Thu hoạch thủy sản ở ĐBSCL. |
Theo VASEP, trong 6 tháng đầu năm nay, ước tính xuất khẩu tôm đạt kim ngạch 1,455 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu tôm giảm 11,1%, nhưng mức giảm đã thấp hơn. Kim ngạch xuất khẩu tôm giảm là nguyên nhân chính ảnh hưởng tới xuất khẩu chung của cả ngành thủy sản. Ước tính trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản đạt 3,95 tỷ USD, giảm gần 1% so với cùng kỳ 2018.
Nửa đầu năm nay, giá tôm xuất khẩu tiếp tục thấp mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là do tình trạng dư cung trên toàn cầu. Tuy nhiên, giá tôm trên thị trường thế giới đã được cải thiện.
Theo báo cáo xuất khẩu tháng 5/2019 của Tập đoàn Minh Phú, từ giữa tháng 5, giá tôm trên thế giới đã tăng trở lại. Nguyên nhân là do trong thời gian qua, giá tôm thấp khiến cho nông dân Ấn Độ giảm nuôi tôm. Điều này dẫn tới việc nguồn cung nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tôm ở Ấn Độ bị thiếu hụt, làm cho giá thành tôm thành phẩm bị đẩy lên cao. Dự kiến, giá tôm thế giới sẽ tăng khoảng 10% trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 10 năm nay.
Còn theo VASEP, dự báo trong 6 tháng cuối năm, xuất khẩu tôm sẽ khả quan hơn so với 6 tháng đầu năm. Trước hết, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã được ký kết vào ngày 30/6, sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu tôm sang khu vực này.
Theo cam kết trong EVFTA, thuế nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào EU sẽ giảm mạnh trong năm đầu tiên và giảm dần về 0 trong những năm tiếp theo. Cụ thể, tôm sú đông lạnh được giảm thuế từ mức cơ bản 20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực; các sản phẩm tôm khác theo lộ trình 3 - 5 năm; riêng tôm chế biến lộ trình giảm thuế 7 năm.
Hiện tại, mức thuế GSP (chế độ thuế quan ưu đãi phổ cập) mà EU dành cho Việt Nam đối với tôm nguyên liệu đông lạnh là 4,2%; tôm chế biến đông lạnh là 7%. Việt Nam có lợi thế hơn so với 2 nước đối thủ là Thái Lan và Trung Quốc vì 2 nước này không được hưởng GSP của EU.
Chế biến cá tra xuất khẩu. |
Bên cạnh ưu đãi về thuế, EVFTA còn mang lại cho các doanh nghiệp tôm của Việt Nam cơ hội tăng khả năng cạnh tranh so với đối thủ chưa có FTA với EU (Ấn Độ, Thái Lan). Chẳng hạn, doanh nghiệp Việt Nam có thể tiết kiệm được chi phí sản xuất để tăng cạnh tranh, vì có thể tiếp cận dễ dàng hơn với các dịch vụ phục vụ sản xuất do Việt Nam cam kết mở cửa dịch vụ logistics, bảo hiểm, tài chính và dịch vụ phục vụ sản xuất khác… Do đó, VASEP dự báo, EVFTA sẽ góp phần giúp XK tôm của Việt Nam vào EU tăng thêm 4 - 6% trong năm nay.
Bên cạnh đó, xuất khẩu tôm sang các thị trường quan trọng khác như Mỹ, Nhật Bản…, được dự báo cũng sẽ khả quan hơn trong nửa cuối năm nay.
Lượng đơn hàng xuất khẩu tôm của các doanh nghiệp lớn cũng cho thấy được phần nào tín hiệu khả quan trong những tháng cuối năm. Đơn cử như Tập đoàn Minh Phú, dự kiến đơn đặt hàng vượt công suất chế biến từ nay đến cuối năm, nên tập đoàn này phải xuất thêm hàng tồn kho. Do đó, nếu như trong 5 tháng đầu năm nay, Minh Phú chỉ xuất khẩu được xấp xỉ 20.000 tấn tôm, thì dự kiến trong cả năm, Tập đoàn sẽ xuất khẩu được 77.400 tấn, trị giá 850 triệu USD.
Ngoài tôm, EVFTA cũng sẽ tạo thuận lợi hơn cho các mặt hàng chủ lực khác như cá tra, cá ngừ… khi xuất khẩu sang EU. Do đó, nhiều khả năng xuất khẩu thủy sản sang thị trường chủ lực này sẽ khả quan hơn trong 6 tháng cuối năm. Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ và Nhật Bản cũng được dự báo là sẽ tăng trưởng tốt hơn. Do đó, trong 6 tháng cuối năm, xuất khẩu thủy sản có thể đạt hơn 5 tỷ USD, đưa xuất khẩu cả năm đạt khoảng 9 tỷ USD. |