* Mỗi ngày có khoảng 1.000 con chim yến bị bẫy bán cho nhà hàng với giá rẻ mạt
Sơ chế yến sào. |
Theo bà Đỗ Tú Quân, Chi hội trưởng Chi hội Nhà Yến Việt Nam (Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam), với đà phát triển của ngành yến hiện nay, tổng sản lượng yến sào Việt Nam dự kiến thu hoạch từ các nhà yến vào năm 2025 là khoảng 160 tấn chưa sơ chế.
Trong đó, phần lớn sản lượng sẽ được xuất khẩu sang Trung Quốc. Còn lại là xuất sang Singapore, Mỹ… và tiêu thụ trong nước.
Cụ thể, khoảng 100 tấn tổ yến chưa sơ chế sẽ được xuất sang Trung Quốc, với doanh thu dự kiến 150 triệu USD.
60 tấn yến còn lại sẽ được sơ chế thành yến sạch với khối lượng thu được là 42 tấn. Trong đó, 16,8 tấn xuất sang Singapore, dự kiến thu về 58,8 triệu USD. 8,4 tấn xuất sang Mỹ, dự kiến thu 29,4 triệu USD. Phần còn lại tiêu thụ ở thị trường trong nước.
Doanh thu dự kiến cho ngành yến vào năm 2025 vào khoảng 6.000 tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu như trên, trong thời gian tới, ngành yến Việt Nam còn khá nhiều việc phải làm. Quan trọng nhất là phải ký được Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và xây dựng chuỗi giá trị.
Về xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, từ cuối năm 2018, Bộ NN-PTNT đã gửi đơn tới Tổng cục Hải quan Trung Quốc, đề nghị cho yến sào Việt Nam được xuất khẩu sang nước này.
Cuối năm nay, Trung Quốc sẽ cử một nhóm chuyên gia đến kiểm tra các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu yến sào tại Việt Nam.
Sau đó sẽ còn một số công đoạn như hai bên đàm phán các yêu cầu kiểm tra và kiểm dịch, ký Nghị định thư, đăng ký doanh nghiệp trên hệ thống mạng của Tổng cục Hải quan Trung Quốc...
Để sẵn sàng thâm nhập vào thị trường Trung Quốc khi đã được mở cửa đi chính ngạch, các doanh nghiệp ngành yến cũng đang nỗ lực xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất yến sào và tổ chức sản xuất yến sào đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu về an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng, môi trường… Bên cạnh đó là đầu tư vào chế biến sâu các sản phẩm giá trị gia tăng từ yến sào.
Một nhà yến ở Đồng Nai. |
Mặt khác, việc bảo vệ đàn yến tự nhiên là rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành yến trong những năm tới. Bởi chim yến ở các nhà yến hiện vẫn chưa thể nhân giống được mà phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn chim yến tự nhiên.
Trong khi đó, ở nhiều địa phương đang có tình trạng săn bắt yến trái phép để bán vào các nhà hàng, quán nhậu, giả làm chim sẻ, phục vụ cho thực khách. Theo Cục Chăn nuôi, việc săn bắt chim yến sử dụng vào mục đích khác (giết thịt, phóng sinh) đang diễn biến phức tạp ở nhiều nơi.
Bà Lý Thị Lan Phương, Phó chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam, cho biết, ước tính mỗi ngày có khoảng 1.000 con chim yến bị bẫy theo kiểu này.
Những người bẫy yến bán cho nhà hàng, quán nhậu với giá rất rẻ, chỉ khoảng 150.000 đồng/100 con.
Trong khi đó, một cặp chim yến, nếu vào làm tổ trong nhà yến, với vòng đời 10 năm, sẽ tạo ra giá trị tổ yến khoảng 6 triệu đồng.
Tính ra, chỉ riêng ở góc độ kinh tế, việc săn bắt chim yến để giết thịt, phóng sinh…, đang gây thiệt hại không nhỏ cho ngành yến.
Trước tình trạng đó, Hiệp hội Yến sào Việt Nam đã phải thành lập Tiểu ban giải cứu chim yến. Nhưng tiểu ban chỉ có thể làm các công việc như tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan tới hành vi săn bắt, buôn bán động vật hoang dã …
Do đó, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương để bảo vệ đàn chim yến tự nhiên. Qua đó, góp phần giúp cho sự phát triển của nghề nuôi yến trên địa bàn.