Ngày 22/12, thông tin của NNVN cho biết, ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND TP Hải Phòng vừa chỉ đạo, giao Vườn Quốc gia Cát Bà chủ trì phối hợp với Sở NN-PTNT, Sở TT-TT, UBND huyện Cát Hải và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã.
Theo đó, ông Tùng yêu cầu đơn vị liên quan tăng cường lực lượng, triển khai các biện pháp quản lý để ngăn chặn các hành vi săn bắt, giết hại, vận chuyển, buôn bán chim hoang dã di cư về Vườn Quốc gia Cát Bà, đồng thời xác định trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan.
Mặt khác, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về bảo vê động vật hoang dã, đa dạng sinh học, đồng thời khuyến khích người dân dân tham gia bảo vệ các loài chim hoang dã, đặc biệt là các loại nguy cấp, quý, hiếm.
Trước đó, dư luận có phản ánh về tình trạng bẫy bắt chim di cư có nguồn gốc từ tự nhiên tại khu vực đảo Cát Bà, khu vực Vườn Quốc gia và vùng đệm, sau đó chế biến thành đông lạnh rồi đi tiêu thụ trên địa bàn TP Hải Phòng và các tỉnh lân cận.
Tình trạng này diễn ra đã nhiều năm, nhất là trong mùa chim di cư từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm và có dấu hiệu ngày càng lan rộng nhưng cơ quan chức năng địa phương cũng lực lượng kiểm lâm chưa xử lý dứt điểm, khiến nhiều loài chim đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng.
Theo Chi cục Kiểm lâm TP Hải Phòng, việc bẫy, săn bắt chim trời có xảy ra tại Cát Bà, tuy nhiên, lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong xử lý do địa hình tại đảo hết sức phức tạp và người dân có đủ phương án đối phó, trong khi đó, lực lượng kiểm lâm tại Hạt Cát Hải rất mỏng, chỉ có 3 người. Mặt khác, UBND huyện Cát Hải dù đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND, nhưng chưa ra quân tích cực, từ đầu năm 2020 tới nay mới chỉ bắt được 13 cá thể chim dính lưới là không phản ánh được thực tế.
Khu Bảo tồn sinh quyển thế giới Cát Bà, huyện Cát Hải là nơi lưu giữ nhiều nguồn gel qúy hiếm, đồng thời là nơi hội tụ nhiều hệ sinh thái khác nhau với hệ động thực vật đa dạng với khoảng 2.320 loài động, thực vật. Ðặc biệt quần đảo Cát Bà có đến 60 loài đặc hữu quý hiếm được đưa vào Sách đỏ Việt Nam như: Voọc Cát Bà, quạ khoang, sóc đen… Việc đặt bẫy bắt các loài chim di cư sẽ ảnh hưởng đến đa dạng sinh học nói chung.
Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ NN-PTNT và UBND TP Hải Phòng kiểm tra, có các biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng săn bắt, vi phạm trong bảo vệ động vật hoang dã, nhất là ở Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà.