| Hotline: 0983.970.780

Xen canh cà phê - sầu riêng, mô hình thu tiền tỷ

Thứ Tư 03/05/2017 , 09:50 (GMT+7)

Với giá bán như hiện nay, 1ha cà phê xen canh sầu riêng này sẽ cho doanh thu gần 800 triệu đồng, cá biệt năm 2016 có hộ thu về 1,2 tỷ/ha đồng từ bán sầu riêng...

Những ngày cuối tháng 4 đang trong cao điểm mùa khô thế nhưng vườn cà phê xanh mướt, trĩu trịt quả con, bên những luống cà phê là những hàng sầu riêng đã hơn mười năm tuổi được trồng để che nắng, che gió cho cà phê lúc lỉu quả báo hiệu một mùa bội thu nữa của Cty TNHH MTV Cà phê Phước An.
 

Tiên phong xen canh

Dẫn chúng tôi đi thăm những lô cà phê được trồng xen với sầu riêng làm cây che bóng, che gió cho cây cà phê, ông Hồ Sỹ Trung, Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Cà phê Phước An (huyện Krông Păk, tỉnh Đăk Lăk) kể: Cà phê là cây ưa bóng và cần chắn gió thì mới phát triển bền vững được, chính vì vậy khi người Pháp thành lập các đồn điền cà phê tại Tây Nguyên họ bao giờ cũng trồng cây che gió, che bóng.

Còn bây giờ trên Tây Nguyên bạt ngàn những rẫy cà phê thế nhưng việc trồng cây che bóng, che gió cho cà phê thì chưa được người dân quan tâm đã đẩy những rẫy cà phê nhanh chóng bị suy kiệt, tốn nước tưới trong mùa khô. Với Cty Cà phê Phước An chúng tôi đã có cách làm khác mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.

15-09-50_1
Mô hình xen canh cà phê - sầu riêng thu tiền tỷ

Theo ông Trung, toàn bộ diện tích cà phê của Cty được sản xuất theo tiêu chuẩn UTZ Certified. Sản phẩm của Cty đã chinh phục được các thị trường khó tính như Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Thụy Sỹ, Tây Ban Nha, Phần Lan, Hà Lan, Bỉ, Singapore, Nhật Bản... luôn mang đến cho đối tác, bạn hàng sự tin cậy và hài lòng, xứng tầm thương hiệu cà phê nhân chất lượng cao.

Mặc dù đạt được nhiều thành quả nhưng trong hơn 40 năm hình thành và phát triển Cty gặp không ít khó khăn thử thách. Vào những năm 2002, 2003 khi giá cà phê xuống thấp tình hình sản xuất và đời sống của công nhân lao động gặp rất nhiều khó khăn, sản phẩm cà phê thu được không đủ bù cho chi phí ngày công lao động, lúc này vườn cây bắt đầu già cỗi khiến cho năng suất giảm sút nghiêm trọng.

Trước những khó khăn đó, cuối năm 2004, ban lãnh đạo Cty đứng đầu là ông Trần Minh Thụy, Chủ tịch HĐTV Cty đã khởi xướng mô hình xen canh thí điểm cây sầu riêng tại đồn điền cà phê rộng hơn 1.000ha của Cty. Mặc dù khi thực hiện có rất nhiều người phản đối và kiên quyết không làm theo vì theo họ cà phê là cây cho thu nhập chủ lực, nhưng với bản lĩnh của một người đứng đầu doanh nghiệp, ông Thụy vẫn kiên trì triển khai mô hình.

Ông Trương Quang Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Cty Cà phê Phước An chia sẻ, năm 2004 khi đưa ra mô hình trồng xen do chưa có kết quả khảo sát đánh giá nên các hộ dân nhận khoán tỏ ra không tin tưởng và nhiều người sau khi nhận lô đã phá bỏ cây sầu riêng. Còn đối với các hộ không phá thì mấy năm qua đã vươn lên trở thành tỷ phú.

Theo ông Tuấn, để vườn cà phê không ảnh hưởng nhiều Cty đã trồng mật độ rất thưa, mỗi hecta chỉ trồng 121 cây sầu riêng giống cơm vàng hạt lép. Hiện toàn bộ công ty có hơn 419ha cà phê trồng xen sầu riêng do 517 hộ tham gia nhận khoán chăm sóc và hưởng lợi. Trung bình mỗi cây sầu riêng 10 năm tuổi cho thu hoạch khoảng 2 tạ quả.

Với giá bán như hiện nay, 1ha cà phê xen canh sầu riêng này sẽ cho doanh thu gần 800 triệu đồng, cá biệt năm 2016 có hộ thu về 1,2 tỷ/ha đồng từ bán sầu riêng. Không những vậy cà phê là cây ưa bóng, sầu riêng lại là cây có tán rộng, khi trồng xen canh sẽ có tác dụng hỗ trợ cho nhau. Sầu riêng không chỉ giúp che nắng mà còn tận dụng được lượng nước và phân dư thừa bón cho cây cà phê. Còn đối với những vườn cà phê trồng dưới tán sầu riêng mặc dù đã bị lão hóa nhưng năng suất vẫn ổn định từ 2 - 2,5 tấn/ha.
 

Giúp bà con no ấm

Ông Y Blet Niê, ở buôn Yung, xã Ea Yông, huyện Krông Păk, hợp đồng nhận khoán với Cty 1,35ha cà phê trong đó có 120 cây sầu riêng trồng xen cà phê nhiều năm nay vẫn nghĩ mình đang mơ khi có trong tay cả mấy tỷ đồng thu được từ vườn sầu riêng trồng xen được Cty bàn giao. Ông Y Blet Niê kể: “Sau khi nhận khoán vườn cà phê xen sầu riêng do Cty trồng, tôi cũng không tin loại cây này sẽ cho thu nhập cao như vậy. Được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, gia đình tôi làm theo, mùa đầu cây cho quả bán được giá gia đình thu về hơn 500 triệu đồng chưa kể sản lượng cà phê nhận khoán”.

15-09-50_vuon-c-phe-xen-cnh-su-rieng-thu-tien-ty
Vườn sầu riêng xen canh cà phê cho thu nhập tiền tỷ của gia đình ông Y Blet Niê

Sầu riêng mặc dù là cây che bóng nhưng lại là thu nhập chính nên các hộ nhận khoán quyết tâm chăm sóc, học hỏi kỹ thuật chăm bón cho sầu riêng. Riêng năm 2016, nhờ sầu riêng gia đình ông Y Blet Niê thu về trên 1 tỷ đồng. Có vốn ông tiếp tục đầu tư chăm bón và tiến hành tái canh lại diện tích cà phê già cỗi. Cũng nhờ sầu riêng gia đình ông đã xây dựng lại nhà cửa khang trang, mua sắm thêm máy móc phục vụ sản xuất và còn mua chiếc ô tô con gần 1 tỷ đồng.

Còn đối với gia đình bà H’Vin Niê, buôn Yung 2, xã Ea Yông, trước đây có hoàn cảnh khó khăn, đất đai ít, con cái đông nên dù chăm chỉ làm lụng suốt ngày trên rẫy thì cái đói cái nghèo luôn đeo bám. Từ khi nhận khoán 5 sào cà phê xen canh sầu riêng của Cty gia đình đã có cuộc sống sung túc.

Bà H'vin cho biết: “Sau khi nhận hợp đồng chăm sóc vườn cây hàng năm nộp sản lượng cà phê nhận khoán, gia đình tôi còn được bàn giao thêm 60 cây sầu riêng trong vườn cà phê. Mấy năm qua khi sầu riêng cho thu hoạch mỗi năm gia đình tôi thu nhập trên 300 triệu đồng. Vừa được thu cà phê, vừa có thêm thu nhập nhiều từ cây sầu riêng gia đình mua thêm mấy sào đất để canh tác lúa nước".

Hiện toàn Buôn Jung có 112 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ nhận khoán vườn cây cà phê của Cty với trên 100ha. Buôn không còn hộ nghèo đói, tỷ lệ hộ khá, giàu ngày càng nhiều, trong các hộ hiện có 5 hộ đã mua được xe ô tô con tiền tỷ. Cùng với bà con tại chỗ nhiều hộ người Kinh cũng trở thành tỷ phú nhờ mô hình xen canh cà phê - sầu riêng và đã có 7 gia đình trong Buôn Jung mua ô tô con, xây dựng nhà cửa trị giá từ 500 triệu đồng đến gần 2 tỷ đồng.

15-09-50_2
Sức sống mới của bà con buôn Yung

Ông Nguyễn Văn Hải nhận khoán 9,4ha cà phê xen sầu riêng mỗi năm thu hàng chục tỷ đồng chia sẻ: “Mặc dù cà phê đã già cỗi nhưng với sự ham học hỏi và tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc nên năng suất vườn cà phê của tôi vẫn đạt trên 3 tấn nhân/ha, còn sầu riêng mỗi năm 1ha thu nhập trên 800 triệu đồng".

Những năm qua nhờ giá cả sầu riêng và cà phê ổn định nhiều hộ dân nhận khoán vườn cây của Cty Cà phê Phước An đã vươn lên trở thành tỷ phú nhờ mô hình xen canh sầu riêng trong vườn cà phê. Thấy mô hình xen canh mang lại hiệu quả, nhiều hộ trong vùng cũng chuyển đổi trồng xen cây sầu riêng trong vườn cà phê để tăng thêm thu nhập.

Ông Hồ Sỹ Trung: "Bên cạnh mô hình trồng xen sầu riêng cho thu nhập cao, năm 2014 Cty chúng tôi tiếp tục triển khai trồng xen canh cây bơ Booth trên hơn 400ha cà phê và đến nay đã trồng được trên 100ha. Việc trồng bơ vừa giúp tạo cây che bóng cho cây cà phê, vừa mang hiệu quả kinh tế. Nhằm nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm, chúng tôi đã thực hiện thí điểm thành công mô hình sản xuất sầu riêng, bơ theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời Cty đã đăng ký thương hiệu “Sầu riêng Phước An”, “Bơ Phước An” và đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp quyền sở hữu".

 

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm