| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu tăng trưởng mạnh, ngành gỗ bàn cách giữ đà

Chủ Nhật 10/03/2024 , 10:26 (GMT+7)

Hội nghị giao ban ngành gỗ quý I/2024 tại Bình Định là dịp nhận diện những thách thức hiện hữu để bàn giải pháp hóa giải…

2 tháng đầu năm giá trị xuất khẩu gỗ tăng 47%

Tại Hội nghị giao ban ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản quý I/2024 diễn ra chiều 9/3 tại Bình Định, Cục Lâm nghiệp cho biết giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản năm 2023 có mức giảm “lịch sử”, đến 15,4%. Trong đó, thị trường EU giảm lớn nhất với 38,2% so với năm 2022, tiếp đến là thị trường Hàn Quốc giảm 18,8%, thị trường Hoa Kỳ giảm 14,67%, thị trường Trung Quốc giảm 14,5%, thị trường Nhật Bản giảm 7,5%.

Nguyên nhân được xác định do lạm phát tăng đến hơn 8% tại một số thị trường nhập khẩu chính đồ gỗ của Việt Nam như EU, Hoa Kỳ; nên những quốc gia này ban hành nhiều chính sách thắt chặt tiền tệ, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là giảm mua sắm những đồ dùng không thiết yếu, trong đó có sản phẩm gỗ. Thêm vào đó, chi phí logistic, giá gỗ nguyên liệu, vật tư đầu vào đều tăng do xung đột ở các nước Đông Âu. Thêm vào đó, giá dăm gỗ giảm đã giảm từ 195 USD/tấn năm 2022 xuống còn 135 USD/tấn vào năm 2023, giá viên nén giảm mạnh từ 180 USD/tấn năm 2022 xuống còn 100 USD/tấn vào năm 2023…

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị phát biểu tại Hội nghị giao ban ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản quý I/2024. Ảnh: V.Đ.T.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị phát biểu tại Hội nghị giao ban ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản quý I/2024. Ảnh: V.Đ.T.

Bước sang năm 2024, Cục Lâm nghiệp nhận định khó khăn, thách thức vẫn còn đeo bám ngành gỗ Việt bởi xung đột Đông Âu vẫn tiếp diễn, nên chi phí logistic, giá gỗ nguyên liệu, vật tư đầu vào sẽ vẫn ở mức cao. Nguy cơ gian lận thương mại, giả xuất xứ sản phẩm ngày càng gia tăng và cạnh tranh thương mại diễn biến ngày càng phức tạp. Hơn nữa, một số thị trường chính của ngành gỗ Việt ngày càng yêu cầu khắt khe việc kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp; không làm ảnh hưởng đến suy thoái, mất rừng, sản xuất xanh nhằm giảm phát thải khí nhà kính.

Tuy nhiên, “trong nguy có cơ”, đó là thị trường thương mại đồ nội thất của thế giới rất lớn, khoảng 405 tỷ USD/năm, trong đó nhu cầu nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ khoảng 230 tỷ USD. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam mới chỉ chiếm trên 6% thị phần toàn cầu, nên các doanh nghiệp gỗ Việt có nhiều cơ hội mở rộng, phát triển thị phần.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nhận diện những thách thức mà ngành gỗ phải đối mặt trong năm 2024. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nhận diện những thách thức mà ngành gỗ phải đối mặt trong năm 2024. Ảnh: V.Đ.T.

Thêm nữa, nước ta đã phê chuẩn và khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương - CPTPP, Việt Nam - EU; Việt Nam - ASEAN; Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Chi Lê, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Trung Quốc; Việt Nam - Thái Lan; Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và EU về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản; thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ về khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp. Đây là những cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp gỗ Việt Nam tiếp tục vươn mạnh ra thị trường thế giới.

Thêm vào đó, nguồn gỗ nguyên liệu trong nước đang khai thác trên 3,93 triệu ha rừng trồng, có thể cung cấp được trên 30 triệu m3 gỗ/năm cho hoạt động chế biến và xuất khẩu các sản phẩm gỗ. Đặc biệt là thị trường nội địa với dân số gần 100 triệu dân là thị trường tiềm năng, có lợi thế cạnh tranh cho ngành công nghiệp chế biến gỗ nước ta tiếp tục phát triển.

2 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 2,68 tỷ USD, tăng 47% so cùng kỳ năm 2023. Ảnh: V.Đ.T.

2 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 2,68 tỷ USD, tăng 47% so cùng kỳ năm 2023. Ảnh: V.Đ.T.

“Năm 2024, ngành gỗ Việt đặt mục tiêu đạt giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 15,2 tỷ USD; trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ là trên 14,2 tỷ USD, tăng khoảng 6% so năm 2023. Trong 2 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 2,68 tỷ USD, tăng 47% so cùng kỳ năm 2023”, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, cho hay.

Giải pháp vượt qua thách thức

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nhận diện những thách thức mà ngành gỗ phải đối mặt trong năm 2024: Về thách thức, bên cạnh các quy định về nguồn gốc gỗ nguyên liệu ngày càng chặt chẽ, chính sách phòng vệ thương mại của Mỹ đang sửa đổi, bổ sung tổng cộng 22 nội dung liên quan một số quy định trong điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp, bao gồm cả những cách xác định 1 số trợ cấp mới như bảo hiểm xuất khẩu, xóa nợ và thuế trực tiếp… cũng dang làm khó các doanh nghiệp gỗ trong nước.

Giá dăm gỗ đã giảm từ 195 USD/tấn năm 2022 xuống còn 135 USD/tấn vào năm 2023. Ảnh: V.Đ.T.

Giá dăm gỗ đã giảm từ 195 USD/tấn năm 2022 xuống còn 135 USD/tấn vào năm 2023. Ảnh: V.Đ.T.

Tác động của khí nhà kính nhằm bổ sung cho chính sách thương mại nằm trong dự luật do các nghị sĩ Mỹ yêu cầu nước này cho tiến hành nghiên cứu cường độ phát thải đối với sản xuất một số hàng hóa bên trong và ngoài nước Mỹ. Quy chế chống mất rừng của EU cuối năm 2024 sẽ có hiệu lực. Thị trường Ấn Độ áp dụng tiêu chuẩn đánh giá nhà máy mới, tiêu chuẩn BIS đã áp dụng từ đầu năm 2024 cũng gây khó không ít cho doanh nghiệp Việt. Đối với thị trường Canada thì tỷ giá đồng tiền thấp hơn so với USD, khiến hàng hóa Việt Nam khó cạnh tranh và lợi thế về thuế quan mà Hiệp định đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương mang lại sẽ dần mất. Nhật Bản thì yêu cầu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường nước này phải sử dụng gỗ nguồn có nguồn gốc rõ ràng.

“Chúng tôi đề nghị Bộ NN-PTNT và các cơ quan liên quan cập nhật thông tin về những yêu cầu của những thị trường xuất khẩu và có những hướng dẫn cụ thể, nhằm giúp các doanh nghiệp ngành gỗ đáp ứng được các yêu cầu của thị trường xuất khẩu, giảm tác động tiêu cực”, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, kiến nghị.

Sau khi nghe các cơ quan liên qua báo cáo và nghe ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp ngành gỗ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị, yêu cầu hàng quý, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng như hiệp hội các tỉnh cùng với Bộ NN-PTNT chia sẻ những thông tin mới về cơ chế chính sách. Bộ NN-PTNT sẽ lắng nghe ý kiến các hiệp hội, doanh nghiệp để nhận diện những khó khăn, tồn tại, vướng mắc để cùng nhau tìm giải pháp khắc phục.

Xuống hàng dăm gỗ xuất khẩu. Ảnh: V.Đ.T.

Xuống hàng dăm gỗ xuất khẩu. Ảnh: V.Đ.T.

“Điều đáng mừng là trong năm qua, tổng nguyên liệu phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam đạt khoảng 42 triệu khối; trong đó, gỗ rừng trồng tập trung là khoảng 22 triệu khối, trong đó có khoảng 9 triệu khối gỗ cao su đến tuổi thanh lý, gỗ nguyên liệu nhập khẩu chỉ khoảng 8 triệu khối. Như vậy, ngành gỗ Việt đã chủ động nguồn gỗ nguyên liệu đến 80%. Tất nhiên, nhu cầu gỗ nguyên liệu có chất lượng chúng ra chưa đáp ứng được, nhưng những loại gỗ thông thường thì cơ bản đã đáp ứng được”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị, chia sẻ.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị, hiện ở Việt Nam có khoảng 500.000ha rừng trồng đã được cấp chứng chỉ, riêng năm 2023 có 65.000ha rừng trồng được cấp, chứng chỉ rừng của Việt Nam cơ bản đã được các nước chấp nhận.

“Tương lai không xa, các doanh nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam cũng phải đo đếm lượng phát thải khí nhà kính, nên ngay từ bây giờ phải tính toán để làm sao giảm phát thải đến mức thấp nhất. Muốn được như vậy, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp phải chủ động kết nối với người trồng rừng để có nguồn nguyên liệu có nguồn gốc, tích hợp đa giá trị, sản xuất theo chuỗi để nâng cao giá trị sản phẩm. Ngoài kịp thời thông tin cho nhau các chính sách, quy định mới, các hiệp hội, doanh nghiệp cũng cần chia sẻ với nhau các kỹ năng né tránh rủi ro để cùng nhau sánh bước thăng tiến”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị yêu cầu.

Hiện ở Việt Nam có khoảng 500.000ha rừng trồng đã được cấp chứng chỉ. Ảnh: V.Đ.T.

Hiện ở Việt Nam có khoảng 500.000ha rừng trồng đã được cấp chứng chỉ. Ảnh: V.Đ.T.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cũng yêu cầu các hiệp hội, doanh nghiệp ngồi lại với nhau để bàn cách xuất khẩu trực tiếp mặt hàng gỗ, không qua trung gian để giảm thất thoát. Đồng thời đề nghị các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT như Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Vụ Hợp tác quốc tế phối hợp với các đơn vị của Bộ Công thương, Bộ Tài chính để giải quyết các vướng mắc của ngành gỗ Việt đối với thị trường quốc tế.

“Các đơn vị nói trên đồng thời chủ trì, phối hợp với EU  để sửa đổi Hiệp định đối tác tự nguyện Việt Nam - EU sao cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay, nhiều nội dung trong đó cần phải sửa đổi và sớm có kế hoạch đàm phán với Anh về hiệp định đối tác tự nguyện, vì nước Anh đã ra khỏi EU để đưa sản phẩm gỗ của Việt Nam sang nước này”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh.

Xem thêm
Gần 6.400 hộ dân huyện Trạm Tấu ký cam kết bảo vệ rừng

YÊN BÁI Các vụ cháy rừng ở Trạm Tấu chủ yếu do bất cẩn của người dân khi xử lý thực bì bằng lửa, vì vậy việc đốt nương làm rẫy đang được quản lý chặt chẽ.

Trồng 33.000 cây xanh tại Vườn quốc gia Xuân Sơn

Các đơn vị trồng mới 33.000 cây, trong đó 3.000 cây bản địa (cây mỡ) và 30.000 cây keo tại vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Sơn.

Cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa bị cụt chi trước

HÀ NỘI Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã bàn giao 5 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm