| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu tôm vẫn 'sáng cửa' trong khó khăn

Thứ Năm 15/07/2021 , 18:23 (GMT+7)

Xuất khẩu tôm những tháng cuối năm 2021 dự báo sẽ tăng trưởng tốt. Ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu tôm cả năm 2021 đạt từ 3,8 - 4 tỷ USD.

Ngày 16/7, Bộ NN-PTNT sẽ tổ chức hội nghị bàn giải pháp phát triển ngành tôm năm 2021 và Triển khai Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm đánh giá thực trạng thuận lợi, khó khăn, bàn giải pháp khắc phục, tận dụng cơ hội để duy trì sự phát triển ổn định ngành tôm trong tình hình mới.

Hoạt động nuôi tôm nước lợ vẫn duy trì tăng ổn định trong 6 tháng đầu năm 2021, góp phần thuận lợi cho chế biến, xuất khẩu. Ảnh: LHV.

Hoạt động nuôi tôm nước lợ vẫn duy trì tăng ổn định trong 6 tháng đầu năm 2021, góp phần thuận lợi cho chế biến, xuất khẩu. Ảnh: LHV.

Vượt khó 6 tháng đầu năm

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2021, ngành tôm Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn rủi ro khi ngành tôm đang phát triển nóng, có thể dẫn đến lạm dụng trong sử dụng con giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trưởng trong nuôi trồng thủy sản. Diễn biến dịch bệnh Covid-19 và cạnh tranh thương mại quốc tế khó lường…

Hoạt động xuất khẩu đối mặt với một số thách thức mới, nhất là sự thay đổi về quy định kiểm dịch đối với sản phẩm nhập khẩu ở nhiều quốc gia, những cảnh báo về an toàn thực phẩm. Một số thị trường nhập khẩu chính thủy sản của Việt Nam đã có những thay đổi trong chứng nhận an toàn thực phẩm.

Ví dụ Hàn Quốc yêu cầu sản phẩm tôm phải đáp ứng quy định về xử lý nhiệt (tôm nấu chín) mới được miễn kiểm dịch. Tuy nhiên, thời gian xử lý nhiệt theo quy định của Hàn Quốc dài, ảnh hưởng không nhỏ đến màu sắc, mùi vị… của sản phẩm. Thị trường Brazil quy định chế độ xử lý nhiệt khắt khe hơn rất nhiều so với hướng dẫn của Tổ chức Thú y thế giới…

Các thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam ngày càng đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Ảnh: LHV.

Các thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam ngày càng đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Ảnh: LHV.

Đối với sản xuất trong nước, nguồn tôm bố mẹ vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và khai thác từ tự nhiên, trong nước mới cung cấp được một phần, chưa chủ động trong sản xuất. Vào mùa cao điểm thả giống, vùng nuôi trọng điểm tại ĐBSCL vẫn còn số lượng lớn tôm giống nhập từ các tỉnh Nam Trung Bộ không có nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch.

Còn nhiều cơ sở chưa được kiểm tra cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản theo quy định của Luật Thuỷ sản nhưng vẫn được cấp chứng nhận kiểm dịch. Đây là những cơ sở chưa đáp ứng điều kiện, nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh.

Bên cạnh đó, giá thành sản xuất tôm ở nước ta vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân là do thức ăn nuôi tôm vẫn đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng trên 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp); chi phí con giống cao do phải nhập khẩu tôm bố mẹ.

Nhiều vùng nuôi thiếu điện phải sử dụng máy nổ để bơm nước, quạt khí, phát điện (chi phí cao gấp 2 lần so với sử dụng điện); giá cước vận chuyển vật tư, nguyên liệu cao.

Nuôi tôm nước lợ vẫn rất sáng cửa trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 trong năm 2021. Ảnh: LHV.

Nuôi tôm nước lợ vẫn rất sáng cửa trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 trong năm 2021. Ảnh: LHV.

Công nghệ vùng nuôi tôm quảng canh chưa phù hợp, năng suất thấp, hiệu quả sản xuất chưa cao. Mặc dù diện tích lớn nhưng sản lượng và giá trị thấp. Khu vực nuôi tôm quảng canh vì thế cần có những đột phá về giải pháp kỹ thuật, khoa học công nghệ, về con giống (cần con giống có khả năng kháng bệnh, tăng trưởng nhanh).

Theo Tổng cục Thủy sản, sản lượng tôm nước lợ 6 tháng đầu năm 2021 đạt 371 nghìn tấn (tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó sản lượng tôm sú đạt 113 nghìn tấn và tôm thẻ chân trắng đạt 258 nghìn tấn.

Lạc quan 6 tháng cuối năm

Về tình hình xuất khẩu tôm, ước kim ngạch xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm 2021 đạt 1,5 tỷ USD (trong đó, tôm sú đạt 200 triệu USD, tôm thẻ chân trắng đạt 1,3 tỷ USD). Các tháng đầu năm 2021, hoạt động sản xuất tiếp tục được duy trì ổn định, giá tôm nguyên liệu tăng cao, kéo dài từ cuối năm 2020 đã kích thích các doanh nghiệp, người nuôi mạnh dạn đầu tư sản xuất.

Tuy nhiên, 1 - 2 tháng gần đây, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam, dẫn đến giá tôm nguyên liệu giảm và khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.

Gía tôm tại các tỉnh ĐBSCL đang có xu hướng giảm trong vòng 1 - 2 tháng nay, tuy nhiên dự báo có thể sẽ phục hồi trong các tháng tới khi xuất khẩu tăng trở lại. Đồ họa: Lê Bền.

Gía tôm tại các tỉnh ĐBSCL đang có xu hướng giảm trong vòng 1 - 2 tháng nay, tuy nhiên dự báo có thể sẽ phục hồi trong các tháng tới khi xuất khẩu tăng trở lại. Đồ họa: Lê Bền.

Giá tôm nguyên liệu tại ĐBSCL hiện giảm do nguồn cung dồi dào và do anh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên khó khăn trong thu mua, vận chuyển. Tại Bạc Liêu, giá tôm sú ướp đá cỡ 20 con/kg, giảm 20.000 đồng/kg so với tháng trước, xuống còn 250.000 đồng/kg; cỡ 40 con/kg, giảm 15.000 đồng/kg xuống còn 145.000 đồng/kg.

Giá tôm thẻ ướp đá cỡ 60-70 con/kg giảm 18.000 đồng/kg, xuống còn 98.000 - 105.000 đồng/kg; cỡ 100 con/kg giảm 8.000 đồng/kg, xuống còn 85.000 đồng/kg…

Tổng cục Thủy sản nhận định các tháng cuối năm 2021, nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới sẽ tăng trở lại, đặc biệt ở các thị trường lớn như Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong khi đó, nguồn cung tôm từ một số quốc gia như Ấn Độ và một số nhà cung cấp khác sẽ giảm do chịu tác động xấu từ đại dịch Covid-19.

Đồng thời hiện nay, tôm Ấn Độ bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá cao và ngành tôm Việt Nam tiếp tục có nhiều cơ hội do ưu đãi thuế quan của Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định CPTTP và EVFTA...

Sản lượng tôm nước lợ theo kế hoạch cả năm 2021 của Tổng cục Thủy sản. Đồ họa: Lê Bền.

Sản lượng tôm nước lợ theo kế hoạch cả năm 2021 của Tổng cục Thủy sản. Đồ họa: Lê Bền.

Dự báo, xuất tôm của Việt Nam những tháng cuối năm 2021 vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt do có lợi thế từ FTA, đảm bảo được sự ổn định trong nuôi tôm thương phẩm và chế biến sản phẩm khi kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19.

Với nhận định đó, ngành thủy sản đặt kế hoạch cả năm 2011, duy trì phát triển ổn định diện tích nuôi tôm nước lợ 740 nghìn ha, trong đó 630 nghìn ha nuôi tôm sú và 110 nghìn ha nuôi tôm thẻ chân trắng. Sản lượng tôm các loại cả năm 2021 đạt 980 nghìn tấn, trong đó tôm sú 280 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 633 nghìn tấn (còn lại là tôm khác). Kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 3,8 - 4 tỷ USD.

Siết chặt quản lý chất lượng tôm giống 

6 tháng đầu năm 2021, Tổng cục Thuỷ sản phối hợp chặt chẽ với Cục An ninh Kinh tế Nông, Lâm, Ngư nghiệp (A04) và Thanh tra Bộ NN-PTNT đã tiến hành thanh tra đột xuất các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản có dấu hiệu vi phạm; chủ động phối hợp với đoàn công tác liên ngành của các tỉnh trọng điểm tiêu thụ tôm giống vùng ĐBSCL như Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng… kiểm tra các phương tiện vận chuyển giống thuỷ sản qua địa bàn các tỉnh.

Qua đó, đã xử lý vi phạm hành chính 11 cơ sở với lỗi chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản; sử dụng tôm bố mẹ không có nguồn gốc; số tiền xử phạt vi phạt hành chính là 805 triệu đồng.

Số tôm bố mẹ và tôm hậu bị buộc tiêu huỷ/chuyển mục đích sử dụng là 15.000 con (số lượng tôm bố mẹ lớn nhất từ trước tới nay bị tiêu huỷ). Bên cạnh đó, đã kiểm tra, phát hiện 28 phương tiện vận chuyển tôm giống không có Giấy kiểm dịch, xử phạt vi phạm hành chính 196 triệu đồng, buộc tiêu huỷ 10 triệu con tôm giống.

Xem thêm
Tương lai nuôi biển bền vững của Việt Nam và Na Uy

Quy hoạch không gian biển, tăng cường năng lực dự báo, cung cấp bảo hiểm biển là các lĩnh vực trọng tâm trong hợp tác nuôi trồng thủy sản giữa Việt Nam - Na Uy.

Chưa thể làm chợ đấu giá thủy sản khi ngư dân còn phụ thuộc đầu nậu

‘Khi nào giải quyết được việc bà con đi khai thác trên biển chủ động được kinh phí, không phụ thuộc vào nậu vựa thì mới có thể làm chợ đấu giá được’.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.