Rình rập
Có 1 thực tế rất nhức nhối là họat động “tín dụng đen” luôn rình rập những đối tượng buôn bán nhỏ, những người làm nghề lao động phổ thông, học sinh sinh viên, những thiếu niên chưa làm ra tiền nhưng “máu me” ăn chơi đua đòi, những người có sự cố gia đình đột xuất…, nhưng nhiều nhất là những đối tượng đã lâm vào “ma trận đỏ đen” với những trò cá độ bóng đá, đề đóm… Đó là những đối tượng chiếm tỷ lệ lớn trong xã hội, nên hoạt động “tín dụng đen” ngày càng “vươn vòi” để đáp ứng cung cầu.
Để “né” luật pháp, hoạt động “tín dụng đen” thường yêu cầu khách hàng viết giấy nợ, giấy thế chấp tài sản |
Không như họat động của các ngân hàng, để tiếp cận khách hàng cần phải có 1 bộ phận chuyên tìm kiếm những khách hàng tiềm năng để tư vấn; “bóng ma tín dụng đen” chỉ cần phát, dán tờ rơi ở các khu dân cư đông đúc, nhà trọ, chợ, ngã tư, cột điện, thậm chí chúng vung vãi tờ rơi trên quốc lộ như “rải truyền đơn” với những nội dung cực kỳ dẫn dụ: “Cho vay không cần thế chấp, nhận tiền ngay trong ngày”; “Chỉ cần a lô là có tiền”… với các thủ tục vô cùng đơn giản, nhanh gọn kèm theo số điện thoại liên lạc.
Cách đây chưa lâu, Phòng Cảnh sát hình sự CA tỉnh Bình Định đã phối hợp với Công an huyện Tuy Phước và Công an TX An Nhơn tiến hành kiểm tra và triệu tập 8 đối tượng liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn. Cơ quan chức năng đã làm việc với 10 “khách hàng” vay tiền với số tiền đã vay là 315 triệu đồng; số tiền gốc và lãi người vay đã trả là 265,75 triệu đồng. Kiểm tra hệ thống sổ sách từ ngày 11/11/2018 đến ngày 7/1/2019, ngành chức năng phát hiện tổ chức “tín dụng đen” đã cho vay 470 lượt người với tổng số tiền là 6,396 tỉ đồng.
Để “né” luật pháp, hoạt động “tín dụng đen” thường yêu cầu người vay viết giấy nợ, giấy thế chấp tài sản với lãi suất bằng quy định của Nhà nước, nhưng thực tế phải trả lãi suất rất cao, từ 30% - 45%, thậm chí có trường hợp lãi suất lên đến 300%! Khi người vay không có khả năng trả nợ thì lập tức bị bủa vây bởi muôn kiểu đe dọa, hành hung tạo sức ép buộc trả nợ.
Tờ rơi quảng cáo hoạt động “tín dụng đen” trên QL1A |
Chị N.T.H.D, một người dân ở TP Quy Nhơn (Bình Định), kể lại bi cảnh của mình trong nước mắt. Trước tết Nguyên đán, vì có việc cần giải quyết gấp nên chị đã vay “nóng” 20 triệu đồng. Do gặp sự cố, đến hẹn mà chị D. không có tiền trả nợ và phải vay thêm 20 triệu đồng nữa. Lãi mẹ đẻ lãi con, món nợ 40 triệu nhanh chóng tăng lên cả trăm triệu đồng. Đã cận Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, trong khi người người tở mở chuẩn bị đón tết thì vợ chồng chị đứng ngồi không yên, bởi chủ nợ liên tục đòi tiền. Hết liên lạc điện thoại, chúng còn tìm đến nhà với vẻ mặt “giang hồ” kèm theo những lời đe dọa đằng đằng sát khí. Chị D. than thở: “Cuối năm, người ta tất bật lo sửa sang nhà cửa đón tết, gia đình tôi thì bàn tán chuyện bán nhà để trả nợ. Vay “tín dụng đen” 20 triệu là có tiền ngay, không phải thế chấp, nhưng số tiền thực nhận chỉ 16 triệu đồng”.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt
Tại Bình Định, các giải pháp xử lý, chặn đứng hoạt động “tín dụng đen” được các cơ quan có thẩm quyền cấp bách đặt ra. Ngành chức năng thì tăng cường kiểm tra hành chính những cơ sở kinh doanh dịch vụ cho vay nặng lãi, hoạt động “tín dụng đen”, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản…. Qua đó, ngành chức năng đã xác định hiện có khoảng 200 đối tượng đang tham gia hoạt động cho vay theo hình thức này trên địa bàn.
Một số đối tượng ở các tỉnh miền Bắc đến hoạt động tại Bình Định, cấu kết với người địa phương cho vay với nhiều hình thức trá hình, thủ đoạn rất tinh vi, xảo quyệt, như: Mở công ty bán vé máy bay; mua bán, cho thuê xe máy; hỗ trợ tài chính… Đến nay, Công an tỉnh Bình Định đã rà soát, đưa vào diện quản lý nghiệp vụ đối với 15 nhóm với 83 đối tượng và 100 đối tượng riêng lẻ cho vay theo kiểu “tín dụng đen”; 13 nhóm với 70 đối tượng và 85 đối tượng hoạt động đòi nợ thuê; khởi tố được 2 vụ/ 2 bị can về tội cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản và hiện đang tiếp tục xác minh, điều tra 11 vụ.
Các tổ chức “tín dụng đen” vung vãi tờ rơi như “rải truyền đơn” trên QL1A |
Để đẩy lùi “bóng ma tín dụng đen”, Bình Định đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò của ngành ngân hàng. Theo ông Nguyễn Trà Dương, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh Bình Định, đối với ngành ngân hàng, các tổ chức tín dụng cần triển khai mạnh mẽ hơn nữa chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, các tổ chức tín dụng cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng, cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng, các gói tín dụng hỗ trợ phù hợp với từng phân khúc, đối tượng khách hàng.
“Các tổ chức tín dụng cần mở rộng mạng lưới hoạt động tại những địa bàn có mạng lưới hoạt động ngân hàng chưa tương xứng với nhu cầu tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng của người dân, nhất là những địa bàn đang là điểm nóng về “tín dụng đen”, ông Dương chia sẻ.
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Định đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai việc nâng mức vốn cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, tạo điều kiện cho người dân vùng sâu, vùng xa không có tài sản đảm bảo nhưng vẫn có thể tiếp cận được nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Theo đó, mức cho vay tối đa không có tài sản đảm bảo của một số đối tượng khách hàng là cá nhân, hộ gia đình được nâng lên gấp 2 lần mức cho vay tối đa cũ.
“Trong năm 2018, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố trong cả nước phối hợp với chính quyền địa phương và các Sở, ngành liên quan cùng, cơ quan Công an đã xử lý 218 vụ việc liên quan đến “tín dụng đen” tại 16 tỉnh, thành phố với tổng số tiền khoảng 117 tỉ đồng. Trong đó, đã khởi tố 14 vụ, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 37 vụ…”, ông Nguyễn Trà Dương, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh Bình Định. |