| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu tàu cá khai thác vùng biển Thái Bình Dương

Thứ Hai 26/08/2019 , 09:01 (GMT+7)

Một doanh nghiệp tại TPHCM vừa đưa ra đề xuất đầy táo bạo, đó là mua lại tàu cá của ngư dân để xuất khẩu sang một số quốc đảo, tiến hành khai thác thủy, hải sản tại đây.

Doanh nghiệp tiên phong

Liên quan tới đề án “Phát triển nghề khai thác viễn viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển một số nước”, Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục thủy sản, Bộ NN-PTNT) vừa có buổi làm việc với Cty XNK Hoàng Kim Việt, đơn vị đi tiên phong trong việc đưa ngư dân tới các ngư trường thuộc đảo quốc Thái Bình Dương để khai thác.

Ông Võ Minh Hùng, Tổng giám đốc Cty XNK Hoàng Kim Việt cho biết, doanh nghiệp hiện có 7 tàu cá, khai thác hải sản tại vùng biển nam Thái Bình Dương. Ngoài trụ sở chính tại TPHCM, Hoàng Kim Việt đã xúc tiến thành lập 2 Cty con tại 2 quốc đảo là Solomon và Vanuatu. Theo ông Hùng, Chính phủ các quốc đảo này hiện chấp nhận cho các tàu sắt hoặc tàu composite (tàu gỗ phải bọc composite), có hệ thống định vị được hoạt động khai thác trên biển.

16-37-50_vo_minh_hung
Ông Võ Minh Hùng, Tổng giám đốc Cty XNK Hoàng Kim Việt.

Solomon và Vanuatu là hai quốc đảo có ngư trường rộng lớn, nguồn lợi thủy sản phong phú trong khi cư dân cộng lại chỉ khoảng 900 nghìn người. Đây là cơ hội rất lớn cho Việt Nam để mở rộng ngư trường khai thác. Tại Solomon, doanh nghiệp này đã được Chính phủ nước sở tại cấp giấy phép khai thác, chế biến và xuất khẩu hải sâm. Điều đáng nói, từ tháng 1/2019, doanh nghiệp đã đầu tư nhiều tỷ đồng, đưa 30 ngư dân miền Trung cập bến Solomon để khai thác hải sâm.

Ngày 6/5 vừa qua, 2 container hải sâm đầu tiên nguồn gốc Solomon đã được xuất về Việt Nam – đánh một dấu mốc quan trọng của việc mở rộng ngư trường khai thác. Tổng sản lượng hải sâm đã khai thác khoảng gần 20 tấn các loại.

Cũng trong tháng 5/2019, sau một năm thành lập tại quốc đảo Vanuatu, doanh nghiệp này đã chính thức được cấp phép khai thác hải sâm. Ông Hùng cho biết, từ tháng 11/2019, sẽ tiếp tục tổ chức khai thác hải sản tại Solomon, Vanuatu, Tuvalu và Kiribati. Từ 2020 trở đi, tổ chức khai thác hải sản tại các nước Marshall Islands, Nauru, Samoa.

Vị này cũng cho biết, việc khai thác nguồn lợi thủy sản tại các quốc đảo này cũng đang gặp khó khăn, thách thức. Phương tiện đánh bắt tại các nước sở tại rất thô sơ, trong khi vùng biển khai thác rộng lớn. Nhân lực và thiết bị hỗ trợ đánh bắt, khai thác và chế biến còn thiếu thốn.

Do khoảng cách địa lý rất xa Việt Nam, nên chi phí đầu tư và triển khai khai thác rất lớn. Sản phẩm khai thác xong đưa về Việt Nam theo diện nhập khẩu nên rất phức tạp về mặt thủ tục. Nguyên nhân là các quốc đảo này hiện chưa ký kết hợp tác thương mại với Việt Nam.
 

Đề xuất táo bạo

Tại buổi làm việc với ngành NN-PTNT, đại diện Cty Hoàng Kim Việt đề xuất Nhà nước phép cho doanh nghiệp được xuất khẩu tàu thuyền và nhân lực (ngư dân) đến các nước sở tại mà công ty được phép khai thác và đánh bắt.

Cụ thể, doanh nghiệp sẽ mua lại các tàu cá của ngư dân Việt Nam, sau đó cắt đăng kiểm, nhập vào các Cty con thành lập trước đó tại Solomon và Vanuatu. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm mời các nước nhập khẩu qua Việt Nam kiểm tra chất lượng, hướng dẫn thủ tục trước khi xuất khẩu tàu cá.

16-37-50_30_ngu_dn_ti_solomon
30 ngư dân miền Trung khi mới đặt chân tới quốc đảo Solomon.

Theo ông Hùng, rất nhiều ngư dân đang mong đợi được đi xuất khẩu, đánh bắt thủy hải sản tại các quốc gia này. Ông Hùng cũng đề nghị Nhà nước hỗ trợ các chi phí để đưa tàu thuyền và ngư dân đến các nước sở tại. Cụ thể như hỗ trợ chi phí nhiên liệu, chi phí bảo hiểm tàu, con người.

Ông Nguyễn Phú Quốc, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản đánh giá rất cao những việc làm hiệu quả của Cty Hoàng Kim Việt, doanh nghiệp đang tự tìm đường đi cho riêng mình. Ông Quốc khẳng định, ngành thủy sản sẽ có trách nhiệm để tham mưu Bộ NN-PTNT, Chính phủ đàm phán làm việc với các nước để hợp tác khai thác thủy sản. Ông Quốc đề nghị Cty Hoàng Kim Việt tuân thủ quy định của nước sở tại. Riêng phía Việt Nam sẽ khuyến khích và hỗ trợ hoàn toàn, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp thực hiện.

Tuy nhiên, hiện tại đề xuất này của doanh nghiệp chưa nằm trong đề án được phê duyệt của Chính phủ. Nên khi thực hiện, doanh nghiệp không được hưởng toàn bộ ưu đãi theo đề án. Đại diện Vụ Khai thác thủy sản cũng gợi ý doanh nghiệp, ngoài khai thác, có thể nhập hàng hóa của ngư dân bản địa, đưa về Việt Nam để gia tăng giá trị kinh tế.

Theo đề án, Nhà nước sẽ cấp phép tàu thuyền đi nước ngoài khai thác theo thời hạn cụ thể. Ngành NN-PTNT sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất đưa tàu, ngư dân đi mở rộng ngư trường khai thác. Các kiện hàng sau khi xuất về Việt Nam sẽ được miễn thuế nhập khẩu. Ông Quốc cũng khẳng định, nếu việc làm mang lại hiệu quả, đơn vị sẽ báo cáo Bộ trưởng NN-PTNT, trình Chính phủ sửa đổi đề án sao cho hiệu quả, phù hợp nhất với thực tế.

Để đi tới các quốc đảo như Solomon, Vanuatu, nếu đi bằng đường hàng không sẽ phải quá cảnh tại hai quốc gia là Singapore và Papua NewGhine. Còn đi bằng tàu biển sẽ mất khoảng 20 ngày.

Ông Hùng cho biết, dù đánh bắt tại chỗ, nhưng các quốc đảo này kiểm soát hàng hóa tương đối nghiêm ngặt. Thủy, hải sản trước khi xuất về Việt Nam, doanh nghiệp phải có văn bản báo cáo Bộ Thủy sản, Hải quan. Sau khi kiểm tra, Bộ Thủy sản cấp một bộ hồ sơ gồm giấy kiểm dịch, xuất xứ hàng hóa… mới có thể thông quan.

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.

Bình luận mới nhất