Hiện nay, nhiều nhà vườn ý thức được việc sản xuất trái cây theo quy trình GAP. Có được thành quả này, nhờ nhiều nhân tố. Trao đổi với NNVN, PGS.TS Nguyễn Minh Châu - Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết thêm những tiến triển đáng mừng xoay quanh việc SX, XK trái cây của nhà vườn ĐBSCL. PGS.TS Nguyễn Minh Châu
Thưa ông, tình hình sản xuất và xuất khẩu cây ăn trái năm 2011 có những điểm mới gì?
Năm 2011, xuất khẩu trái cây có bước đột phá, đến tháng 11, đã xuất khẩu đạt 562 triệu USD rau quả, so với năm 2010 chỉ 471 triệu USD. Bộ Công thương dự báo hết năm 2011, giá trị xuất khẩu vào khoảng 650 triệu USD, con số này rất lớn so với dự báo đầu năm 2011, chỉ là trên 500 triệu USD. Việc này có được là nhờ trái thanh long được xuất đi Mỹ nhiều hơn, chôm chôm cũng bắt đầu đi Mỹ và thanh long cũng đã vào được Hàn Quốc.
Năm nay, một thành công nữa cũng cần ghi nhận là có rất nhiều mô hình sản xuất theo VietGAP được cấp giấy chứng nhận như bưởi da xanh, nhãn tiêu lá bầu, chôm chôm và đây cũng là năm đầu tiên các mô hình sản xuất đạt GAP đã gắn kết được với các doanh nghiệp xuất khẩu như: Chánh Thu, Long Giang, Hương Miền Tây, bằng các bản ghi nhớ tại buổi lễ trao giấy chứng nhận.
Việc thực hiện GAP trên các vườn cây ăn trái ĐBSCL tiến triển như thế nào?
Rất tốt. Năm 2011 có rất nhiều mô hình đã được cấp giấy chứng nhận trên nhãn, chôm chôm, bưởi da xanh. Từ nay đến cuối tháng 12 còn nhiều mô hình sẽ được chứng nhận GAP như mô hình thanh long Tiền Giang, rau Tiền Giang (VietGAP), chôm chôm ở Vĩnh Long (Global GAP). Viện đang hỗ trợ các mô hình chanh và thanh long (Long An), xoài (Đồng Tháp), bưởi da xanh (Bến Tre)... để sớm đạt chứng nhận GAP trong năm 2012.
Nói chung, nhờ Viện có một đội ngũ cán bộ đã quen việc và nhà vườn cũng rất mong muốn đạt được chứng nhận GAP để trái cây dễ bán hơn nên việc thực hiện GAP đang phát triển rất tốt ở ĐBSCL. Mặt khác, ý thức cái lợi của việc thực hiện GAP nên nhà vườn sẵn sàng ghi lại nhật ký các việc làm hằng ngày trên mảnh vườn của họ theo đúng hướng dẫn được cán bộ Viện đến tư vấn.
Còn khó khăn nào trong kế hoạch và chương trình giúp bà con nông dân thực hiện những mục tiêu trên?
Viện chúng tôi có thể giúp bà con những việc trên là nhờ 2 đề tài được Bộ NN-PTNT giao và các hợp đồng ký với các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh. Nhưng các mô hình này có diện tích nhỏ, chỉ vài ba chục ha. Chúng tôi mong muốn mở rộng mô hình ra vài trăm ha.
Đây là cái khó vì mọi người hiện quan tâm đến “cánh đồng mẫu lớn” nhiều hơn là những mô hình sản xuất cây ăn trái hàng hoá theo GAP. Viện đang chờ Ngân hàng Thế giới chấp nhận kế hoạch xây dựng những mô hình “sản xuất trái cây hàng hoá lớn” vài trăm ha. Hy vọng trong năm 2012 có thể bắt đầu chương trình này.
Tết này, loại cây ăn trái nào có triển vọng, tình hình nhà vườn đáp ứng nhu cầu khách hàng ra sao, thưa ông?
Để chuẩn bị cho Tết 2012, trái cây Tết có nhiều không lo thiếu, nhất là bưởi, vú sữa, thanh long, cam, quýt, xoài, sầu riêng... Giá cả đang rất tốt nên nhìn chung nhà vườn rất phấn khởi. Hay nhất là bưởi có dạng trái hồ lô hay dạng hình thỏi vàng đang có giá rất cao trên thị trường.
Ông có lời khuyên gì với bà con làm vườn?
Trái cây chúng ta đã xuất được vào các nước khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và sang năm, xoài sẽ vào New Zealand. Cần biết rằng, đây là những thị trường đòi hỏi tuyệt đối về an toàn vệ sinh thực phẩm. Thanh long của chúng ta đã vào được Mỹ 2 năm rồi mà vừa qua đã được phía Mỹ thông báo sẽ kiểm tra 100% lô hàng vào Mỹ. Như vậy, bà con muốn xuất khẩu nên làm theo hướng dẫn của tiêu chuẩn GAP tuyệt đối. Nếu để tình trạng trái cây không an toàn thì nhất định sẽ bị cấm vào thị trường của họ, mà muốn lấy lại được uy tín là điều không dễ, sẽ rất khó khăn.
Vì vậy, chúng tôi nhắc bà con nhớ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình GAP đã được hướng dẫn để có thể yên tâm về đầu ra. Làm theo GAP, bà con không sợ dội hàng và bà con cũng nên nhớ rằng, chỗ nào sản xuất không an toàn sẽ được nước nhập khẩu chỉ ra ngay. Cho nên, tôi muốn nhấn mạnh điều này với bà con là nếu tuân thủ nghiêm thì trái cây của vùng làm theo GAP sẽ không bị nhầm lẫn với hàng sản xuất không theo GAP. Đó còn là cái lợi nữa của việc sản xuất theo GAP.
Còn với nhà nước, chúng tôi mong chính quyền quan tâm hỗ trợ việc mở rộng diện tích sản xuất theo GAP để quy mô xuất khẩu trái cây ngày càng lớn hơn và đạt được hiệu quả một cách bền vững. Nhà vườn chưa thể tự mở rộng diện tích làm theo GAP được là do làm theo GAP thì phải được tập huấn, được hướng dẫn ghi chép vào sổ sách, được hỗ trợ xây kho thuốc, nhà vệ sinh và chi phí chứng nhận...
Nhưng dù có khó khăn nào, bà con cũng nên làm theo GAP, làm theo GAP trước mắt là tốt cho người sản xuất, vì biết áp dụng thuốc trừ sâu đúng cách; nhờ đó, môi trường mình sinh sống sẽ an toàn hơn.