| Hotline: 0983.970.780

Sản phẩm sữa Việt Nam đã xuất khẩu 46 thị trường trên thế giới

Thứ Ba 24/09/2019 , 15:35 (GMT+7)

Theo số liệu công bố tại Diễn đàn Tầm nhìn và Đối thoại PPP ngành hàng chăn nuôi diễn ra sáng 24/9 tại Hà Nội, tính đến thời điểm hiện tại, sữa Việt đã được xuất khẩu tới 46 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Nguyên Huân.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, chăn nuôi bò sữa đóng vai trò hết sức quan trọng đối với ngành chăn nuôi.

Năm 2018, tổng doanh thu toàn ngành sữa đạt xấp xỉ 5 tỷ USD đưa Việt Nam vươn lên đứng thứ 6 châu Á về sản lượng sữa và đứng thứ 4 về năng suất của đàn bò vắt sữa. Nhiều chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất tới tiêu dùng trong chăn nuôi bò sữa đã được hình thành và phát triển hiệu quả. Tỷ lệ liên kết chuỗi trong chăn nuôi bò sữa chiếm gần 100%, cao nhất trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa cũng là một trong những lĩnh vực có tiềm năng thu hút đầu tư lớn nhất của ngành nông nghiệp. Sữa và các sản phẩm sữa của Việt Nam được người tiêu dùng trong nước và nhiều nước trong khu vực tin dùng, nhất là thị trường Trung Quốc và các nước Trung Đông.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng lưu ý, ngành chăn nuôi cũng như ngành sữa còn gặp phải những khó khăn, thách thức đang hạn chế tiềm năng phát triển. Đó là Việt Nam hiện còn 10 triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cung ứng một nửa sản lượng thịt tiêu thụ trong nước, hàng năm Việt Nam phải nhập sữa và sản phẩm từ sữa với số lượng khá cao để phục vụ tiêu dùng trong nước.

“Nhận thấy chăn nuôi làm một ngành quan trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam, tháng 4/2019 Bộ NN-PTNT đã thành lập thêm nhóm công tác PPP về chăn nuôi, gồm 4 tiểu nhóm, bò sữa, heo, gia cầm và thức ăn chăn nuôi. Nhóm do Cục Chăn nuôi và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và khối tư (các doanh nghiệp) làm đồng chủ trì. Nhóm được thành lập với kỳ vọng thúc đẩy thu hút đầu tư vào ngành chăn nuôi để hướng ngành chăn nuôi nói chung và bò sữa nói riêng theo chuỗi khép kín, nâng cao giá trị và phát triển bền vững.” Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Diễn đàn. Ảnh: Nguyên Huân.

Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Phạm Văn Duy cho rằng, hiện nay sữa Việt đã được xuất khẩu tới 46 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường các nước Trung Đông chiếm tới hơn 70%. Số liệu 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sữa sang hầu hết các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đều tăng trưởng mạnh. Trong đó, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Iraq đạt 88,28 triệu USD tăng 29,37%, tiếp đến là thị trường Trung Quốc đạt 11,59 triệu USD tăng 52,9%. Xét về mặt cơ cấumặt hàng sữa bột chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất trong 7 tháng đầu năm 2019, đạt 72,09 triệu USD, tăng 89,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ sữa lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau thị trường Mỹ với tổng giá trị khoảng 60 tỷ USD và mức tiêu thụ sản phẩm sữa bình quân đầu người liên tục tăng. Theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, nguồn cung sữa nội địa của Trung Quốc hiện chỉ sản xuất đủ đáp ứng 75% nhu cầu sữa trên thị trường nội địa.

Từ đó, ông Nguyễn Văn Duy nhận định: "Thời gian tới Trung Quốc sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu sữa hàng đầu của Việt Nam. Nghị định thư về xuất khẩu sữa Việt Nam sang Trung Quốc đã được các cơ quan nhà nước phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp xuất khẩu sữa hàng đầu của Việt Nam triển khai. Dự kiến sẽ có lô xuất khẩu đầu tiên sang Trung Quốc theo Nghị định thư trong năm nay. Khi các doanh nghiệp Việt Nam chính thức được xuất khẩu sữa sang Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này được dự báo sẽ tăng lên nhanh chóng để vươn lên vị trí thứ nhất."

Doanh nghiệp sữa Việt Nam giới thiệu sản phẩm sữa tại thị trường Trung Quốc. Ảnh: Nguyên Huân.

Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ, do hiện nay tại Việt Nam nông hộ chăn nuôi bò sữa hiện vẫn chiếm tỷ lệ khá lớn và là mắt xích yếu nhất khi ngành chăn nuôi Việt Nam tiến hành hội nhập. Do đó, đề án PPP này sẽ tập trung hướng tới việc hỗ trợ, tập huấn, nâng cao trình độ, năng lực, chuyên môn cho các hộ chăn nuôi bò sữa nhỏ lẻ. Bà Hạnh cho biết thêm, ngay khi Việt Nam và Trung Quốc ký được Nghị định thư về việc xuất khẩu sữa chính ngạch, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức rất nhiều hội nghị tập huấn, hội thảo nhằm chia sẻ, cập nhật thông tin để từ đó bà con có những sự chuẩn bị cho những yêu cầu, quy định, tiêu chuẩn mới.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, quan điểm phát triển chăn nuôi bò sữa của Bộ NN-PTNT trong thời gian tới gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phù hợp với lợi thế tự nhiên và điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương. Phát triển chăn nuôi bò sữa trang trại thâm canh quy mô vừa, chuyển một phần đất canh tác, đất ven sông, ven bãi sang trồng cỏ và cây thức ăn, sử dụng phụ phẩm nông nghiệp cho chăn nuôi bò sữa, giảm ô nhiễm môi trường. Áp dụng các iến bộ khoa học và công nghệ sinh học trong chăn nuôi bò sữa. Tăng cường quản lý công tác giống, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho ngành chăn nuôi bò sữa.

Cụ thể, mục tiêu đến năm 2020 ngành chăn nuôi phấn đấu tổng đàn bò sữa đạt 500 nghìn con, tổng sản lượng sữa đạt trên 1 triệu tấn, tăng trưởng bình quân trên 11%/năm. Năm 2030 tổng đàn bò sữa đạt 700 nghìn con, tổng sản lượng sữa đạt 2 triệu tấn.

Giống, thức ăn, khoa học công nghệ, tiêu chuẩn, chất lượng, liên kết theo chuỗi là những giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển ngành bò sữa Việt Nam. Ảnh: Nguyên Huân.

Để đạt mục tiêu này, ngành chăn nuôi xác định đầu tiên phải chú trọng khâu giống và khoa học công nghệ cải tạo, chọn lọc, lai tạo giống bò HF nâng cao năng suất sữa. Tập trung chuyển đổi diện tích canh tác cây trồng khác không hiệu quả sang trồng cỏ áp dụng nhân rộng mô hình cung cấp thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh TMR. Bên cạnh đó, hệ thống khuyến nông tăng cường tập huấn kỹ thuật và đào tạo cho người chăn nuôi bò sữa, thành lập các HTX dịch vụ chăn nuôi bò sữa liên kết sản xuất thành chuỗi để nâng cao giá trị và sản phẩm chế biến.

Ngoài ra, Cục Chăn nuôi kiến nghị áp dụng mức thuế nhập khẩu 0% đối với giống bò sữa nhập khẩu, các trang thiết bị vật tư phục vụ chăn nuôi bò sữa. Tăng cường kiểm soát, kiểm tra chất lượng hàng hóa, đảm bảo ghi đúng tỷ lệ sữa tươi trên bao bì sản phẩm sữa. Xây dựng hệ thống kiểm tra, kiểm soát chất lượng sữa khách quan đảm bảo công khai, minh bạch. Đặc biệt, cần đẩy mạnh chương trình sữa học đường và xuất khẩu sữa sang các thị trường truyền thống, thị trường mới như Trung Quốc và EU.

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

Cây mì Bình Định được mùa nhưng mất giá

Năm nay nhờ thời tiết thuận lợi và sử dụng giống sạch bệnh nên cây mì (sắn) ở Bình Định cho năng suất khá, nhưng do biến động thị trường nên giá mì giảm thấp.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.