Vụ đông xuân 2021 - 2022, HTX Dịch vụ tổng hợp Cát Tài (Phù Cát, Bình Định) phối hợp với Công ty TNHH Nông lâm nghiệp TBT Quảng Ngãi triển khai mô hình liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm 3 giống lúa TBT 132, Khang dâng 28, DV108 với quy mô 30ha (mỗi giống lúa 10ha) tại các thôn Cảnh An, Chánh Danh và Phú Hiệp với hơn 150 hộ dân tham gia.
Các hộ tham gia mô hình được Công ty TNHH Nông lâm nghiệp TBT Quảng Ngãi cung ứng lúa giống và thu hồi lại giống sau khi thu hoạch; được hướng kỹ thuật trong suốt quá trình sản xuất; lúa tươi sau khi thu hoạch được Công ty thu mua toàn bộ tại ruộng với giá cao hơn 10 - 15% so với giá thị trường cùng thời điểm.
Kết quả sản xuất cho thấy, đây là những giống lúa chịu thâm canh, cứng cây, đẻ nhánh khỏe, trỗ tập trung, ít nhiễm sâu bệnh, bông sáng, tiết kiệm được chi phí đầu tư, năng suất ước đạt khoảng 85 tạ/ha. Lúa sau khi thu hoạch được Công ty thu mua tươi ngay tại ruộng, qua đó tiết kiệm được chi phí bao bì, vận chuyển và công phơi… nên hiệu quả kinh tế cũng cao hơn.
Ông Nguyễn Văn Hổ, thôn Cảnh An, xã Cát Tài (huyện Phù Cát) trực tiếp tham gia mô hình cho biết: Gia đình ông tham gia làm 3 sào giống TBT 132. Trong suốt quá trình tham gia mô hình đều rất thuận lợi, không phải lo về giống. Lịch gieo sạ, bón phân cũng đều được hướng dẫn cụ thể nên cây lúa phát triển tốt, ít sau bệnh. Đến khi thu hoạch, lúa được Công ty thu mua lúa tươi tại ruộng nên đỡ rất nhiều công, lợi nhuận tăng hơn nhiều so với trước đây.
Không những nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất, mô hình còn mang lại sản phẩm lúa gạo có giá trị hàng hóa cao, bởi đây là những giống lúa dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, có chất lượng gạo ngon. Trong đó, giống lúa TBT 132 được người sản xuất bún bánh ưa chuộng, thu mua với giá cao vì lợi gạo và cho giá trị thương phẩm cao.
Theo tính toán, 1kg gạo giống TBT 132 sẽ làm ra được hơn 3kg bún tươi nên lợi nhuận tăng hơn so với các giống lúa khác. Do đó, người dân không phải lo lắng về đầu ra sản phẩm. Bên cạnh đó, thông qua ký kết với HTX, người dân cũng yên tâm hơn về chất lượng giống cũng như kỹ thuật chăm sóc trong suốt quá trình canh tác.
Ông Tôn Thất Khoa, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Cát Tài cho biết: “Qua tính toán, nông dân tham gia liên kết chuỗi sản xuất lúa giống thương phẩm sẽ có lợi nhuận cao hơn 5 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa thương phẩm trên cùng chân đất, nhưng lại giảm đáng kể công lao động trong quá trình thu hoạch. Do đó, người dân tham gia mô hình đều rất phấn khởi và đăng ký tiếp tục tham gia trong các vụ tới”.
Ông Phạm Văn Thi, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Nông lâm nghiệp TBT Quảng Ngãi cho biết: Để tạo thuận lợi và đảm bảo thu mua hết lượng lúa làm ra đối với các giống lúa liên kết, Công ty đã phối hợp với HTX Dịch vụ tổng hợp Cát Tài đầu tư xây dựng nhà kho, hệ thống thiết bị sấy khô – sơ chế ngay tại HTX. Từ đó, tạo ra sản phẩm giống lúa có chất lượng để cung ứng ra thị trường, đảm bảo hài hòa lợi ích cho người dân lẫn doanh nghiệp, tạo điều kiện để duy trì liên kết lâu dài. Bên cạnh đó, cũng giải quyết được việc làm cho nhiều lao động địa phương”.
Từ thành công này, xã Cát Tài nói riêng và huyện Phù Cát nói chung sẽ tiếp tục mở rộng mô hình liên kết ở những địa phương khác trong các vụ tiếp theo; đồng thời tăng cường hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa tại địa phương, tạo đầu ra ổn định cho nông sản với sản phẩm gạo sạch, có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.