| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu ván bóc giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Thứ Hai 04/03/2024 , 16:05 (GMT+7)

LÀO CAI Các xưởng sản xuất ván bóc cho thị trường Trung Quốc tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn, đồng thời gia tăng kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ...

Người dân nông thôn Bảo Thắng có thêm thu nhập từ việc phơi ván bóc. Ảnh: Hải Đăng.

Người dân nông thôn Bảo Thắng có thêm thu nhập từ việc phơi ván bóc. Ảnh: Hải Đăng.

Phơi ván bóc cũng có tiền

Từ đầu năm đến nay, thị trường ván bóc không quá sôi động song các cơ sở bóc gỗ vẫn đều đặn sản xuất mặt hàng này. Mỗi cơ sở sản xuất ván bóc giải quyết việc làm cho 5-10 lao động tại địa phương. Kéo theo ngành hàng này, hàng trăm nhân lực nhàn rỗi có thêm công ăn việc làm nhờ nhận phơi ván bóc.

Hai bên tuyến đường vào tổ dân phố 2 thuộc thị trấn Nông trường Phong (huyện Bảo Thắng, Lào Cai), ván bóc được tãi đều, xếp lớp trải dài hàng trăm mét. Các hộ dân tại đây nhận ván bóc từ các cơ sở sản xuất rồi mang phơi khô và bàn giao lại cho họ để lấy tiền công. 

Ông Trần Văn Dũng ở tổ dân phố 2 cho biết, 'các cháu đi làm còn vợ chồng tôi ở nhà nhận thêm việc này. Một bó 40 tàu, 37 bó là một khối ván bóc'. 

Cũng theo người đàn ông này, gia đình nào có đất, sân rộng thì có thể nhận được nhiều việc hơn hoặc có thể thuê đất để phơi ván bóc. Tuy nhiên, công việc cũng phụ thuộc vào đơn hàng của người sản xuất.  Thời điểm giữa năm 2023, họ phải 'chơi dài' đến gần 3 tháng vì không có việc, hàng hóa không xuất đi được. 

Tương tự, ông Nguyễn Văn Cường cùng tổ dân phố 2 cho hay, ở đây không có nhiều việc để làm vì vậy việc phơi gỗ bóc của xưởng đây giúp dân chúng tôi có thu nhập. Cùng với việc chăn nuôi, trồng rau thì cũng đủ sống. Ở đây, dân có sân, có nhà kho đều tận dụng chứa ván bóc. Không làm thì lấy gì sinh sống hằng ngày.

Công việc phơi ván bóc có vẻ nhàn nhã vì không quá nặng nhọc nhưng việc bê những bó ván bóc rồi tách ra phơi, chiều lại thu về tốn không ít thời gian. Thời tiết thuận lợi, ván bóc khô rất nhanh. Vất vả nhất là hôm trời đổ mưa bất chợt, nếu không thu kịp số ván bóc đem phơi thì coi như công sức đổ xuống sông, xuống biển. 

Tuy vậy, trung bình mỗi hộ có thể nhận phơi được 2-3 khối ván bóc một lần. Mỗi khối ván bóc, họ được trả công 100 nghìn đồng. Sáng tãi ra phơi, chiều thu vào, khoảng 2-3 ngày ván bóc sẽ khô, nên thu nhập trong một tháng của họ tương đối ổn định. 

Bà Lê Thoa cho biết, 'tôi nhận phơi ván bóc. Các cơ sở họ chở đến mình nhận rồi mang phơi đến khi khô thì gọi người ta đến chở đi. Mỗi tháng thu nhập từ việc phơi ván bóc cũng được khoảng 4-5 triệu đồng.

Sản xuất ván bóc tạo thêm việc làm cho người dân địa phương. Ảnh: Hải Đăng.

Sản xuất ván bóc tạo thêm việc làm cho người dân địa phương. Ảnh: Hải Đăng.

Xuất khẩu cho thị trường Trung Quốc

Các cơ sở sản xuất ván bóc trên địa bàn tỉnh Lào Cai chủ yếu nằm ở huyện Bảo Thắng và huyện Bảo Yên. Đây là 2 huyện có diện tích rừng sản xuất lớn và có nguồn nguyên liệu ổn định là các loại cây gỗ mỡ, gỗ tạp… được trồng từ nhiều năm trước. 

‘Từ đầu năm đến nay, người dân sẽ đi trồng ngô, trồng sắn… nên nguồn nguyên liệu đầu vào cho cơ sở sản xuất còn hạn chế, chủ yếu là gỗ tồn nhập từ trước Tết. Từ tháng 3 trở đi công việc sẽ chạy hơn tuy nhiên đầu ra phụ thuộc vào hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc’, ông Nguyễn Văn Đại, chủ cơ sở sản xuất ván bóc ở Phong Hải cho hay. 

Xưởng nhà ông Đại có khoảng 10 thợ làm chính. Theo những người thợ tại xưởng này, mỗi ngày họ bóc khoảng 22 khối gỗ. Thu nhập của họ dao động trong khoảng 7-10 triệu đồng mỗi tháng, tùy thuộc sản lượng gỗ bóc được.

Ông Phạm Văn Biên, chủ cơ sở sản xuất ván bóc ở Xuân Quang (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) hiện duy trì khoảng 40 lao động. Vì mặt bằng của xưởng còn hạn chế nên phải thuê những hộ dân xung quanh phơi ván bóc tại nhà. Qua đó, tạo việc làm cho người dân địa phương đồng thời giảm đầu tư, thuê, mở rộng mặt bằng của xưởng.

Chuyến xe lấy ván bóc ở các cơ sở sản xuất để xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Hải Đăng.

Chuyến xe lấy ván bóc ở các cơ sở sản xuất để xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Hải Đăng.

‘Cứ khoảng vài ngày, xưởng sẽ đưa xe đến giao ván bóc mới cho các hộ dân này và thu ván bóc đã phơi khô cho đơn vị thu mua để xuất khẩu đi Trung Quốc. Giờ mới đầu năm chưa thể đánh giá được tình hình thị trường ván bóc, tuy nhiên vẫn kỳ vọng thị trường sẽ tiến triển hơn so với 2023. Hiện nay, số lượng ván bóc của xưởng có bao nhiêu đều giao được hết tuy nhiên tiền thu về có quay vòng nhanh được không còn phụ thuộc đối tác. Khi họ có tiền họ chuyển trả tiền trước, có khi họ lại nợ một vài chuyến’, ông Phạm Văn Biên cho biết.  

Được biết, mặt hàng ván bóc hiện đang được các đơn vị xuất khẩu tại Lào Cai thu mua tại các xưởng sản xuất với giá khoảng 2,2 triệu đồng/khối, tùy thuộc chất lượng. Xuất khẩu ván bóc có thể chưa sôi động trở lại song mặt hiện tương đối ổn định, tạo được công việc làm ở nông thôn và duy trì bạn hàng. 

Ông Nguyễn Tiến Kỳ, thương nhân làm mặt hàng ván bóc xuất khẩu cho hay, ’mặt hàng ván bóc hiện đang duy trì bạn hàng và công nợ, kỳ vọng thời gian tới nhu cầu thị trường Trung Quối đối với mặt hàng này sẽ được cải thiện, thuận lợi hơn cho người sản xuất ở Lào Cai. Chi phí mỗi xe chở ván bóc từ các huyện của tỉnh Lào Cai trong bán kính 30-40km xuất sang Trung Quốc khoảng 10 triệu đồng. Có thể sáng đi chiều về, không bị thời gian lưu xe trong bãi. Do đó, ván bóc của Lào Cai chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc thay vì bán cho các đơn vị dưới xuôi hoặc đóng công cảng như các cơ sở sản xuất ở Yên Bái, Phú Thọ’.  

Ông Phạm Văn Tuấn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bảo Thắng (Lào Cai) cho biết, trên địa bàn huyện hiện quản lý 103 cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản, trong đó 54 cơ sở chế biến ván bóc; còn lại 47 cơ sở chế biến đồ mộc gia dụng, nội thất. Hạt Kiểm lâm Bảo Thắng đã đơn vị đã xây dựng kế hoạch, thành lập tổ công tác kiểm tra các cơ sở chế biến lâm sản (2 lần/năm); hướng dẫn các cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản thực hiện các quy định tại Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ NN-PTNT về quản lý truy xuất nguồn gốc lâm sản và các quy định khác. 

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.