| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu nông sản trước nhiều thách thức

Thứ Sáu 09/02/2018 , 07:01 (GMT+7)

Cùng với những cơ hội thuận lợi và thành công lớn trong XK trong thời gian qua, nông sản Việt Nam đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn tại các thị trường XK, đặc biệt là hàng rào kỹ thuật.

Trong khi đó, khâu quảng bá, xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam tại thị trường quốc tế vẫn còn nhiều hạn chế.

Đây là những ý kiến được đông đảo tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài đóng góp tại hội nghị giữa Bộ NN-PTNT với các tham tán thương mại diễn ra ngày 8/2.

14-57-50_dscf5376
Các tham tán thương mại đã đưa ra nhiều hiến kế cho Bộ NN-PTNT để tháo gỡ, phát triển XK nông sản

Đánh giá về tình hình XK nông sản năm 2018, ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho biết: Xu hướng gia tăng bảo hộ của các nước đối với lĩnh vực nông nghiệp đang ngày càng gia tăng, kể cả các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc...

Bên cạnh đó, việc đàm phán mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam vào các nước càng ngày càng khó khăn và kéo dài (trung bình từ 5 - 7 năm). Các tiêu chuẩn về quản lí chất lượng và ATTP của các nước đối với hàng nông sản NK ngày càng thắt chặt.

Những thị trường trước đây vốn có tiêu chuẩn không cao như Ấn Độ, Trung Quốc... nay đang khởi động việc xây dựng và thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng nông sản NK. Nhiều chính sách mới và cảnh báo của các nước đang gây rất nhiều khó khăn cho XK nông lâm thủy sản của Việt Nam, mà gần đây nhất là đạo luật chống bán phá giá cá da trơn của Mỹ; IUU Fishing của EU... Trong bối cảnh đó, nông sản Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt tại các thị trường XK với các mặt hàng cùng chủng loại của nhiều nước.
 

Bỏ rơi thương hiệu

Ông Bùi Huy Hoàng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc cho biết: Năm 2018, cơ hội XK nông sản của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc có rất nhiều thuận lợi do nước này đang có kế hoạch tiếp tục giảm thuế NK, đồng thời đẩy mạnh NK đối với một số nhóm hàng nông sản thiết yếu. Cuối năm 2018, một hội chợ quốc tế quy mô rất lớn chuyên về các mặt hàng NK sẽ được tổ chức tại Trung Quốc...

Mặc dù vậy, nông sản Việt Nam tới đây sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn ở thị trường chủ lực này do Trung Quốc hiện đang xây dựng các hàng rào kỹ thuật rất chặt chẽ về hàng nông sản NK, đi đôi với việc tăng cường kiểm tra. Vì vậy, đã đến lúc Việt Nam cần thay đổi tư duy xem Trung Quốc là thị trường dễ tính. Theo ông Hoàng, đối với thị trường Trung Quốc, việc tháo gỡ và đàm phán mở cửa cho các mặt hàng nông sản vào thị trường này cần phải được đưa vào nội dung làm việc cụ thể trong khuôn khổ các cuộc gặp lãnh đạo cấp cao giữa hai nước.

14-57-50_15-54-01_lu-size
XK nông sản Việt Nam đang ngày càng đối mặt với nhiều thách thức

Bên cạnh đó, nông sản Việt Nam cũng đang chịu cạnh tranh rất gay gắt với nông sản của nhiều nước trong khu vực tại thị trường Trung Quốc, nhất là với Thái Lan, Đài Loan. Đặc biệt đối với mặt hàng gạo, bên cạnh Thái Lan, gần đây Campuchia cũng nổi lên là đối thủ rất lớn của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, khâu xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu nông sản Việt Nam tại Trung Quốc đang thua xa so với các đối thủ cạnh tranh.

Bà Vũ Việt Nga, Tham tán thương mại Việt Nam tại Philippines ái ngại: Hiện nay, một số sản phẩm thủy sản đông lạnh của Việt Nam đã được XK sang Philippines. Đây là thị trường dễ tính, rất ưa chuộng các sản phẩm cá phi lê của Việt Nam như cá tra, cá rô phi... Tuy nhiên qua tham khảo, các DN tại Philippines hiện nay hầu như không biết các sản phẩm phi lê đông lạnh có nguồn gốc từ Việt Nam, và cũng chưa thấy DN nào của Việt Nam sang xây dựng thương hiệu gắn với phát triển thị trường tại Philippines.

Cùng lo lắng về vấn đề thương hiệu nông sản Việt Nam tại các thị trường XK, ông Dương Hoàng Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nga cho biết: Hiện nay, Nga là thị trường có tốc độ tăng trưởng kim ngạch XK nông sản khá cao của Việt Nam, với rất nhiều mặt hàng có lợi thế, đặc biệt là thủy sản có rất nhiều dư địa.

Tuy nhiên, phía Nga cũng đang quản chặt NK thủy sản bằng việc cấp hạn ngạch, chỉ cho phép 21 doanh nghiệp Việt Nam XK thủy sản vào nước này. Trong bối cảnh đó, thủy sản nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung cần phải đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu, bởi đây đang là khâu rất yếu.

“Điển hình nhất như mặt hàng cà phê, mỗi năm kim ngạch XK sang Nga của chúng ta khoảng 120 triệu USD, nhưng trên kệ hàng của hệ thống siêu thị ở Nga lại chưa hề thấy một gian nào của cà phê Việt Nam. Tới đây, chúng ta thậm chí cần phải mời một số đài truyền hình của họ sang Việt Nam để làm những chương trình quảng bá về thương hiệu, ẩm thực của nông sản Việt Nam”, ông Minh nêu ý kiến.
 

Không thể “bình chân như vại” được nữa

Bày tỏ nỗi lo về XK gạo, bà Vũ Việt Nga, Tham tán thương mại Việt Nam tại Philippines cho biết: Với dân số hơn 100 triệu dân, lại liên tiếp lũ lụt thiên tai, Philippines hiện nay có nhu cầu tiêu thụ gạo hết sức khổng lồ, với mức bình quân lên tới 110kg/người/năm. Gạo hiện nay vẫn là mặt hàng lương thực chính trong khẩu phần ăn của người Philippines. Thế nhưng DN Việt Nam hiện nay lại rất thờ ơ và “bình chân như vại” với thị trường này, bởi lâu nay chúng ta vẫn chủ yếu XK gạo cho Philippines thông qua hợp đồng của Chính phủ là chính.

DN Việt Nam hiện nay lại rất thờ ơ và “bình chân như vại” với thị trường gạo Philippines

Ngoài ra, hiện mỗi năm các DN của Việt Nam XK khoảng 300 nghìn tấn gạo/năm theo diện cấp hạn ngạch của Philippines, do nhu cầu gạo khan hiếm nên DN Việt Nam gần như chẳng phải chào hàng, cạnh tranh gì. Tuy nhiên từ năm 2018, chính sách cấp hạn ngạch NK gạo của Philipines sẽ kết thúc. Điều này đồng nghĩa với việc gạo của rất nhiều nước sẽ được tự do NK theo cơ chế cạnh tranh vào Philippines, nhất là các đối thủ lớn của Việt Nam như Myanmar, Campuchia, Thái Lan...

“Mặc dù chúng ta XK gạo rất lớn cho Philippines, nhưng các DN nước này lại gần như không biết gì về gạo Việt Nam, mà họ chỉ biết tới gạo Thái Lan và gạo của Nhật Bản. Nếu các DN ngay từ bây giờ không chịu thay đổi để cạnh tranh, thì tới đây rất khó mà giữ được thị trường lúa gạo rất có tiềm năng này”, bà Vũ Việt Nga lo lắng.

Ông Tạ Công Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản ái ngại: Rất nhiều mặt hàng trái cây của Việt Nam XK sang Nhật tiêu thụ khá tốt như thanh long, chuối...

Tuy nhiên, xoài lại là mặt hàng trái cây đang có xu hướng giảm tiêu thụ tại Nhật, mặc dù xoài Việt Nam có mẫu mã, chất lượng thơm ngon hơn hẳn các nước (độ ngọt xoài Việt Nam trung bình lên tới 20%, so với độ ngọt xoài các nước chỉ có 12-15%).

Một trong những nguyên nhân khiến xoài Việt Nam không thể cạnh tranh được tại Nhật, đó là khâu bảo quản chưa thể kéo dài. Quan trọng nhất, đó là phí vận chuyển của Việt Nam còn quá cao so với các nước, khiến giá bán bị đẩy lên quá cao.

“Xoài nhiều nước XK sang Nhật như Ecuador, Mexico... đường vận chuyển xa hơn chúng ta rất nhiều, nhưng phí vận tải của họ lại rất thấp nên giá bán thấp hơn xoài Việt Nam. Vì vậy, nếu không cải thiện khả năng cạnh tranh bằng cách tăng khả năng bảo quản và hạ thấp phí vận tải, chúng ta sẽ rất khó cạnh tranh được so với trái cây của các nước”, Tham tán Tạ Công Minh cho biết.

 

Xem thêm
80% sản lượng dừa sáp Trà Vinh bán dưới hình thức nguyên liệu thô

Doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng diện tích dừa hữu cơ gắn với mã số vùng trồng xuất khẩu tại Trà Vinh, cần liên hệ với cơ quan chức năng để được hỗ trợ.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Trung Quốc tiêu thụ 4 tỷ quả dừa mỗi năm và cơ hội cho dừa Việt

BẾN TRE Đại diện Vina T&T Group chia sẻ những thuận lợi, thách thức ngành hàng dừa Việt Nam đối mặt khi chinh phục thị trường tỷ dân Trung Quốc.

Tháp đôi Prime Thái Nguyên mừng tân gia, chào đón giáng sinh và năm mới 2025

Năm 2025 sắp gõ cửa, mang theo những hy vọng và ước mơ mới. Năm 2024, Tháp đôi Prime vui mừng chào đón những cư dân đầu tiên về sinh sống tại toà nhà.