| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu tôm tìm cách thích ứng

Thứ Tư 21/04/2021 , 10:53 (GMT+7)

Xuất khẩu tôm ở ĐBSCL đang gặp nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ bình lặng nên doanh nghiệp chế biến đang tìm mọi cách để thích ứng với hoàn cảnh hiện tại.

 

Chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu ở ĐBSCL. Ảnh: LHV

Chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu ở ĐBSCL. Ảnh: LHV

Mọi loại chi phí đều tăng vọt

Qua hơn 3 tháng đầu năm 2021, hậu quả đại dịch Covid-19 càng hiện rõ bởi đứt gãy chuỗi kinh tế toàn cầu đã tác động mạnh đến chuỗi sản xuất ngành hàng thủy sản của Việt Nam. So với cùng kỳ, hoạt động chế biến tôm xuất khẩu ở ĐBSCL của các nhà máy chế biến thủy sản chịu tác động mạnh.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Cty CP Chế biến thực phẩm Sao Ta (Fimex-VN), cho rằng: Căn nguyên chi phí tàu biển quốc tế tăng vọt đã kéo theo nhiều mặt hàng nguyên liệu, bao bì nhập khẩu cho chế biến đều tăng giá.

Trong đó, cước vận chuyển 1 container từ 1.700 USD tăng lên 7.500 USD, thậm chí có lúc đi châu Âu giá lên đến 10.000 USD. Tính ra, mỗi container doanh nghiệp mất thêm 6.000 USD, trong khi mức lãi cao nhất chỉ khoảng 3.000 - 4.000 USD. Đó là chưa kể các chi phí đầu vào khác cũng tăng mạnh 20-40%.

Ông Lực phân tích: Rủi ro dịch Covid-19 vẫn còn, nhiều nước chưa chấp nhận hộ chiếu vacxin. Mặt khác, nếu doanh nghiệp xuất khẩu tôm đưa tất cả chi phí vào, giá bán sẽ bị đội lên quá cao, khách hàng sẽ không mua.

Ông Võ Văn Phục, Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản Sạch Việt Nam (Vina Cleanfood), so sánh: Năm ngoái thuận lợi, nhưng đầu năm nay khó khăn nhiều, nhất là nguyên liệu tôm không đủ do mới vào đầu vụ, trong khi giá bán không cao hơn năm ngoái. Các nhà máy có kế hoạch dự trữ nguyên liệu trong vụ chính, nhưng phải tốn nhiều chi phí về kho lạnh và lãi suất ngân hàng.

Cho đến nay, dịch Covid-19 tác động mạnh nhất vào giá vật tư khiến đầu vào tăng kinh khủng. Không riêng cước tàu, các loại bao bì nhựa, carton, dầu công nghiệp (dầu đậu nành) tăng mà ngay cả lương nhân công đều tăng do cạnh tranh thu hút nhân lực có tay nghề càng làm cho giá thành tăng thêm.

Hệ quả là cước phí vận chuyển tàu biển đi châu Âu tăng đã “ăn” sạch tiền lời của doanh nghiệp, thậm chí phải chịu lỗ. Thực tế, trong quý I/2021 có một số doanh nghiệp xuất khẩu tôm chịu lỗ cho những đơn hàng đã ký.

Nghe ngóng thị trường chờ hồi phục

Vào vụ nuôi tôm đầu năm ở các tỉnh ven biển ĐBSCL. Ảnh: HĐ

Vào vụ nuôi tôm đầu năm ở các tỉnh ven biển ĐBSCL. Ảnh:

Hiện thời tiết ở ĐBSCL chuyển mùa, mưa sớm nên vùng nuôi tôm gặp thuận lợi, tôm phát triển tốt. Một số mô hình nuôi tôm áp dụng công nghệ mới rất hiệu quả. Các doanh nghiệp đầu tư trang trại nuôi tôm và nhiều hộ nuôi tôm dự báo vụ tôm năm nay sẽ tốt hơn, do quy trình nuôi tốt, ổn định.

Trong khi đó các nước có vùng nuôi và nguồn cung tôm lớn hiện còn bị ảnh hưởng dịch Covid-19 nặng nề. Tỷ lệ người được tiêm vacxin còn thấp nên nguy cơ đứt gãy chuỗi hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có chuỗi cung ứng tôm.

Theo dự đoán, năm nay sản lượng tôm một số nước như Ấn Độ, Thái Lan sẽ không nhiều. Hơn nữa tình trạng thiếu hụt lao động, do dịch chuyển bị giới hạn bởi phương tiện vận chuyển, thời gian cách ly… Từ đó dẫn tới người nuôi không an tâm, có thể lượng tôm sẽ không tăng. Sản lượng tôm Indonesia năm nay dự đoán khoảng 300.000 tấn.

Nhưng theo các doanh nghiệp trong ngành hàng tôm xuất khẩu, hiện chưa thể tính toán giá bán tôm như thế nào vì còn phải đợi xem diễn biến cung cầu thế giới, đặc biệt là diễn biến của tình hình dịch Covid-19. Đơn cử như thị trường Nhật Bản đến tháng 7/2021 hội thao Olympic nhưng hiện vẫn chưa cho phép nhập cảnh rộng rãi, nên khả năng khách du lịch mùa Olimpic cũng sẽ bị hạn chế. 

Bên cạnh đó, nguyên liệu tôm trong vùng vẫn như thông lệ hàng năm do mới bước vào đầu vụ, diện tích nuôi chưa nhiều. Việc triển khai đánh mã số vùng nuôi hiện đang gặp khó, chưa hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, vấn đề quan trọng mấu chốt đang ngoài tầm với của doanh nghiệp chờ can thiệp của Bộ Công thương và Bộ Giao thông vận tải với các hãng tàu vận tải biển về cước vận chuyển. Chính vì trở ngại giá chi phí container nên doanh nghiệp phải cân đối trước khi ký hợp đồng, nhằm đảm bảo việc làm cho công nhân, song nếu giá thấp quá cũng không thể bán hàng được.

Theo chu kỳ tiêu thụ mặt hàng tôm, thông thường thị trường tốt dần về cuối năm. Đầu quý 3 các nước Bắc bán cầu vào mùa hè, khách du lịch đi chơi nhiều, sức tiêu thụ tăng… Tuy nhiên giá khó có thể tăng mạnh lên được do giá tôm hiện đã cao. Trong khi giá thành nuôi tôm năm nay tăng do chí phí đầu vào hầu hết đều tăng. Hiện nay giá tôm nguyên liệu vẫn neo mức cao hơn năm ngoái. Khi vào vụ cao điểm từ tháng 6 đến tháng 9 khả năng giá sẽ giảm và đến hết vụ sẽ tăng trở lại.

Xem thêm
Đầm Hà hướng đến phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững

QUẢNG NINH Hiện huyện Đầm Hà có 5.656ha đất bãi triều và mặt nước biển đã được cập nhật, tích hợp vào quy hoạch tỉnh phê duyệt.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.