Lần đầu tiên xuất khẩu cá ngừ vượt 1 tỷ USD
Năm 2022, giá trị xuất khẩu thủy sản lần đầu đạt 11 tỷ USD (tăng gần 24% so với năm 2021). Trong đó kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ đạt 4,1-4,2 tỷ USD (tăng khoảng 13%); cá tra đạt 2,35 tỷ USD (tăng khoảng 70%). Đây cũng là năm đầu tiên xuất khẩu cá ngừ đại dương của Việt Nam vượt mốc 1 tỷ USD; xuất khẩu thủy sản nuôi biển 100 triệu USD.
Các chỉ tiêu đều đạt vượt mức Chiến lược xây dựng và phát triển ngành thủy sản đề ra. Tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản tăng 3% so với năm 2021.
Ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, để có được thành quả trên, ngay từ cuối năm 2021, Bộ NN-PTNT, Tổng cục Thủy sản đã có văn bản hướng dẫn các địa phương chuẩn bị vùng nuôi, chuẩn bị nguyên liệu, kết nối với các nhà máy để chủ động nguồn hàng dồi dào. Bởi vậy, thời điểm quý I và quý II/2022, khi dịch bệnh Covid-19 lắng xuống, các thị trường có nhu cầu thủy sản rất lớn và Việt Nam đã tranh thủ được cơ hội này để “bung hàng”.
Thứ hai, việc chỉ đạo sản xuất trong nước ngày càng hoàn thiện để đáp ứng được yêu cầu của các nhà nhập khẩu, đặc biệt là tổ chức sản xuất để có quy mô sản xuất lớn hơn, hàng hóa được công khai minh bạch tất cả các tiêu chí.
Thứ ba, các mô hình chúng ta chuyển giao công nghệ nuôi an toàn, truy xuất nguồn gốc có kết quả tốt và nhân rộng nhanh chóng. Chính vì vậy, ngay trong sản xuất của chúng ta đã có tiến bộ vượt bậc. Khi có nguồn cung dồi dào, Bộ NN-PTNT, Tổng cục Thủy sản và các đơn vị liên quan phối hợp thông tin thị trường cùng hiệp hội các ngành hàng để tìm kiếm thị trường xuất khẩu.
Ông Luân cũng chia sẻ: “Ở những thời điểm giá dầu tăng cao, chúng ta đã bàn đến việc đưa nguyên liệu trong nước sản xuất thức ăn thủy sản để giảm chi phí; hướng dẫn các chủ tàu sửa chữa tàu thuyền hoặc chuyển sang nghề ít sử dụng nguyên liệu, thân thiện hơn với môi trường, nên hiệu quả kinh tế được duy trì”.
Đối với ngành hàng cá tra, điểm nhấn lớn nhất trong năm 2022 là chúng ta rất chủ động về nguyên liệu. Hoạt động chế biến đã thích ứng nhất định với nhu cầu thị trường thông qua việc đa dạng hóa sản phẩm. Vấn đề khủng hoảng thừa - thiếu của ngành hàng cá tra trong năm vừa qua đã được kiểm soát tốt hơn.
Đối với ngành hàng tôm, ông Trần Đình Luân cho biết, nhờ dự báo sớm và đúng, chúng ta đã chuẩn bị kỹ lưỡng nguồn tôm bố mẹ, vùng nguyên liệu, quy trình công nghệ nuôi và kiểm soát rất tốt việc sử dụng hóa chất, tăng sử dụng vi sinh, tăng quy trình nuôi sạch và đặc biệt là có nhiều trang trại quy mô lớn, đáp ứng được lượng hàng có giá trị gia tăng cao. Đây là những nền tảng tốt để ngành tôm của Việt Nam có vị thế cao và chiếm lĩnh thị trường, duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu.
Ngoài tôm và cá tra, ngành thủy sản Việt Nam lần đầu tiên ghi nhận giá trị xuất khẩu cá ngừ vượt trên 1 tỷ USD. Việc kiểm soát cá ngừ và chế biến của chúng ta hiện nay khá tốt.
“Trong thời gian vừa qua, chúng ta cũng đã có những tiến bộ kỹ thuật để bảo quản, có hướng dẫn kỹ thuật và tạo liên kết để vừa khai thác, vừa vận chuyển cá ngừ đến nhà máy được tốt hơn, truy xuất nguồn gốc rõ ràng”, ông Luân nói.
Xuất khẩu trên 100 triệu USD từ nuôi biển
Những mặt hàng khác như bạch tuộc, cua, mực, tôm hùm, ghẹ, nhuyễn thể, rong biển hiện nay cũng là thế mạnh của Việt Nam.
Ngành thủy sản đã tổ chức rất nhiều hội nghị, hội thảo theo từng lĩnh vực, từng đối tượng nuôi tiềm năng. Trong đó có hội nghị chuyên sâu về rong biển và khai thác mặt nước các hồ chứa để nuôi cá mè, cá rô phi và các loài cá đặc sản.
Đặc biệt, nhiều đối tượng mới đưa vào mở rộng quy mô sản xuất nhưng chúng ta đã có các sản phẩm chế biến sâu, như chả cá rô phi, cá mè; nước sốt để phục vụ chế biến thực phẩm từ cá rô phi, thịt cá mè chế biến sasimi…
Nhiều doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào lĩnh vực nuôi biển, nhất là nuôi trồng rong biển và cá biển. Theo ông Trần Đình Luân, mặc dù đến 4/10/2021 Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Quyết định số 1664 phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tuy nhiên, chúng ta đã xuất khẩu được trên 100 triệu USD từ nuôi biển. Thành quả bước đầu có thể nhận thấy, Việt Nam có lợi thế về nuôi biển trong thời gian tới.
Ông Luân cho biết, rút kinh nghiệm từ các mô hình sản xuất nhỏ lẻ trước đây, chúng ta cần phải lựa chọn các mô hình đầu tư phù hợp và hình thành liên kết giữa các chuỗi trong ngành nuôi cá biển từ dịch vụ đầu vào (như sà lan cho cá ăn, máy cho ăn, camera giám sát, nhà máy chế biến thức ăn đến vùng sản xuất giống, các doanh nghiệp sản xuất giống lớn, vùng nuôi, nhà máy chế biến, kênh tiêu thụ. Nói cách khác, chúng ta đang hướng tới liên kết chuỗi rất bài bản, chuyên nghiệp và trọn vẹn.
“Đối với thức ăn chăn nuôi, chúng tôi đề nghị các doanh nghiệp cùng các cơ quan quản lý, nhà nghiên cứu cùng phối hợp, cho ra đời các công thức thức ăn tốt nhất phục vụ nuôi biển. Hay đối với quản lý về môi trường, giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ, phối hợp để đảm bảo sức tải của môi trường cho trước mắt và lâu dài”, ông Luân nêu ví dụ.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản tin tưởng rằng, với bài học kinh nghiệm đúc rút từ nhiều năm, khi phát triển sang đối tượng nuôi mới thì cách tiếp cận của chúng ta sẽ khác và phù hợp với tình hình mới cũng như Chiến lược phát triển của ngành.
Vừa qua, Trung Quốc đã mở cửa thị trường trở lại và nới lỏng biện pháp kiểm soát Covid-19. Đây là lợi thế của chúng ta đối với các sản phẩm tươi sống như tôm hùm, cá song, cá mú, các loại cá biển và nhuyễn thể có giá trị kinh tế cao. Vừa qua chúng ta cũng đã cố gắng để đưa tôm sống sang Trung Quốc.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng có nhu cầu sử dụng các sản phẩm thủy sản chế biến rất lớn, tuy nhiên chúng ta chưa có nhiều nghiên cứu về thị hiếu tiêu dùng của thị trường này. Do đó, các cơ quan ngoại giao, cơ quan quản lý, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp nên đẩy mạnh nghiên cứu cùng nhau để có những sản phẩm chế biến phù hợp hơn với khẩu vị của người Trung Quốc.
Bên cạnh đó, cần phải tuân thủ quy định về cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến, đóng gói và sự minh bạch về chất lượng của sản phẩm, thì chúng ta mới vượt qua được “hàng rào” kỹ thuật của thị trường 1,4 tỷ dân này.
“Mong muốn của chúng tôi trong năm 2023 là duy trì xuất khẩu thủy sản khoảng 10 tỷ USD. Chúng tôi đặt ra con số khá khiêm tốn, vì trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn cũng như cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, khả năng chi tiêu của người tiêu dùng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều, nhất là sau mùa đông ở châu Âu. Chính vì vậy, ngành hàng cá tra (nằm ở phân khúc thấp so với các ngành hàng thủy sản) sẽ có cơ hội phát triển tốt và duy trì xuất khẩu ổn định.
Trong khi đó, ngành hàng tôm sẽ gặp khó khăn hơn do nằm ở phân khúc giá trị cao. Cá ngừ thì cơ bản sẽ duy trì được giá trị xuất khẩu như năm 2022.
Với việc mở cửa của thị trường Trung Quốc, chúng tôi hy vọng thị trường này sẽ bù đắp lại sự sụt giảm ở các thị trường khác. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần đa dạng hóa sản phẩm, tìm kiếm những thị trường mới và quay lại hoàn thiện quy trình sản xuất trong nước và công khai minh bạch truy xuất nguồn gốc, chất lượng. Đây là những vấn đề then chốt, không phải ngày một ngày hai mà chúng ta phải làm liên tục trong nhiều năm để có một thương hiệu mạnh về thủy sản Việt Nam, phát triển bền vững”, ông Trần Đình Luân.