Không chỉ thơm ngon nổi tiếng, mấy năm qua, nhờ áp dụng tiêu chuẩn GlobalGap, VietGap mà thương hiệu xoài cát Hòa Lộc của Cao Lãnh (Đồng Tháp) đã vươn ra thị trường thế giới. Mỗi năm xuất sang thị trường Nhật, Hàn Quốc, New Zealand hàng trăm tấn xoài.
NÔNG DÂN VUI
Huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về diện tích trồng xoài với hơn 3.500 ha. Dẫn tôi đi qua khu vườn với hàng trăm gốc xoài cát Hoà Lộc đang trĩu quả, ông Huỳnh Thanh Bá, Phó chủ nhiệm HTX Xoài cát Hoà Lộc Mỹ Xương, khoe: “Mấy tháng nay xoài đang hút hàng, bên phía đối tác cứ hối thúc, mặc dù rất cố gắng thu mua nhưng vẫn không đủ hàng để xuất đi”.
Hình ảnh ông Chủ nhiệm HTX chạy đôn chạy đáo lo việc buôn bán khiến bà con nông dân rất yên tâm và càng cố gắng hơn nữa. Cách đây không lâu, khi HTX này chưa hình thành, người nông dân vẫn phải “tự bơi” với sản phẩm xoài mình làm ra. Còn bây giờ, toàn bộ số xoài đã được bao tiêu chỉ chờ ngày hái xuống là xuất ngoại.
Lựa chọn xoài xuất khẩu (ảnh chụp tại HTX Mỹ Xương, Cao Lãnh)
Ông Bá cho biết, trồng xoài cát Hòa Lộc theo tiêu chuẩn GlobalGap, cho năng suất khoảng 10 tấn/ha, trong đó có từ 8 – 9 tấn đạt tiêu chuẩn XK. HTX Xoài Mỹ Xương vừa ký hợp đồng với Công ty Sanatra của Nhật để cung ứng đều đặn từ 5 đến 10 tấn xoài mỗi tuần, trong thời gian 5 đến 7 tháng/năm. Đây được xem là niềm vui của người trồng xoài Cao Lãnh, nơi bà con làm vườn đang tập trung chuyển hướng sản xuất theo hướng GlobalGap, VietGap để cung ứng cho những thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng sản phẩm cao.
Anh Võ Hữu Hiền, một nông dân ở xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh có 1,5 ha xoài (300 gốc), trong đó chỉ có 100 gốc xoài cát Hòa Lộc, còn lại là giống cát Chu, cho biết: “Trồng theo tiêu chuẩn GlobalGap, tôi có thể giảm 50% số lần phun xịt thuốc. Ngoài ra, do áp dụng kỹ thuật bao trái, không bị côn trùng gây hại, nên trái xoài rất đẹp, bán giá cao. Với người nông dân tụi tui, mừng nhất là sản phẩm có đầu ra ổn định”. Với giá 50.000/kg xoài cát Hoà Lộc, mỗi năm anh Hiền thu hàng trăm triệu đồng.
CHÍNH QUYỀN HỖ TRỢ
“Ngoài việc Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận cho thương hiệu xoài Cao Lãnh, mới đây nhất, xoài Cao Lãnh đang được xây dựng thương hiệu theo chủ trương của UBND tỉnh Đồng Tháp từ nhãn hiệu sản phẩm, bao bì, hộp giấy đóng gói đều có logo và mẫu mã nhất định, đây là hướng đi mới nhất nhằm đưa xoài Cao Lãnh vươn xa hơn nữa”, ông Huỳnh Thanh Bá cho biết như vậy. |
Để đảm bảo yêu cầu cho XK, tránh tình trạng cung ứng chập chờn do phụ thuộc vào mùa vụ xoài, HTX Mỹ Xương đang hướng đến mở rộng vùng nguyên liêu, đồng thời chủ động xây dựng lịch thời vụ hợp lý. Theo đó, diện tích xoài trồng theo tiêu chuẩn GlobalGap, VietGap của huyện Cao Lãnh sẽ tăng lên 120 ha vào năm 2013, tập trung tại các xã Mỹ Hội, Bình Hàng Tây, Bình Hàng Trung, Mỹ Long và thị trấn Mỹ Thọ. Đồng thời áp dụng rải vụ theo từng vùng để đảm bảo nguồn cung ổn định trong thời gian dài.
Khẳng định quyết tâm hỗ trợ nông dân làm giàu, xây dựng vững chắc thương hiệu xoài cát Hòa Lộc Cao Lãnh, UBND huyện Cao Lãnh đang có chủ trương hỗ trợ 100% số tiền bao trái cho toàn bộ diện tích xoài sản xuất theo hướng an toàn.
“Theo chỉ đạo, Trạm Khuyến nông sẽ tổ chức tập huấn chuyển giao quy trình sản xuất xoài an toàn rải vụ cũng như xây dựng kiểm tra chất lượng thuốc BVTV trên xoài, nhằm tăng chất lượng xoài Cao Lãnh trong thời gian tới”, ông Nguyễn Công Sơn, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Cao Lãnh cho biết.
Xoài được giá, làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy là mong ước bao đời của người làm vườn Cao Lãnh. Câu chuyện xoài Cao Lãnh là minh chứng điển hình cho kiểu làm ăn mới, chú trọng vào chất lượng và uy tín của sản phẩm đối với người tiêu dùng.