| Hotline: 0983.970.780

Xung đột nảy lửa trong đền bù các dự án điện gió tại Gia Lai

Thứ Ba 28/09/2021 , 09:51 (GMT+7)

Các dự án điện gió thi công tự ý san ủi đất khi chưa thỏa thuận đền bù, ép dân bán đất giá rẻ, thậm chí cho các đối tượng đến uy hiếp, đe dọa.

Dự án điện gió Nhơn Hòa 1.

Dự án điện gió Nhơn Hòa 1.

Các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang khẩn trương thi công để đưa vào vận hành thương mại trước ngày 31/10 nhằm được hưởng ưu đãi của Chính phủ. Chính vì chạy đua cho kịp tiến độ, nhiều dự án điện gió đã “bất chấp” để thi công dù hồ sơ pháp lý chưa hoàn thiện, đặc biệt khâu đền bù giải phóng mặt bằng đang gặp nhiều trở ngại.

Chưa đền bù vẫn thi công, san ủi đất của dân

Những ngày qua tại huyện Chư Pưh, hàng chục hộ dân đã làm đơn kiến nghị lên chính quyền yêu cầu dự án điện gió Nhơn Hòa 1 (do Công ty cổ phần điện gió Nhơn Hòa 1 làm chủ đầu tư) bồi thường do đường dây điện và cánh quạt gió làm ảnh hưởng đến diện tích đất canh tác, sản xuất của người dân. Cùng với đó, mức giá bồi thường cho diện tích bị ảnh hưởng bởi dự án điện gió quá thấp khiến người dân bức xúc.

Ông Huỳnh Văn Thông (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) cho biết, gia đình ông có mảnh đất rẫy diện tích khoảng 6.000m2 (trồng cây lâu năm) tại địa chỉ làng Thơ Ga A, xã Chư Đôn, huyện Chư Pưh.

Ngày 17/8, ông vào rẫy thì phát hiện công nhân của dự án điện gió Nhơn Hòa 1 đang thi công kéo đường dây điện qua diện tích đất của gia đình nên đã ngăn cản và báo lên chính quyền địa phương. Tuy nhiên, việc thỏa thuận đền bù chưa được giải quyết thì đến đêm ngày 26/8 có hơn 40 công nhân vào đất nhà ông tiếp tục thi công kéo đường dây điện. Thấy vậy, ông Thông đến ngăn cản thì bị các công nhân hăm dọa, không cho ông vào đất nhà mình. Đến hôm sau thì việc kéo dây điện cũng đã hoàn thành nhưng việc bồi thường thiệt hại cho gia đình ông Thông đến nay vẫn chưa được giải quyết.

 “Chúng tôi chỉ có tài sản duy nhất là mảnh đất này để đầu tư, sản xuất, giờ đường điện vắt ngang qua sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tính mạng và tài sản của gia đình. Vì vậy, tôi yêu cầu đường điện của dự án điện gió Nhơn Hòa 1 phải có trách nhiệm tính toán bồi thường, hỗ trợ cho gia đình trước khi kéo đường điện đi qua. Đồng thời, dự án điện gió cần khảo sát, tính toán lại độ cao an toàn theo quy định trước khi cho kéo đường dây điện, tránh các xung đột không đáng có giữa chúng tôi với công nhân thi công”, ông Thông cho biết.

Nhiều người dân kiến nghị dự án điện gió Nhơn Hòa 1 vẫn chưa đền bù nhưng đã thi công trên đất của dân.

Nhiều người dân kiến nghị dự án điện gió Nhơn Hòa 1 vẫn chưa đền bù nhưng đã thi công trên đất của dân.

Tương tự tại huyện Kông Chro, các đơn vị thi công dự án điện gió cũng tự ý đưa máy móc vào đất của người dân để san ủi khi chưa đạt thỏa thuận đền bù, khiến người dân nơi đây vô cùng bức xúc.

Ông Nguyễn Đức Tấn (thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro) bức xúc cho biết, gia đình tôi có một số thửa đất đang trồng mía với diện tích khoảng 5ha trên địa phận làng Cút Trong, xã Đăk Pơ Pho. Cách đây vài ngày, trên đất trồng mía của tôi bị nhiều người lạ mặt dùng phương tiện, máy móc tự ý đến san ủi đất một cách trái phép.

Khi phát hiện ra sự việc, tôi đến ngăn cản thì được biết là người của các công ty điện gió làm và diện tích đất bị san ủi của gia đình là hơn 500 m2. Sau đó, ông Tấn đã yêu cầu phía công ty điện gió bồi thường thiệt hại nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.

“Khi đến nhà tôi để thương lượng giải quyết đền bù, đại diện công ty điện gió đã có những lời lẽ xúc phạm tôi và nói nếu không chấp nhận đền bù thì chính quyền sẽ cưỡng chế, điều này khiến gia đình tôi hoang mang. Không những vậy, còn có một số người lạ mặt đến nhà gây áp lực để gia đình tôi bán đất” ông Tấn bức xúc.

Ông Tấn cũng cho biết, việc công ty điện gió tự ý đưa phương tiện vào san ủi hoa màu trên đất khi chưa được sự đồng ý của gia đình là hành vi phá hoại tài sản, vi phạm pháp luật. Ông Tấn yêu cầu công ty trả lại nguyên hiện trạng đất ban đầu cho gia đình.

Trong khi đó, tại TP. Pleiku, dự án điện gió Ia Pết-Đăk Đoa 1 (do Công ty cổ phần phong điện Ia Pết-Đăk Đoa số 1 làm chủ đầu tư) đã hoàn thiện các trụ truyền tải điện có hành lang tuyến đi qua ảnh hưởng đến đất đai và tài sản trên đất của nhiều hộ dân phường Chi Lăng và xã Ia Kênh. Tuy nhiên, đến nay một số hộ dân vẫn chưa đền bù, hỗ trợ hành lang tuyến cho các hộ dân.

Chưa đền bù, dự án điện gió vẫn san ủi đất của dân.

Chưa đền bù, dự án điện gió vẫn san ủi đất của dân.

Ông N.H.T (phường Thống Nhất, TP. Pleiku) bức xúc cho biết, gia đình tôi có mảnh đất 700m2 ở làng Thông Ngó (xã Ia Kênh), những ngày qua một số đối tượng đã ngang nhiên kéo đường dây điện qua đất mà chưa được sự đồng ý của gia đình. Sau đó, họ xưng là người của dự án điện gió Ia Pết-Đăk Đoa và đưa ra mức hỗ trợ bồi thường 15 triệu đồng cho gia đình tôi.

Thấy vậy, tôi không đồng ý vì đường dây điện chạy ngang qua chiếm hết nửa diện tích đất trồng cây lâu năm của gia đình. Chưa kể, đường dây điện chạy ngang qua sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, tính mạng của người dân. Dù thương lượng đền bù chưa xong thì có một số công nhân vẫn ngang nhiên kéo đường dây qua nhà tôi. Đến nay đường dây đã thi công xong nhưng gia đình tôi vẫn chưa được hỗ trợ đền bù.

“Kính mong cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết cho chúng tôi để đảm bảo quyền lợi của gia đình, đồng thời ngăn chặn và xử lý hành vi xâm phạm đến tài sản của người dân”, ông T. cho biết.

Chính quyền phủ nhận việc người dân bị o ép?

Trước những kiến nghị liên quan đến việc hỗ trợ, bồi thường khi thi công dự án điện gió, UBND huyện Chư Pưh đã nhiều lần tổ chức đối thoại với người dân nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất được việc bồi thường. 

Đường dây điện của dự án điện gió Ia Pết-Đăk Đoa 1 chạy ngang qua đất của người dân xã Ia Kênh (TP. Pleiku).

Đường dây điện của dự án điện gió Ia Pết-Đăk Đoa 1 chạy ngang qua đất của người dân xã Ia Kênh (TP. Pleiku).

Trả lời vấn đề này, ông Huỳnh Quang Thái, Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh cho biết, hiện nay các văn bản pháp luật không đề cập đến diện tích thuộc hành lang an toàn của cột tháp gió (diện tích cánh quạt vươn ra trên không) vì vậy chủ đầu tư và chính quyền địa phương không có cơ sở để xem xét, tính toán hỗ trợ cho người dân. Hiện UBND huyện đã có văn bản xin hướng dẫn của Sở Công Thương để có hướng xử lý.

Trong khi đó, trả lời báo chí bằng văn bản, ông Huỳnh Ngọc Ẩn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro cho biết, việc thỏa thuận, sang nhượng, mua bán đất đai để thực hiện dự án giữa các công ty điện gió và người dân trên địa bàn huyện tuân thủ theo đúng các quy định của Pháp luật hiện hành.

Đến nay, về cơ bản toàn bộ diện tích thực hiện dự án điện gió đã được thỏa thuận bồi thường xong. Các công ty điện gió đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định, không có tình trạng khiếu kiện, o ép người dân bán đất giá rẻ.

Cũng theo ông Ẩn, qua nắm bắt thông tin giá đền bù tài sản, hoa màu và giá mua bán, sang nhượng đất đai tại các dự án điện gió cao hơn nhiều lần so với quy định của Nhà nước và mặt bằng giá tại địa phương. Đại đa số người dân đồng tình, ủng hộ và hài lòng với thỏa thuận được thống nhất.

Dự án điện gió Nhơn Hòa 1 do Công ty cổ phần điện gió Nhơn Hòa 1 làm chủ đầu tư có trụ sở đặt tại xã Ia Phang, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai. Người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Minh Đức (SN 1987, thường trú tại Hà Nội) làm Giám đốc. Dự án có quy mô công suất 50MW với tổng vốn đầu tư 2.865 tỷ đồng. Công ty này có vốn điều lệ ban đầu 20 tỷ đồng và tăng lên 300 tỷ đồng vào ngày 19/7/2021.

Trong khi đó, Dự án điện gió Ia Pết-Đăk Đoa 1 do Công ty cổ phần phong điện Ia Pết-Đăk Đoa số 1 làm chủ đầu tư có trụ sở đặt tại phường Thắng Lợi, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Người đại diện pháp luật là bà Dương Quỳnh Hoa (SN 1978, thường trú tại Hà Nội) làm Tổng giám đốc. Dự án quy mô công suất gần 100MW với tổng vốn đầu tư dự án 3.910 tỷ đồng được điều chỉnh xuống 3.695 tỷ đồng. Được biết, Công ty cổ phần phong điện Ia Pết-Đăk Đoa số 1 là công ty con của Công ty cổ phần Công nghệ Tài nguyên Năng lượng (TRE).

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.