EU không phải là thị trường mới đối với ngành lương thực Việt Nam. Từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp đã đưa hạt gạo Việt Nam thâm nhập vào thị trường này. Tuy nhiên, do mức thuế mà EU áp lên gạo Việt Nam quá cao, nên lượng gạo xuất khẩu sang khu vực này còn khá khiêm tốn.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trước đây, mức thuế nhập khẩu mà EU áp lên lúa nhập từ Việt là 211 EUR/tấn, gạo lứt là 65 EUR/tấn, gạo đã xát toàn bộ hoặc sơ bộ là 175 EUR/kg, gạo tấm là 65EUR/kg.
Trong khi đó, do đang được xếp vào nhóm những nước kém phát triển, nên gạo từ Campuchia, Lào, Myanmar nhập vào EU được miễn thuế và không bị áp dụng hạn ngạch. Gạo từ Thái Lan, Mỹ, Úc được áp dụng hạn ngạch (ưu đãi thuế) với số lượng lớn. Do bất lợi lớn về thuế như vậy, nên gạo Việt Nam rất khó cạnh tranh được với gạo từ các nước nói trên tại thị trường EU.
Do đó, tuy Việt Nam luôn nằm trong Top 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới từ nhiều năm nay, nhưng lại không nằm trong Top 5 nước xuất khẩu gạo lớn nhất vào EU.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ năm 1989-2017, Việt Nam xuất khẩu được 121,62 triệu tấn gạo, thì EU chỉ chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn là 2,16%, tức là vào khoảng 2,63 triệu tấn, chưa bằng 1 nửa lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong 1 năm ở thời điểm hiện nay (năm nay Việt Nam dự kiến xuất khẩu 6,5 triệu tấn gạo).
Năm 2019, lượng gạo Việt Nam xuất sang EU chỉ khoảng 20 ngàn tấn, một con số cực kỳ khiêm tốn so với tổng lượng gạo xuất khẩu trong năm ngoái là 6,37 triệu tấn cũng như nhu cầu tiêu thụ gạo của EU (khoảng 2,5 triệu tấn/năm).
Chính vì vậy, việc Hiệp định EVFTA đã chính thức có hiệu lực kể từ 1/8/2020, trong đó giành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan 80 ngàn tấn gạo (miễn thuế), sẽ mở ra cơ hội lớn cho gạo Việt Nam thâm nhập vào thị trường quan trọng này.
So với lượng gạo xuất khẩu hàng năm của Việt Nam, 80 ngàn tấn chỉ là con số nhỏ, nhưng điều quan trọng nhất là nếu tận dụng được tốt hạn ngạch này, gạo Việt Nam sẽ dần tạo được uy tín và chỗ đứng tại EU. Từ đó, hạn ngạch này có thể sẽ được phía EU xem xét, mở rộng dần thêm trong những năm tới.
Còn theo ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, những năm trước đây, lượng gạo xuất khẩu sang EU rất nhỏ bé, nhưng giá bán rất cao, cao hơn rất nhiều so với gạo bán sang các thị trường châu Á, châu Phi.
Do đó, khi tận dụng tốt hạn ngạch 80 ngàn tấn, sẽ góp phần không nhỏ làm tăng giá trị gạo xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời cũng sẽ có tác động ít nhiều tới giá gạo của Việt Nam xuất sang các thị trường khác.
Bằng chứng là vừa qua, khi giá gạo trắng Việt Nam vượt qua giá gạo cùng loại của Thái Lan và nhiều ngày liên tục đứng ở mức cao nhất trong 5 nước xuất khẩu hàng đầu, thì đã có sự tác động nhất định từ hạn ngạch thuế quan nói trên.