| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 27/07/2019 , 07:10 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 07:10 - 27/07/2019

Xe công vụ phơi bày điều gì riêng tư?

Đã đến lúc cộng đồng phải nghiêm túc trả lời câu hỏi: lạm dụng xe công vụ để phô diễn sự quyền uy hay phơi bày sự hèn mọn?

Câu chuyện làm dụng xe công vụ thêm một lần nữa nóng lên trên các diễn đàn vì hàng chục chiếc xe biển xanh lẫn biển đỏ nối đuôi nhau đến dự đám cưới con trai của bà Hồ Thị Cẩm Đào - Trưởng ban Dân vận tỉnh Sóc Trăng kiêm Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng.

Có tất cả 4 tiệc rượu diễn ra trong 3 ngày 19, 20 và 21/7 để mừng đám cưới, gây xôn xao khắp tỉnh Sóc Trăng và đồng bằng sông Cửu Long? Đám cưới của ai mà tưng bừng vậy? Tất nhiên, không phải đám cưới của những gia đình nông dân chân lấm tay bùn ở huyện Kế Sách hay huyện Trần Đề. Đó là đám cưới con trai của bà Hồ Thị Cẩm Đào - Trưởng ban Dân vận tỉnh Sóc Trăng kiêm Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng.

Đi lên từ cán bộ Đoàn, bà Hồ Thị Cẩm Đào năm nay 47 tuổi, được xem như một người phụ nữ thành đạt của tỉnh Sóc Trăng. Dẫu không nói ra thì mọi người đều thừa nhận, bà Hồ Thị Cẩm Đào là một tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo. Vậy mà, ở vùng đất còn không ít chật vật cơm áo, nơi người Kinh lẫn người Khơ Me đều dành dụm để đủ ăn đủ mặc bên những ngôi chùa thâm nghiêm, bà Hồ Thị Cẩm Đào lại tổ chức đám cưới rất rình rang cho con trai.

Đành rằng, đám cưới là một hỉ sự quan trọng của đời người. Thế nhưng, nhiều năm qua, cả nước đã chung tay xây dựng nếp sống văn minh trong tiệc cưới. Đã có không ít văn bản quy định chặt chẽ những giới hạn không thể vượt qua của cán bộ, công chức khi tổ chức tiệc cưới.

Ví dụ, Hà Nội là thủ đô mà cán bộ, công chức khi tổ chức tiệc cưới cho con cháu hoặc bản thân không mời quá 300 người tham dự (nếu nhà trai và nhà gái tổ chức chung, thì khách mời không quá 600 người). Đặc biệt còn lưu ý, cán bộ, công chức không tổ chức cưới ở những nơi chi phí quá tốn kém, không phù hợp với đời sống, thu nhập chung của cộng đồng dân cư.

Nếu so với Hà Nội, thì rõ ràng Sóc Trăng vẫn còn khó khăn lắm. Đáng tiếc thay, bà Hồ Thị Cẩm Đào không nhận ra điều ấy. Khi bị dư luận phê phán, bà Hồ Thị Cẩm Đào phân bua khá hồn nhiên: “Do lần đầu tổ chức đám cưới cho trai nên khi xảy ra sự việc, tôi cảm thấy ái náy vì chủ quan, không lường được cơ sự và sẽ rút kinh nghiệm!". Thử hỏi, nếu bà Hồ Thị Cẩm Đào không có chức vụ như hiện tại, thì liệu con trai của bà có tổ chức đám cưới xa hoa như vậy không, khách mời có đến đông đúc như vậy không?

Đám cưới con trai của bà Trưởng ban Dân vận tỉnh Sóc Trăng kiêm Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, không thua kém gì đám cưới của đại gia. Tuy nhiên, điều mà đám cưới của đại gia không thể nào có được như đám cưới con trai của bà Hồ Thị Cẩm Đào, đó là dòng xe công vụ đưa khách đến tham dự.

xem-cong-di-dm-cuoi-con-b-do094237854
Xe công đi dự đám cưới con trai bà Đào.

Hàng vạn khách mời, hàng trăm bàn tiệc cũng chưa đáng trách bằng hàng chục xe công vụ xuất hiện ở đám cưới. Xe công vụ biển xanh có xe thuộc tỉnh Sóc Trăng, có xe thuộc tỉnh Bến Tre, có xe thuộc tỉnh Đồng Tháp, có xe thuộc thành phố Cần Thơ. Còn xe biển đỏ được ghi nhận tại đám cưới con trai của bà Hồ Thị Cẩm Đào là những chiếc xe mang biển kiểm soát quân sự QB-2787, KK-1164, KK-4979.

Chủ nhân tiệc cưới không thể khống chế xe công vụ có mặt, nhưng những cơ quan chủ quản không lẽ cũng không biết gì? Ông Huỳnh Văn Sum - Phó Bí thư thường trực tỉnh Sóc Trăng xác nhận những chiếc xe biển xanh của tỉnh Sóc Trăng có 2 xe của Huyện ủy Châu Thành, 1 xe của Văn phòng UBND huyện Kế Sách, 1 xe của Công an thị xã Ngã Năm và chia sẻ: “Việc đi xe công là sai quy định của Chính phủ rồi. Tỉnh ủy đã giao Ủy ban Kiểm tra mời và xem xét kiểm điểm thủ trưởng các cơ quan có xe công chở người đi đám cưới. Trường hợp cán bộ hưu trí mượn xe đi thì có thể thông cảm nhưng vẫn kiểm điểm trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị về quản lý tài sản”.

Làm sao xác định người ngồi trên xe biển xanh là cán bộ hưu trí? Câu hỏi này không thể rành mạch. Một cán bộ hưu trí được quyền chễm chệ trên một xe công vụ ư? Rất khó tin.

Lâu nay, cán bộ hưu trí thỉnh thoảng mượn xe cơ quan cũ để đi đó đi đây là có thật, nhưng không phải trường hợp nào cũng được giải quyết dễ dàng. Đừng đem cán bộ hưu trí ra làm bình phong mà tội nghiệp và oan uổng chọ họ.

Tình trạng lạm dụng xe công vụ đã được báo động nhiều năm nay. Dùng xe công vụ để đi lễ chùa, đi dự tiệc khá phổ biến làm nhức nhối lương tri quần chúng. Tình trạng xe công vụ xuất hiện tại đám cưới diễn ra ở không ít địa phương.

Thậm chí, những người dân ở Tây Nguyên còn kể cho nhau nghe một sự kiện khá buồn cười: dùng cả xe cấp cứu để đi đám cưới. Ban đầu người ta tưởng có ai bị đột quỵ trong lễ cưới nên gọi xe cấp cứu tới. Nào ngờ, từ xe cấp cứu bước xuống một dàn tranh thanh gái lịch, áo dài váy ngắn, mặt hoa da phân… nói cười rổn rảng vào… ăn tiệc!

Để tránh lãng phí, tháng 1/2019, Chính phủ đã ban hành nghị định 04/2019 về tiêu chuẩn, định mức sử dụng ôtô phục vụ công tác. Số liệu của Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính ghi nhận cả nước có khoảng 39.000 xe công với tổng giá trị hiện tại trên 25.500 tỉ đồng. Trung bình một xe công sử dụng theo chế độ phục vụ riêng tốn chi phí xăng xe, bảo dưỡng, lương cho lái xe lên tới khoảng 300 triệu đồng/xe/năm. Khi xe công bị lạm dụng vào việc riêng thì sự tiêu tốn tài sản Nhà nước không thể nào kể xiết.

Bây giờ, xe hơi đã phổ biến, và các loại xe dịch vụ cũng rất nhiều. Không có xã nào hoặc phường nào không có xe dịch vụ để đi đám cưới. Ngược ngạo thay, xe công vẫn bị lạm dụng. Vì sao như vậy? Vì cái tâm lý muốn ra oai. Đi xe biển xanh có vẻ long trọng hơn, phô diễn được uy quyền của người sử dụng. Chính cái tâm lý đáng sợ ấy đã bày ra những cảnh dở khóc dở cười, xe công vụ không phục vụ công việc chung của xã hội mà lại sử dụng cho nhu cầu riêng tư của cá nhân.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội thuộc Viện Xã hội học, cho rằng: “Bản thân việc sử dụng sai mục đích là lạm dụng quyền lực. Những xử sự kiểu đó cộng dồn lại, xét đến cùng là tiêu tốn, lãng phí rất nhiều, và đặc biệt là cái nguy hại hơn là gây mất lòng tin của nhân dân đối với các nhà lãnh đạo, với các giới chức và các nhà quản lý.

Ở các nước, màu sắc biển số xe chỉ dùng để phân loại tải trọng, hoặc tính chất sự vụ đặc biệt. Ở Việt Nam, màu sắc biển số xe cũng không nhằm phân biệt đối xử với các loại phương tiện khác nhau, nhưng có một bộ phận lực lượng thực thi công vụ có sự phân biệt đối xử, có phần kiêng nể, dè dữ, tránh việc đụng chạm đến nhân vật này, nhân vật kia. Các cơ quan hữu trách nên cân nhắc đến đề xuất chỉ cấp biển số đặc biệt cho những trường hợp thực thi công vụ đặc biệt!”.

Còn nhìn ở góc độ pháp lý, Luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc văn phòng luật Minh Bạch - Hà Nội, phân tích: “Theo Nghị định 192 năm 2013 liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, mức phạt với hành vi lãng phí trong sử dụng xe công rất nhẹ, chỉ từ 300.000 đến 500.000 đồng. Những người lạm dụng xe công không chỉ xem thường kỷ cương mà còn đang bị một căn bệnh là bệnh tham nhũng quyền lực.

Tôi đánh giá, một số lãnh đạo các đơn vị đang xem xe công là đặc quyền dành riêng cho bản thân, chứ không xe đó là công cụ, phương tiện mà nhà nước, nhân dân trang bị cho họ để họ làm công vụ, phục vụ người dân. Rõ ràng, đây là sai lầm từ trong tư duy các lãnh đạo. Thực ra, đi xe công không phải là để oai, để được miễn giảm thu phí, được đi nhanh hơn các phương tiện khác. Màu biển số không tạo ra bất công bằng, mà sự bất bình đẳng xuất phát từ chính những người thực thi công vụ và người sử dụng xe công!”.

Bình luận mới nhất