giữa và cuối tháng 4 thì năm nay khu vực này lúa trỗ bông, phơi màu phổ biến cuối tháng 4 và kéo sang đầu tháng 5. Khu vực ĐBSH trỗ bông, phơi màu tập trung vào nửa cuối tuần 2 và tuần 3 tháng 5, một số nơi sang tận đầu tháng 6, muộn hơn trung bình nhiều vụ xuân và thời gian trỗ chậm lại 10 - 15 ngày.

Chiều cao cây lúa bị ảnh hưởng do nền nhiệt, ánh sáng kém hơn vào giai đoạn cây vươn lóng (đầu đến giữa tháng 4). Theo quan sát của cán bộ kỹ thuật, cây lúa các trà, các giống đều thấp hơn so với các vụ thuận lợi từ 5 - 7 cm, cá biệt 10 cm. Số hạt cũng thấp hơn tiềm năng do giai đoạn phân hóa chịu tác động của không khí lạnh và nhiệt độ bình quân ngày xuống thấp dưới 20 độ C, dưới ngưỡng tối thích theo yêu cầu sinh lý.

Một số giống nhạy cảm bị thoái hóa đầu bông, đầu gié hoặc gốc bông, thậm chí làm chất lượng phấn không cao, dẫn đến tỷ lệ lép cao cũng khiến tổng hạt chắc giảm và ảnh hưởng đến năng suất.

Mặt khác, giá phân bón cao nên nhiều bà con nông dân cũng giảm đáng kể lượng phân bón, làm giảm yếu tố cấu thành năng suất. Tổng thể theo đánh giá chung của Sở NN-PTNT các tỉnh phía Bắc, trung bình năng suất lúa vụ xuân 2022 đạt ngưỡng khoảng trên 62 tạ/ha, giảm gần 2 tạ/ha so với vụ đông xuân trước; các tỉnh Bắc Trung bộ năng suất lúa đạt hơn 61 tạ/ha, giảm hơn 4 tạ/ha so với vụ trước.

Lúa tại các tỉnh ĐBSH nhìn chung vẫn rất tốt, sạch sâu bệnh. Ảnh: TXĐ.

Lúa tại các tỉnh ĐBSH nhìn chung vẫn rất tốt, sạch sâu bệnh. Ảnh: TXĐ.

Giữa tháng 6, ở vùng ĐBSH nhiều tỉnh mới bắt đầu thu hoạch và thu rộ từ khoảng 20 - 25/6. Vụ này, bộ lá công năng rất đẹp. Tỷ lệ sâu cuốn lá, đục thân và cả đạo ôn cổ bông đến thời điểm này gần như không đáng kể, có thể nói là một vụ rất “sạch sẽ” sâu bệnh, và cũng rất may do đó chi phí cho thuốc phòng trừ sâu bệnh không nhiều.

Các điểm được coi là "rốn" của bệnh bạc lá ở ĐBSH như Bình Lục (Hà Nam), tỷ lệ bị bệnh bạc lá cũng rất thấp. Lúa xuân quả là “vừa trỗ, vừa tốt” như kinh nghiệm các cụ đời xưa đã dạy, những trận mưa rào xen kẽ làm các ruộng lúa mỗi tuần mỗi khác, nhiều ruộng chuẩn bị thu hoạch trĩu bông, trĩu hạt và bộ lá vàng ươm, sáng bóng, nhìn bộ lá là thấy được mùa rồi.

Thực tế, một số giống và chân đất vẫn cho năng suất cao và vượt hơn so với vụ đông xuân 2020 - 2021. Thanh Hóa chẳng hạn, các huyện Nông Cống, Quảng Xương, Thọ Xuân... bà con nông dân khi thu hoạch nói rằng mỗi sào vụ này nhiều hơn 2 bao so với năm ngoái. Về Ninh Bình, chứng kiến nông dân ở xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh khi máy gặt đập liên hợp đang thu khu ruộng theo mô hình chuỗi liên kết, bà con nông dân nói rằng, vụ này giống Hương Bình mỗi sào nhiều hơn 2 bao so với vụ năm ngoái, tính ra đạt 330 - 350 kg lúa tươi/sào Bắc bộ (360 m2), tương ứng với khoảng 76 - 78 tạ/ha lúa khô.

Các tỉnh Thái Bình, Nam định, Hưng Yên, Hải Dương lúa cũng rất tốt, những trà đang thu hoạch bà con nông dân đều nhận xét không thua kém vụ xuân trước.

Cần quyết liệt hơn với bệnh đạo ôn

Tuy vậy, vùng Bắc Trung bộ, đặc biệt là Hà Tĩnh - cái nôi của bệnh đạo ôn cổ bông thì cũng không ít nhà chịu cảnh mất mùa do đạo ôn cổ bông tàn phá, song vụ này cũng chỉ số ít diện tích bị hại đến mức mất mùa (số liệu của Sở NN-PTNT Hà Tĩnh khoảng vài trăm ha). Với khu vực này, nếu tháng 5 có tần suất không khí lạnh, mưa nhiều, tất cả các giống, các trà nếu không quyết liệt phòng nấm đạo ôn cổ bông bằng các loại thuốc đặc hiệu thì sẽ khó tránh khỏi thiệt hại và "mất mùa riêng".

Ngoại trừ một số địa phương 'mất mùa riêng' do sâu bệnh, tổng thể lúa xuân phía Bắc vẫn đạt mục tiêu đề ra về năng suất, nhất là năm nay lúa rất sạch bệnh. Ảnh: TXĐ.

Ngoại trừ một số địa phương "mất mùa riêng" do sâu bệnh, tổng thể lúa xuân phía Bắc vẫn đạt mục tiêu đề ra về năng suất, nhất là năm nay lúa rất sạch bệnh. Ảnh: TXĐ.

Tôi muốn nhấn mạnh là với đạo ôn cổ bông phải phòng là chính, vì nếu khi đã thấy bông, gié bị khoang và bạc rồi thì vô phương cứu chữa. Và Hà Tĩnh đã có bài học của những năm trước, chỉ đạo sâu sát hơn, quyết liệt hơn, còn phun phòng hay không, đúng thời điểm, đúng kỹ thuật hay không lại là việc của người sản xuất.

Về giống, chúng ta chưa có nghiên cứu sâu nào về giống lúa kháng được đạo ôn cổ bông. Kháng đạo ôn với các chủng trên lá thì các nhà khoa học đã tìm ra các gen kháng như Pita, Pi2, Pi5… trên các giống địa phương, Tẻ tép của Việt Nam chúng ta được sử dụng như một chuẩn kháng của Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế. Các gen đã được chuyển nạp vào các giống cải tiến và có tính kháng khá tốt.

Nấm đạo ôn khá phức tạp về chủng, nòi và tính độc cũng khác nhau giữa các vùng, những kết quả nghiên cứu về loại nấm bệnh này cho thấy, thường nếu trên lá bị nhiễm thì cũng dễ bị tấn công lên cổ bông nhiều hơn nếu hội tụ đủ điều kiện (ẩm độ cao, nóng, lạnh xen kẽ). Và bài học cho Hà Tĩnh là chính quyền các cấp ở các địa phương cần tuyên truyền, khuyến cáo sâu hơn, mạnh hơn về phòng đạo ôn cổ bông với những vụ mà tháng 5 dương lịch điều kiện thời tiết vẫn còn các đợt không khí lạnh bổ sung và mưa ẩm.

Thành công của vụ xuân 2022 trong điều kiện dị thường của thời tiết, trước hết là sự chuyển dịch mạnh cơ cấu các giống lúa ngắn ngày, giống kháng sâu bệnh tốt hơn và có chất lượng cơm gạo cao, đáp ứng nhu cầu thị trường với các mô hình sản xuất an toàn thực phẩm, sản xuất hữu cơ, theo hướng hữu cơ trên đất thuần lúa hoặc đất luân canh lúa - rươi, lúa - cá… được khuyến cáo và mở rộng.

Vụ mùa, những khó khăn hiện hữu và một số giải pháp

Thời tiết tiếp tục với những bất thường, nền nhiệt được dự báo là mùa hè năm nay không nhiều đợt nắng nóng gay gắt, nhiệt độ bình quân tháng thấp hơn trung bình và thấp hơn vụ mùa 2021 từ 0,5 - 1 độ C, mưa nhiều hơn và lượng mưa vượt 15 - 30% ở các tháng 6, 7, là 2 tháng nông dân tập trung thu hoạch và gieo cấy. Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền tương đương hàng năm nhưng tập trung vào cuối mùa mưa bão và khu vực miền Trung. Giá vật tư phân bón vẫn “neo” ở mức cao và chưa có dấu hiệu đi xuống...

Vụ mùa và hè thu 2022 ở phía Bắc năm nay sẽ đối mặt với sức ép thời vụ rất căng thẳng, cần nhanh chóng triển khai sớm nhất thu hoạch lúa vụ xuân. Ảnh: TXĐ.

Vụ mùa và hè thu 2022 ở phía Bắc năm nay sẽ đối mặt với sức ép thời vụ rất căng thẳng, cần nhanh chóng triển khai sớm nhất thu hoạch lúa vụ xuân. Ảnh: TXĐ.

Do bị kéo dài thời gian sinh trưởng, lúa đông xuân thu hoạch muộn, khoảng thời gian từ thu hoạch vụ xuân đến gieo cấy vụ hè thu và vụ mùa rất ngắn, vì vậy vùng ĐBSH sẽ phải kết thúc việc thu hoạch vụ xuân sớm nhất có thể. Điều này sẽ khó khăn không chỉ thời gian mà cả nhân lực, vừa thu hoạch, vừa gieo mạ và làm đất.

Giai đoạn này theo dự báo sẽ mưa nhiều, do vậy các địa phương cần tuyên truyền nông dân chủ động mở rộng phương thức gieo mạ nền, hoặc mạ khay cấy bằng máy, hạn chế tối đa gieo sạ trực tiếp do nguy cơ ngập úng sau gieo nếu không thoát nước kịp sẽ chết hoặc tốn công tỉa dặm. Nếu gieo sạ, phải bố trí quy vùng, chân vàn, vàn cao dễ tưới, tiêu chủ động. Cố gắng tranh thủ dâng sớm thời vụ trong khoảng thời gian có thể để né ngập úng sau gieo cấy cũng như mưa bão cuối vụ làm tăng khả năng nhiễm bệnh bạc lá và lép do khó khăn giai đoạn thụ phấn thụ tinh.

Khuyến cáo sử dụng bộ giống ít mẫn cảm với bệnh bạc lá, giảm bón phân vô cơ (NPK, đạm urea, lân) ít nhất 10 - 15% so những vụ trước, thay thế, bổ sung bằng phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh. Sử dụng các chế phẩm vi sinh, Trichoderma… phun, bón nhằm đẩy mạnh quá trình phân giải rơm rạ sau thu hoạch, hạn chế ngộ độc hữu cơ cho lúa sau gieo cấy.

Củng cố hệ thống thủy lợi nội đồng, các cửa cống, đầu khâu, khai thông dòng chảy các sông trục nhằm ứng phó tốt nhất cho khả năng mưa lớn, úng ngập, đảm bảo tiêu nhanh, kịp thời. Giai đoạn sau gieo cấy, cần chủ động “rút cạn lòng sông, tưới nông mặt ruộng”. Hệ thống kỹ thuật cần theo dõi chặt diễn biến rầy lưng trắng và virus lùn sọc đen phương nam, có giải pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.

Tiếp tục có chính sách hỗ trợ, đổi mới phương thức sản xuất, dồn đổi đất đai nhằm hình thành các chủ trang trại với quy mô ruộng đất lớn, liên kết với doanh nghiệp để sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng quy trình đồng bộ, cơ giới hóa, bón phân tiết kiệm, đúng cách, cân đối để nâng cao hiệu quả và đảm bảo sản xuất an toàn thực phẩm.

Khó khăn, nhưng với kinh nghiệm và trình độ của nông dân Miền Bắc, hi vọng và chúc cho một vụ mùa lại tiếp tục được mùa, được giá.

Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm