| Hotline: 0983.970.780

Xẻ đất rừng, dựng nghĩa trang

Thứ Sáu 27/08/2021 , 12:45 (GMT+7)

Thực tế trên đã xảy ra tại xóm Tam Thái (Xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, lãnh đạo xã biết nhưng buông lỏng không có giải pháp ngăn chặn.

Không cần quy hoạch

Lợi dụng khu vực chôn cất của xóm đã tồn tại từ trước, những hộ dân có diện tích đất rừng liền kề nghĩa trang xóm Tam Thái đã xẻ thịt đất rừng, phân lô, bán nền cho người có nhu cầu để xây dựng thành nhiều khu nghĩa trang gia đình.

Trong vai của những người có nhu cầu mua đất, chúng tôi tiếp cận khu vực nghĩa trang xóm Tam Thái, xã Hóa Thượng. Những khu mồ mả đã được chôn cất từ trước đây chủ yếu nằm ở nền thấp, phía dưới chân đồi. Trên cao, tiếp giáp với khu vực mồ mả nói trên là những phân khu nhỏ từ vài chục mét vuông đến vài trăm mét vuông. Một vài nhóm công nhân làm thuê đang xây san nền, xây tường bao bảo vệ biên giới khu nghĩa trang của gia đình, dòng họ nào đó. Những công nhân cho biết, giá bán mỗi mét vuông từ khoảng 700.000 đồng - 2 triệu, tùy vào hạ tầng. Các anh muốn mua thì liên hệ với chủ của những đồi cây đang bị chặt kia là biết ngay - một công nhân khoát tay nói. Theo chiều chỉ tay của anh công nhân, trên triền đồi cao hơn nữa là những vạt rừng cây keo đang được chủ rừng cho khai thác mà mục đích là để bán đất cho người có nhu cầu mua làm nơi chôn cất người quá cố. Điều đáng nói là do những khu vực xây dựng nhỏ, tự quy hoạch trên nền đất mới và dốc nên có những thửa đất đã bị sạt lở, trôi xuống, nhiều bức tường mới xây đổ rạp, vặn mình trên sườn đồi. Nhiều khu vực đất thải trong quá trình san ủi làm mặt bằng đã xuất hiện các vết nứt kéo dài, có nguy cơ sạt trượt xuống phía chân đồi.

Rừng sản xuất bị xẻ để bán đất dựng nghĩa trang. Ảnh: Đồng Văn Thưởng

Rừng sản xuất bị xẻ để bán đất dựng nghĩa trang. Ảnh: Đồng Văn Thưởng

Tiếp cận với một chủ đất, chúng tôi được giới thiệu, diện tích đất đã bán là đất rừng sản xuất, chưa chuyển đổi. Khi mua bán cũng chỉ là thỏa thuận bằng miệng hoặc giấy tờ viết tay, do đất của người mua cũng không đủ diện tích để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện khu đất này đã bán được khoảng 1.000m2 cho nhiều người và đã hết đất để bán, với giá bán khoảng 700 nghìn đồng/m2.

Buông lỏng quản lý

Ông Nguyễn Anh Tuấn (Trưởng xóm Tam Thái, xã Hóa Thượng) cho biết, khu đất mà chúng tôi tiếp cận nằm trên phần đất của xóm Tam Thái thuộc sở hữu của gia đình ông Thẩm Dịch Thọ (Phó trưởng xóm Tam Thái). Được biết, diện tích đất của ông Thọ đã bán hết cho người dân xây nghĩa trang là đất rừng sản xuất đã được chính quyền địa phương cho gia đình quản lý từ khi thực hiện Dự án trồng PAM. Diện tích này nằm gần với nghĩa trang nhân dân của xóm Tam Thái. Hiện nay, khu đất này vẫn chưa được chuyển đổi từ đất rừng sản xuất sang loại đất khác.

Trên nền đất dốc, các khu yên nghỉ nhưng đã bị sạt trượt. Ảnh: Đồng Văn Thưởng

Trên nền đất dốc, các khu yên nghỉ nhưng đã bị sạt trượt. Ảnh: Đồng Văn Thưởng

Sau khi tiếp nhận thông tin, ghi chép nội dung trao đổi, ông Nguyễn Minh Huy (Chủ tịch UBND xã Hóa Thượng) khẳng định, chính quyền địa phương sẽ cho cán bộ địa chính xuống kiểm tra và sẽ thông tin lại sớm nhất. Nếu phát hiện sai phạm sẽ cho dừng toàn bộ hoạt động san, gạt, xây dựng và sẽ sử lý nghiêm. Ông Huy cũng cho biết, vì liên quan đến đất nghĩa trang mà năm 2016, trưởng xóm cũ cũng đã bị xử lý.

Trải qua nửa tháng, sau nhiều lần liên hệ không được, cuối cùng chúng tôi được ông Huy cho gặp ông Nguyễn Xuân Lộc (là Phó chủ tịch UBND xã Hóa Thượng) trao đổi, làm việc. Ông Lộc cho biết, ông Huy bận họp nên bàn giao lại công việc. Bất ngờ là trong buổi làm việc, ông Lộc lại mong muốn ghi nhận những thông tin mà chúng tôi có được để tiếp tục vào cuộc kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Sự việc chỉ cần bằng cảm quan cũng có thể đánh giá nhưng trải qua một thời gian dài, cấp chính quyền cơ sở xã Hóa Thượng vẫn chưa có kết quả xác minh. Theo lộ trình, sắp tới, Hóa Thượng sẽ trở thành thị trấn, là trung tâm huyện lỵ của huyện Đồng Hỷ.

Công nhân vẫn đang thi công xây dựng  nghĩa trang gia đình. Ảnh: Đồng Văn Thưởng

Công nhân vẫn đang thi công xây dựng  nghĩa trang gia đình. Ảnh: Đồng Văn Thưởng

Còn nhớ 8 năm trước, PV NNVN cũng đã có bài viết “Tuyệt chiêu “Cò” đất" tại chính tại địa bàn xã Hóa Thượng. Lợi dụng chế độ miễn giảm tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đối với gia đình chính sách, những “cò” đất đã phối hợp với người được hưởng tiêu chuẩn trên để làm các thủ tục mua bán, tặng, cho quyền sử dụng đất nông nghiệp. Môt số cán bộ của địa phương xã này đã phải chịu những hình thức kỷ luật do sai phạm nói trên.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.