Theo Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng đầu năm 2015, XK cá tra sang Trung Quốc đạt giá trị 146,7 triệu USD, tăng tới 48,4% so với cùng kỳ 2014.
Với giá trị như trên, Trung Quốc đã trở thành thị trường lớn thứ 3 của cá tra Việt Nam (sau Mỹ và EU), và là thị trường lớn có mức tăng trưởng mạnh nhất.
Việt Nam trở thành nước đứng hàng thứ 4 về cung cấp cá thịt trắng nói chung cho thị trường Trung Quốc sau Nga, Mỹ và Na Uy.
Sở dĩ XK cá tra sang Trung Quốc trong năm ngoái tăng mạnh là do các DN cá tra Việt Nam chuyển hướng mạnh sang thị trường này khi các thị trường quan trọng khác như Mỹ, EU, ASEAN, Mexico, Brazil… gặp khó khăn.
Việc chuyển hướng này lại gặp một điều kiện thuận lợi lớn là nhu cầu tiêu thụ cá tra để chế biến và XK của Trung Quốc tăng, đồng thời Chính phủ Trung Quốc cũng khuyến khích các DN nước này NK cá nguyên liệu nhằm giảm khai thác biển.
Cá tra XK sang Trung Quốc do không đòi hỏi cao về chất lượng và phải vượt qua những hàng rào kỹ thuật khắt khe, nên giá không cao như XK sang Mỹ, EU…
Bù lại, cá tra XK sang Trung Quốc đa dạng hơn về kích cỡ, mức giá. Đặc biệt, cá tra cỡ lớn vốn không thể XK sang Mỹ, EU…, lại được thị trường Trung Quốc tiêu thụ mạnh.
Nhờ vậy, có thể nói việc chuyển hướng và gia tăng mạnh XK cá tra sang Trung Quốc đã góp phần không nhỏ trong việc tiêu thụ cá tra nguyên liệu của nông dân cũng như cá tra thành phẩm của các doanh nghiệp.
Những tháng đầu năm 2016, XK cá tra sang Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng ấn tượng. Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 1, XK cá tra sang Trung Quốc theo đường chính ngạch là 7,64 ngàn tấn, đạt giá trị 13,32 triệu USD, tăng 57,39% về lượng và 29,83% về giá trị so cùng kỳ 2015 và chiếm 11,5% giá trị XK cá tra.
Qua đó, Trung Quốc tiếp tục duy trì vị trí là thị trường lớn thứ 3 của cá tra Việt Nam. Theo phân tích của một số chuyên gia ngành hàng cá tra, cơ hội XK cá tra sang Trung Quốc vẫn đang rất rộng mở, bởi tuy giá trị XK đã tăng cao, nhưng trong năm 2015, cá tra mới chỉ chiếm khoảng 1,5-4% thị phần cá thịt trắng ở thị trường Trung Quốc.
Mà nhu cầu NK cá thịt trắng nói chung, cá tra nói riêng của các DN Trung Quốc vẫn đang tiếp tục tăng lên. Một số dự báo cho rằng giá trị XK cá tra sang Trung Quốc trong năm nay có thể tăng 17-18%, thậm chí có dự báo tăng 20-30% so với năm ngoái.
Tuy nhiên, với những diễn biến về sản lượng và giá cá tra nguyên liệu từ sau Tết Bính Thân đến giờ, có khả năng sẽ ảnh hưởng tới XK cá tra sang Trung Quốc trong thời gian tới. Trung Quốc chủ yếu ăn cá tra cỡ lớn (từ 1 kg trở lên) vì có nhiều mỡ.
Hiện tại, trong khi giá cá tra trong size (800-900 g/con) đang tăng mạnh, thì giá cá tra cỡ lớn chưa có biến động nhiều. Như ở Cù lao Tân Phong (Tiền Giang), theo thông tin từ ông Năm Đời, chủ một trang trại nuôi cá tra ở đây, giá cá cỡ lớn vẫn đang ở mức 18.500 đ/kg.
Thế nhưng, với đà tăng giá của cả trong size, và nhất là sự thiếu hụt lớn của sản lượng cá tra nói chung, chắc chắn giá cá tra quá lứa cũng sẽ phải tăng lên. Mà theo phân tích của một doanh nhân ngành hàng cá tra, với mức giá 18.000-18.500 đ/kg, Trung Quốc mới chấp nhận “ăn” nhiều. Còn khi giá cá tra nguyên liệu quá lứa ở ĐBSCL cũng tăng lên nhiều, chắc chắn cá tra đi Trung Quốc sẽ gặp khó khăn.
Trong khi đó, dù Trung Quốc đã trở thành thị trường lớn thứ 3 của cá tra Việt Nam, nhưng đa số các DN vẫn chưa coi đây là thị trường chất lượng cao, có thể đầu tư, phát triển lâu dài. Nguyên nhân chính là thị trường Trung Quốc vẫn chưa mang tính bền vững, ổn định với cá tra Việt Nam, bởi chủ yếu là xuất biên mậu, nhiều rủi ro trong thanh toán, DN cạnh tranh chủ yếu bằng giá rẻ đồng nghĩa với chất lượng không cao…
Chính vì vậy, có những DN do bị áp thuế chống bán phá giá ở mức cao mà gần như phải bỏ thị trường Mỹ, nhưng cũng không theo phong trào chuyển sang thị trường Trung Quốc. Thay vào đó là tìm tới những thị trường khác, tuy không nóng và khó tính hơn nhiều so với thị trường Trung Quốc, nhưng lại có giá trị XK cao hơn, có sự bền vững về thị trường và an tâm trong khâu thanh toán.