| Hotline: 0983.970.780

Trung Quốc mở cửa khẩu: Cơ hội xuất khẩu nông sản bứt tốc

Thứ Hai 09/01/2023 , 13:41 (GMT+7)

Việc Trung Quốc bỏ các quy định kiểm soát ngặt nghèo đối với hàng nhập khẩu đang được nhiều ngành hàng nông sản kỳ vọng đẩy mạnh xuất khẩu trở lại vào thị trường này.

Hoi cho bac my - anh 1

Cá tra Việt Nam nhiều kỳ vọng vào thị trường Trung Quốc trong năm nay.

Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Việt Nam (VASEP), cho biết, trong năm 2022, dù thực hiện chính sách "Zero Covid", nhưng Trung Quốc vẫn là một trong những thị trường tăng trưởng mạnh nhất của ngành thủy sản Việt Nam.

Cụ thể, trong cả năm 2022, thị trường Trung Quốc - Hongkong đã mang về trên 1,8 tỷ USD cho ngành thủy sản Việt Nam, tăng 59% so với năm 2021. Với giá trị như trên, năm 2022 cũng là năm đầu tiên mà Trung Quốc vượt qua Nhật Bản để trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam.

Không chỉ tăng mạnh nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam, trong năm qua, Trung Quốc cũng đẩy mạnh nhập khẩu từ nhiều nguồn cung khác bởi nguồn cung nội địa đã bị gián đoạn và hạn chế trong mấy năm qua vì chính sách "Zero Covid", trong khi nhu cầu tiêu thụ của 1,5 tỷ dân vẫn đang tăng lên. Riêng về nhập khẩu tôm, chỉ trong 11 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu tôm vào Trung Quốc đã lần đầu tiên vượt mốc 5 tỷ USD.

Ông Cui He, lãnh đạo Hiệp hội Tiếp thị và Chế biến sản phẩm thủy sản Trung Quốc (CAPPMA), nhận định, tiêu dùng thủy sản ở Trung Quốc sẽ phục hồi, tăng trưởng và dự kiến sẽ hoàn toàn trở lại bình thường trước Lễ hội mùa xuân vào 22/1/2023. Tiêu thụ thủy sản ở Trung Quốc được kỳ vọng trở lại bình thường trước tết Nguyên đán năm nay, vì hầu hết hải sản được tiêu thụ tại các nhà hàng và khách sạn.

Chính vì vậy, khi Trung Quốc bỏ các quy định kiểm soát ngặt nghèo đối với hàng nhập khẩu như xét nghiệm, khử trùng và kiểm dịch, sẽ giải tỏa một ách tắc lớn, mở rộng cửa hơn cho xuất khẩu thủy sản sang thị trường đông dân nhất thế giới này.

Tháng 12/2022, trong khi xuất khẩu thủy sản sang hầu hết các thị trường và khối thị trường đều sụt giảm thì xuất khẩu sang Trung Quốc - Hongkong vẫn tăng 17%, qua đó mở ra tín hiệu lạc quan về thị trường này trong thời gian tới.

Trong các mặt hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, cá tra đang là một trong những mặt hàng có kỳ vọng lớn nhất khi việc nới lỏng chính sách kiểm soát Covid sẽ thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu tiêu thụ thực phẩm và thủy sản của thị trường Trung Quốc. Dự báo các dịch vụ thực phẩm như khách sạn, nhà hàng, căng tin… ở Trung Quốc sẽ bùng phát nhu cầu trở lại từ tết Quý Mão.

Trung Quốc hiện đang là thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam. Năm 2022, hơn 160 doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu các mặt hàng cá tra sang Trung Quốc, mang về doanh số hơn 700 triệu USD, chiếm 29% tổng giá trị xuất khẩu cá tra cả nước.

Vào tuần cuối cùng của năm 2022, giá cá tra nguyên liệu tại An Giang giao dịch ở mức 28.000 đ/kg. Các giao dịch chủ yếu là các công ty thu mua cá size lớn từ 1,2kg để đi thị trường Trung Quốc.

Ở ngành hàng sắn, thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho hay, trong những ngày qua, tốc độ giao hàng tinh bột sắn tại Lạng Sơn và Móng Cái được đẩy nhanh, lượng hàng tinh bột sắn giao qua các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc tăng do nước này nới lỏng biện pháp phòng dịch Covid-19.

Hiện đã có nhiều đơn đặt hàng của Trung Quốc phục vụ cho nhu cầu trong tết Quý Mão do nguồn hàng sắn tồn kho tại Trung Quốc giảm, đồng thời các thương lái Trung Quốc cũng kỳ vọng sự bứt tốc trở lại sau thời kỳ bị kìm hãm bởi dịch Covid-19. Do có nhiều đơn đặt hàng từ Trung Quốc cộng với thời tiết thuận lợi cho việc phơi sắn lát, trong những ngày gần đây, lượng sắn lát Lào và Campuchia nhập khẩu vào Việt Nam tăng dần.

Ông Phùng Văn Sâm, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hanfimex Việt Nam, bày tỏ hy vọng sau khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch Covid, toàn bộ nền kinh tế nước này bắt đầu là dần dần là sẽ có cái niềm tin cho các nhà sản xuất, cho các nhà phân phối.

Đặc biệt, Trung Quốc là một nước rất đông dân và người Trung Quốc rất hay đi du lịch. Sau hơn 2 năm không thể đi du lịch vì Covid, người Trung Quốc sẽ đi du lịch nhiều hơn trong thời gian tới, dẫn đến nhu cầu hạt điều phục vụ khách du lịch tăng lên, qua đó thúc đẩy xuất khẩu hạt điều Việt Nam sang thị trường này.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Việt Nam đang là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc, sau Thái Lan. Trong 10 tháng năm 2022, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cao su lớn nhất thế giới, đạt 10,14 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, nhập khẩu cao su của Trung Quốc từ Việt Nam đạt 1,69 tỷ USD, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 16,7% trong tổng trị giá nhập khẩu cao su của thị trường này, cao hơn so với mức 14,9% của cùng kỳ năm 2021.

Việc Trung Quốc dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch Covid-19, sẽ hỗ trợ xuất khẩu cao su của Việt Nam khi nhu cầu thị trường này phục hồi và giá cao su cũng có khả năng phục hồi.

Xem thêm
Vùng nuôi ngao 500ha ven biển huyện Nghĩa Hưng đạt chuẩn quốc tế ASC

Nam Định Vùng nuôi ngao 500ha tại các xã ven biển của huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) được chứng nhận áp dụng nuôi ngao bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế ASC.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Trung Quốc tiêu thụ 4 tỷ quả dừa mỗi năm và cơ hội cho dừa Việt

BẾN TRE Đại diện Vina T&T Group chia sẻ những thuận lợi, thách thức ngành hàng dừa Việt Nam đối mặt khi chinh phục thị trường tỷ dân Trung Quốc.

Tháp đôi Prime Thái Nguyên mừng tân gia, chào đón giáng sinh và năm mới 2025

Năm 2025 sắp gõ cửa, mang theo những hy vọng và ước mơ mới. Năm 2024, Tháp đôi Prime vui mừng chào đón những cư dân đầu tiên về sinh sống tại toà nhà.