| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu dưa hấu: Những thách thức phải vượt qua

Thứ Tư 25/04/2018 , 09:05 (GMT+7)

Theo yêu cầu của Trung Quốc, tới đây các loại rau quả trong đó có dưa hấu của Việt Nam xuất qua thị trường này phải có truy xuất nguồn gốc và được đóng bao bì, là một thách thức lớn.

Bởi, từ trước đến nay, dưa hấu được nông dân trồng theo kiểu tự phát. Quy trình canh tác thì “thích gì làm nấy”, không được kiểm soát. Đến vụ thu hoạch, thương lái cứ đánh xe đến ruộng mua dưa, chất lên xe, rồi xuất sang Trung Quốc chứ không màng đến việc chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

11-51-33_1
Trước nay, dưa hấu XK sang Trung Quốc chưa có tiền lệ đóng bao bì, chỉ lót rơm bỏ dưa lên xe rồi chở đi

Bây giờ, khi dưa hấu xuất khẩu bị đòi hỏi phải có chứng nhận xuất xứ và phải được đóng bao bì, cả thương lái lẫn nông dân sẽ khó khăn hơn. Nhưng thách thức phải được vượt qua để giữ vững thị trường tiêu thụ lớn loại hoa quả này.
 

Vẫn có thể đóng bao bì cho dưa hấu

Ông Lê Đình Chiến, ở huyện Diên Khánh (Khánh Hòa), người có thâm niên hàng chục năm trong nghề thu mua dưa hấu cung ứng cho thị trường Trung Quốc, cho hay: “Trong quá trình cung ứng dưa hấu cho thị trường Trung Quốc, từ trước đến nay tôi chưa gặp khách hàng nào của thị trường này yêu cầu dưa hấu phải được đóng bao bì, tuy nhiên đã có khách hàng ở Hà Nội yêu cầu tôi đóng thùng dưa hấu, nên đối với tôi việc này không lạ lẫm. Còn việc đòi hỏi dưa hấu phải có xuất xứ thì tôi cũng đã gặp, và tôi cũng đã thực hiện trong thời gian gần đây”.

Theo ông Chiến, dưa hấu tuy to là vậy nhưng vẫn có thể đóng thùng, nhà xản xuất bao bì có thể cung ứng thùng mọi kích cỡ, thùng nhỏ nhất 40kg, thùng lớn 80 - 90kg. Tuy nhiên, dưa hấu đóng thùng sẽ làm tăng chi phí.

“Để đóng 1 thùng dưa hấu phải qua nhiều công đoạn: Mở, dán thùng; đục những lỗ to bằng miệng chén để thông hơi cho dưa hấu không bị nũng trong thời gian vận chuyển; bỏ dưa vào từng thùng, sau đó dán miệng thùng lại. Khi dưa đã được đóng thùng, cứ 3 thùng được đóng ghép lại thành 1 cây để chất lên xe. Thị trường tiêu thụ Hà Nội đã từng yêu cầu tôi đóng thùng, nhưng dưa hấu đóng thùng khó tiêu thụ vì khách hàng không thể mở thùng ra kiểm tra dưa ngon hay dưa kém chất lượng nên khó bán hơn dưa hấu bán theo kiểu đổ đống, do vậy chỉ sau vài lần thì các đầu nậu thu mua dưa ở Hà Nội không còn yêu cầu tôi làm như vậy nữa”, ông Chiến cho biết thêm.

Cũng theo ông Chiến, trong thời gian qua khách hàng tiêu thụ dưa ở Trung Quốc đã yêu cầu ông chứng nhận xuất xứ của dưa hấu. Chứng nhận này cũng không nhiêu khê lắm, chỉ cần ghi rõ họ tên, nơi ở, số tài khoản của thương lái; nêu quá trình cung ứng giống và chuyển giao quy trình kỹ thuật như thế nào cho nông dân trồng; dưa được trồng tại địa phương nào, bán cho khách hàng nào ở đâu, sau đó chính quyền sở tại chứng thực vào bản khai là xong. “Trước đây, tôi khai gom nhiều khách hàng mua dưa của tôi vào giấy nhưng họ không chịu, họ buộc mỗi giấy chứng nhận xuất xứ dưa hấu chỉ khai cụ thể 1 khách hàng”, ông Chiến chia sẻ.
 

Phải thay đổi tư duy canh tác

Đặc thù của dưa hấu là không thể trồng đi trồng lại trên cùng 1 vùng đất, do đó, người trồng dưa hấu ở Bình Định phải “du canh”, đi vào Phú Yên, lên các tỉnh Tây Nguyên thuê đất để trồng. Năm nay trồng vùng đất này, thu hoạch xong đi nơi khác thuê đất làm tiếp. Do làm trên đất thuê, nên người trồng dưa thường lạm dụng phân bón hóa học và thuốc kích thích để “đốt giai đoạn” nhằm nhanh thu hoạch.

11-51-33_2
Xưa nay, thương lái cứ đến ruộng mua dưa của nông dân rồi chở đi Trung Quốc chứ không nghĩ đến chứng nhận nguồn gốc xuất xứ

Với cách làm này, theo ông Nguyễn Tiến Lãng, cán bộ Cty TNHH Thương mại Trang Nông (Khánh Hòa), dưa hấu sẽ có chất lượng kém, khó bảo quản được lâu. Trong khi thời gian vận chuyển từ các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên sang đến Trung Quốc mất thời gian khá dài. Vào thời điểm ùn ứ hàng, dưa hấu còn phải mất thêm thời gian nằm trên xe tại cửa khẩu. Sang đến Trung Quốc dưa hấu phải được bốc dỡ, phân loại, sang xe để chở sâu vào nội địa. Do đó, dưa dễ bị úng thối, vỡ.

“Dưa hấu xuất khẩu cần phải chọn giống dưa có vỏ dày để đủ sức chịu đựng được thời gian vận chuyển và sự va đập trên đường vận chuyển. Đặc biệt là phải chọn giống có lượng đường trong dưa vừa phải, dưa không ngọt lắm. Bởi dưa có lượng đường cao khó bảo quản được lâu”, ông Lãng chia sẻ.

Theo các chuyên gia, trước yêu cầu của Trung Quốc về chứng nhận xuất xứ của dưa hấu nhập khẩu vào thị trường nước này, nông dân cần thay đổi tư duy canh tác để tránh tình trạng “tự mình hại mình”. Điều mấu chốt nhất trong quy trình sản xuất là phải tránh lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, nhất là thuốc kích thích. Điều đặc biệt cần tuân thủ là phải dừng dùng thuốc BVTV cho ruộng dưa ít nhất là 10 ngày trước khi thu hoạch, để dưa được đảm bảo tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm, có như vậy dưa hấu của Việt Nam mới “trụ” được tại thị trường tiêu thụ lớn là Trung Quốc.

“Trước đây, bà con mình cứ nghĩ Trung Quốc là thị trường dễ tính nên “thoải mái” trong quy trình canh tác. Khi thị trường này bắt đầu siết về nguồn gốc xuất xứ thì người trồng dưa cần phải thay đổi tư duy sản xuất để đảm bảo các tiêu chí xuất khẩu”, ông Nguyễn Tiến Lãng nói.

“Dù các địa phương không quy hoạch trồng dưa hấu, nhưng nông dân vẫn tự phát trồng với diện tích rất lớn. Dưa hấu cũng là một trong những loại hoa quả nhập khẩu vào Trung Quốc nhiều nhất. Trong khi đó, từ trước đến nay dưa hấu được thương lái đưa vào thị trường này theo kiểu ai mua bao nhiêu bán bấy nhiêu, chưa có tổ chức nào đứng ra kết nối. Do vậy, phía Việt Nam cần phải có những doanh nghiệp đứng ra ký kết hợp đồng tiêu thụ với thị trường Trung Quốc. Có như vậy con đường xuất khẩu dưa hấu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc mới được hanh thông”, ông Nguyễn Tiến Lãng.

 

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm