Nước ta có nhiều tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản, với bờ biển dài hơn 3.260km, nhiều cửa sông, lạch nên tiềm năng nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ rất lớn. Ngoài ra, hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ nằm rải rác dọc theo ven biển là khu vực có thể phát triển nuôi trồng thủy sản quanh năm.
Ngành nuôi trồng thủy sản đang từng bước trở thành một trong những ngành sản xuất hàng hóa chủ lực, phát triển rộng mở, có vị trí quan trọng và đang tiến đến xây dựng các vùng sản xuất tập trung.
Bên cạnh các đối tượng nuôi chủ lực như cá tra, tôm sú, tôm thẻ chân trắng phát triển mạnh tại khu vực ĐBSCL, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Tại khu vực miền Trung hiện cũng phát triển mạnh nghề nuôi tôm hùm lồng và cá biển đem lại giá trị kinh tế cao.
Mặc dù khai thác thủy sản vẫn là lĩnh vực quan trọng, chiếm thị phần khá lớn trong tổng sản lượng thủy sản. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản tự nhiên ngày càng cạn kiệt; đặc biệt, kể từ sau khi Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo thẻ vàng đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của Việt Nam, tại nhiều địa phương, bà con ngư dân đã chuyển sang hình thức nuôi trồng thủy sản, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhằm phát triển bền vững ngành thủy sản, năm 2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mục tiêu chung của đề án là phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000 ha với 10 triệu m3 lồng nuôi và sản lượng khoảng 850.000 tấn, xuất khẩu đạt từ 0,8 - 1 tỷ USD. Đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000ha với 12 triệu m3 lồng nuôi và sản lượng 1,45 triệu tấn, xuất khẩu đạt từ 1,8 - 2 tỷ USD.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Chính phủ và các địa phương đã ban hành nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành ngành nuôi biển công nghiệp.
Tuy nhiên, những năm gần đây, ngành thủy sản nước ta đang đối mặt với nhiều thách thức khi hoạt nuôi trồng thủy sản diễn ra ồ ạt với mật độ dày đặc đã tác động rất lớn đến môi trường biển. Điều này dẫn đến một số loại bệnh nguy hiểm xảy ra trên tôm hùm, cá biển gây thiệt hại lớn cho người nuôi.
ThS Võ Thị Ngọc Trâm, Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản miền Trung, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (Bộ NN-PTNT) cho biết, hiện tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số vùng nuôi trồng thủy sản tập trung như nuôi tôm hùm lồng, cá biển… có chiều hướng gia tăng và khó kiểm soát.
“Thời gian qua đã và đang xảy ra một số vấn đề về môi trường, dịch bệnh. Do vậy, khi nuôi với mật độ quá dày kết hợp với các điều kiện thời tiết diễn biến bất lợi thì dễ tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh phát triển vượt ngưỡng và gây bệnh ở các đối tượng nuôi”, ThS Võ Thị Ngọc Trâm cho hay.
Theo ThS Trâm, tôm hùm nuôi lồng ở các tỉnh Nam Trung bộ thường gặp các bệnh nguy hiểm như bệnh sữa, đỏ thân, đen mang, ở các đối tượng cá biển thường gặp các bệnh như xuất huyết, lở loét, mắt lồi do các tác nhân vi khuẩn gây ra.
Do vậy, khi các tác nhân này xuất hiện, người nuôi không có các giải pháp kiểm soát kịp thời sẽ gây ra sự hao hụt lớn số lượng tôm, cá ở lồng bè nuôi và có thể lây lan trên diện rộng. Đây cũng là một trong những thách thức mà ngành nuôi trồng thủy sản nước ta phải đối mặt hiện nay.