| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng thương hiệu nông sản sạch có dễ?

Thứ Hai 15/10/2018 , 07:30 (GMT+7)

Xung quanh câu chuyện này, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia  phối hợp cùng Sở NN-PTNT vừa tổ chức hội nghị với sự tham dự của hàng trăm nông dân, doanh nghiệp. 

Câu chuyện được đưa ra “mổ xẻ” cùng nhiều bài học, kinh nghiệm trong việc xây dựng thương hiệu nông sản sạch thời 4.0.

1082725975
Tham quan, chia sẻ kinh nghiệm SX với người dân Vĩnh Phúc

Chia sẻ tại hội nghị, ông Lê Văn Dũng, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, nông nghiệp Vĩnh Phúc  thời gian qua có nhiều khởi sắc, vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế. Tuy nhiên, SXNN vẫn tồn tại một số hạn chế như quy mô sản xuất nhỏ, việc ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản và chế biến còn hạn chế, khả năng kết nối với thị trường khó khăn... Chính vì vậy, tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa ra các chiến lược về tổ chức sản xuất, đồng thời ban hành các chính sách ưu tiên cho sản xuất, phân phối, tiếp thị nông sản.

Tới nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn theo lợi thế của địa phương. Nhiều mô hình đã áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, đảm bảo VSATTP như vùng chăn nuôi lợn, thanh long ruột đỏ, rau an toàn hay lúa chất lượng.

Cũng theo ông Dũng, việc xây dựng và phát triển các thương hiệu nông sản sạch trên địa bàn Vĩnh Phúc trong những năm qua đã góp phần quan trọng trong việc cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Cung cấp khối lượng hàng hóa lớn cho các siêu thị, bếp ăn tập thể các tỉnh thành lân cận, đồng thời góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Từ đó, góp phần khuyến khích người dân yên tâm tham gia sản xuất, nâng cao năng lực tổ chức sản xuất cũng như tăng tính bền vững trong SXNN. Mục tiêu là tăng khả năng tiêu thụ và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường.

Tại hội nghị, đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, đến nay 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, kim ngạch còn thấp do giá xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác. Nhiều sản phẩm được biết đến rộng rãi ở thị trường trong và ngoài nước và đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý nhưng vẫn còn đến hơn 80% lượng nông sản chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác.

Các sản phẩm này được bán ra thị trường thế giới qua các thương hiệu nước ngoài. Do đó, người tiêu dùng nước ngoài vẫn còn chưa có khái niệm về hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam. Đây là một sự yếu kém, thua thiệt lớn của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên thị trường nước ngoài.

Gần đây, nhiều địa phương và doanh nghiệp đã xây dựng chỉ dẫn địa lý và có trang thông tin nông sản nhằm xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu nông sản. Đây là nơi để các DN, HTX sản xuất, nhà phân phối, người tiêu dùng tìm hiểu về nông sản sạch, an toàn. Nhà sản xuất có chỗ để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm bạn hàng, người tiêu dùng tìm và kiểm tra được nguồn gốc sản phẩm sạch với độ tin cậy được bảo đảm.

2082726103
Truy xuất nguồn gốc nông sản bằng điện thoại thông minh

Cũng theo đại diện Cục này, đến hết tháng 8/2018, cả nước có 1.028 chuỗi nông sản an toàn đã được công nhận. Đến hết tháng 4/2018, có 72,2% số xã có mô hình liên kết được cộng nhận. Về quy mô sản xuất cánh đồng lớn, tổng diện tích sản xuất của cánh đồng lớn đạt hơn 579 nghìn ha.

Bên cạnh các cơ quan quản lý Nhà nước, đại diện của nhiều đơn vị sản xuất cũng như cung cấp đã bày tỏ những băn khoăn về tình trạng bí đầu ra của nông sản sạch. Nhiều loại rau an toàn được đầu tư trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, nhưng vẫn phải bán ra chợ với giá cả thấp ngang rau thường. Rau an toàn khó vào các bếp ăn tại các khu công nghiệp vì giá thành còn cao. Người tiêu dùng hiện nay cũng vẫn còn chưa quan tâm đến chất lượng rau, tiện đâu mua đó. Nhà sản xuất, vốn là nông dân, còn chưa có nhiều kinh nghiệm trong khâu quảng bá, marketting, giới thiệu sản phẩm…

Chia sẻ tại hội nghị, ông Trần Văn Khởi, Q.GĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thừa nhận, thực trạng phát triển ngành nông nghiệp ở nước ta trong những năm qua cho thấy, sản xuất chủ yếu vẫn là nhỏ, lẻ. Phương thức sản xuất nông hộ, mạnh ai người nấy làm, sản phẩm dưới dạng sơ chế, không có nhãn hiệu. Đặc biệt ít có sự liên kết tổ chức sản xuất, chế biến theo chuỗi giá trị gắn với nhu cầu của thị trường tiêu thụ.

“Bản thân người nông dân không thể làm được mà cần nhất là vai trò chủ lực của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần bắt tay với nông dân xây dựng thương hiệu nông sản, liên kết thực hiện đồng bộ các khâu từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, nhất là kiểm soát chất lượng sản phẩm”, ông Khởi khẳng định.

 

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.