| Hotline: 0983.970.780

Xét xử vụ án đầu tiên về chống khai thác IUU

Thứ Ba 30/01/2024 , 09:25 (GMT+7)

4 bị cáo lĩnh án tù về tội ‘Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép’. Đây là vụ án đầu tiên được đưa ra xét xử về chống khai thác IUU.

Ngày 29/1, TAND tỉnh Kiên Giang đã đưa ra xét xử sơ thẩm tuyên phạt tổng cộng 24 năm tù đối với 4 bị cáo về tội ‘Tổ chức, cho người khác xuất cảnh trái phép’.

Đây là vụ án đầu tiên ở nước ta được đưa ra xét xử liên quan đến chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (chống khai thác IUU).

Các bị cáo tại phiên tòa với các cáo buộc liên quan đến chống khai thác IUU. Ảnh: Bộ Công an.

Các bị cáo tại phiên tòa với các cáo buộc liên quan đến chống khai thác IUU. Ảnh: Bộ Công an.

Các bị cáo gồm: Trần Văn Luyến (43 tuổi), Phạm Chí Dũng (59 tuổi), Trần Minh Tâm (40 tuổi) và Trần Văn Nhựt (37 tuổi), cùng ở tỉnh Kiên Giang.

Cáo trạng thể hiện, cuối tháng 8/2022, sau khi chuộc hai chiếc tàu bị cơ quan chức năng Malaysia bắt giữ về hành vi khai thác hải sản trái phép. Luyến (chủ tàu) đã bàn bạc với Tâm liên hệ với một cán bộ đăng kiểm thay đổi số hiệu mới cho cặp tàu nói trên nhằm tránh bị phát hiện khi đưa về Việt Nam.

Sau đó, Tâm giới thiệu Dũng làm thuyền trưởng tàu cho Luyến. Luyến phân công Dũng tìm ngư phủ. Tháng 9/2022, Nhựt cùng Dũng và một số đối tượng khác rủ hơn 20 người là ngư phủ sử dụng cặp tàu đã thay đổi số hiệu của Luyến tiếp tục sang vùng biển của Malaysia để khai thác hải sản trái phép. Quá trình di chuyển sang vùng biển nước ngoài, các đối tượng đã tắt thiết bị hành trình, xóa số cuối của hai tàu trên để tránh cơ quan chức năng phát hiện.

Sau khi khai thác trái phép, tháng 10/2022, Dũng đã điều khiển cặp tàu di chuyển về tỉnh Cà Mau để bán cá thì bị lực lượng Vùng Cảnh sát biển vùng 4 kiểm tra xử phạt hành chính số tiền 27,9 triệu đồng do thiếu giấy khai thác hải sản, thiếu phao cứu hộ, thiếu thuyền trưởng.

Sau khi nộp phạt, Dũng tiếp tục điều khiển phương tiện về cảng Sông Đốc, Cà Mau bán hải sản được khoảng 1,7 tỷ đồng. Sau đó, Dũng tiếp tục đưa hai tàu nói trên chạy qua vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép thì bị lực lượng Hải quân Indonesia phát hiện bắt giữ. Đến tháng 4/2023, Dũng được thả về Việt Nam.

Bị cáo Luyến tại phiên tòa. Ảnh: Bộ Công an.

Bị cáo Luyến tại phiên tòa. Ảnh: Bộ Công an.

Đến tháng 10 và 12/2023, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Kiên Giang đã khởi tố, bắt tạm giam Luyến, Dũng, Tâm về hành vi “Tổ chức, cho người khác xuất cảnh trái phép”. Đến tháng 1/2024, Nhựt bị khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú về hành vi trên.

Sau khi đánh giá toàn bộ hồ sơ vụ án, xem xét các tình tiết giảm nhẹ khi lượng hình, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Kiên Giang đã tuyên phạt bị cáo Luyến 8 năm tù, các bị cáo Tâm, Dũng mỗi người 7 năm tù, bị cáo Nhựt 1 năm tù cùng về tội “Tổ chức, cho người khác xuất cảnh trái phép”.

Đây là vụ án đầu tiên tại Việt Nam liên quan đến chống khai thác hải sản trái phép (chống khai thác IUU), bản án không những giáo dục đối với các bị cáo mà còn mang tính răn đe và phòng ngừa chung. Qua đó, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc chống khai thác hải sản trái phép IUU.

Xem thêm
Quy Nhơn: Điều tra vụ học sinh lớp 7 bị đánh dã man giữa đường

Tỉnh Bình Định xác nhận Công an xã Nhơn Hội đã chuyển hồ sơ vụ cháu Đ.N.A.K (học sinh lớp 7) bị đánh dã man giữa đường cho Công an TP Quy Nhơn điều tra.

Dự án Đại Ninh: Quyền lực, hối lộ và sai phạm trong quản lý đất đai

Phiên tòa vụ án Đại Ninh tập trung làm rõ trách nhiệm 10 bị cáo, từ những sai phạm trong xử lý dự án đến lời thú nhận đau đớn của các cựu quan chức.

Bình luận mới nhất