| Hotline: 0983.970.780

25 năm thành lập Viện Nghiên cứu Rau quả:

Xứng tầm Trung tâm KH-CN rau quả hàng đầu phía Bắc

Thứ Hai 02/03/2015 , 09:29 (GMT+7)

Hiện nay, Viện có 3 trung tâm nghiên cứu và 1 Cty trực thuộc, với tổng số gần 300 cán bộ công nhân viên; trong đó có 21 tiến sỹ, 91 thạc sỹ, 150 kỹ sư và cử nhân.

Viện Nghiên cứu Rau quả được thành lập ngày 3/3/1990 theo Quyết định của Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm (nay là Bộ NN-PTNT) trên cơ sở hợp nhất một số cơ quan nghiên cứu thuộc Tổng Cty Rau quả Việt Nam.

Tại Quyết định số 220/2005/QĐ-TTg ngày 9/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập lại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), Viện Nghiên cứu Rau quả được thành lập lại với việc tách và sáp nhập thêm một số đơn vị.

Hiện nay, viện là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp VN (VAAS), có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về các lĩnh vực rau, quả, hoa - cây cảnh.

Hiện nay, Viện có 3 trung tâm nghiên cứu và 1 Cty trực thuộc, với tổng số gần 300 cán bộ công nhân viên; trong đó có 21 tiến sỹ, 91 thạc sỹ, 150 kỹ sư và cử nhân.

Hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư hiện đại đáp ứng yêu cầu nghiên cứu với đồng ruộng thí nghiệm; vườn mô hình trình diễn; các tập đoàn phong phú về nguồn gen của nhiều giống rau, hoa và cây ăn quả; hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại phục vụ nghiên cứu về công nghệ sinh học (CNSH) và công nghệ sau thu hoạch.

Viện đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Những thành tựu nổi bật

Lĩnh vực cây ăn quả

Viện đã tuyển chọn được 15 giống cây ăn quả có đặc tính tốt gồm nhãn, vải, chuối và cây ăn quả có múi. Trong đó, các giống có năng suất và chất lượng vượt trội, được đưa vào trồng rộng rãi trong SX như giống vải chín sớm Bình Khê, vải chín sớm Phúc Hòa, các giống nhãn chín muộn PHM.99.1.1, HTM-1, chuối tiêu hồng, giống bưởi đỏ Tân Lạc, giống cam chín sớm CS1…

Theo hướng đánh giá tính thích ứng của các giống cây ăn quả nhập nội, viện đã khảo nghiệm, đánh giá thành công 11 giống cây ăn quả có khả năng phù hợp với các tỉnh phía Bắc, gồm các giống chuối, dứa, xoài, táo, ổi, thanh long và cây ăn quả có múi.

Trong đó, các giống đang được nhân rộng, có khả năng phát triển hiện đang được mở rộng diện tích có giống dứa cayen Trung Quốc, MD2; giống xoài GL6, ĐL4; giống ổi OĐL1; giống chuối tiêu lùn GL3-1; giống táo 11Tao05 và giống thanh long ruột đỏ TL4.

Viện cũng đã chọn tạo được nhiều giống cây ăn quả mới bằng các phương pháp lai hữu tính, xử lý đột biến bằng các tác nhân vật lý, hóa học đối với các giống cây ăn quả như nhãn, vải, cây ăn quả có múi và thanh long ruột đỏ hiện đang được tiếp tục đánh giá để công nhận giống, giới thiệu cho SX.

Bên cạnh đó, viện đã nghiên cứu hoàn thiện các quy trình kỹ thuật canh tác cho một số cây ăn quả chủ lực ở các tỉnh phía Bắc như kỹ thuật cắt tỉa cành, điều tiết ra hoa nhãn vải, xử lý ra hoa cho dứa cayen, kỹ thuật thụ phấn bổ sung cho bưởi, nhân giống…

Lĩnh vực rau và cây gia vị

Viện đã nghiên cứu chọn tạo và đưa ra SX nhiều giống rau phổ biến ở các tỉnh phía Bắc như cà chua, dưa chuột, ớt cay, dưa hấu, rau ăn lá…

Tiêu biểu như giống cà chua PT18, CXH1 cho năng suất cao 40 - 45 tấn/ha, chất lượng tốt; các giống dưa chuột phục tráng Phú Thịnh, Yên Mỹ có chất lượng quả tốt, năng suất đạt 35 - 40 tấn/ha; giống rau cải ngọt CX1; đậu rau TL1; đậu tương rau AGS346, AGS398...

Từ năm 2001 đến nay, viện đã chọn tạo và giới thiệu cho SX 10 giống rau lai F1 như cà chua, dưa chuột và ớt cay, tiêu biểu là các giống cà chua lai F1 FM20, FM29 và GL1-3 thích hợp trong vụ đông và ĐX với năng suất trung bình đạt 45 - 50 tấn/ha, chất lượng tốt; các giống dưa chuột lai CV5, CV11 và GL1-2 có khả năng trồng được nhiều thời vụ trong năm với năng suất trung bình đạt 40 - 55 tấn/ha; các giống ớt cay lai F1 HB9, HB14 và GL1-1 năng suất trung bình đạt 25 - 30 tấn/ha, đã được đưa vào cơ cấu cây vụ đông cho hiệu quả kinh tế cao ở nhiều tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Hải Phòng và một số tỉnh miền Trung.

Ứng dụng CNSH trong chọn tạo giống, viện đã chọn tạo thành công một số giống cà chua lai F1 có triển vọng, năng suất đạt trên 50 tấn/ha, có khả năng chống chịu bệnh sương mai bằng chỉ thị phân tử, hiện đang được tiếp tục khảo nghiệm ngoài SX.

Bên cạnh đó, viện đã nghiên cứu xây dựng được các quy trình SX rau an toàn (RAT) cho hầu hết các chủng loại rau chủ yếu ở phía Bắc; quy trình SX RAT theo tiêu chuẩn VietGAP; kỹ thuật canh tác rau thủy canh không tuần hoàn RtW cho SX RAT với các loại rau ăn quả như cà chua, dưa chuột với năng suất đạt 100 - 120 tấn/ha.

Các quy trình SX RAT theo hướng ứng dụng công nghệ cao đã được chuyển giao cho cơ sở SX rau tại nhiều địa phương như Hà Nội, Bắc Ninh và Hải Phòng…

Kỹ thuật SX cây giống cà chua ghép trên gốc cà tím của viện nhằm khắc phục bệnh héo xanh vi khuẩn trên cà chua, tăng khả năng chống chịu ngập úng trong điều kiện trồng trái vụ đã được chuyển giao cho nhiều địa phương phía Bắc như các tỉnh, thành phố Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định…

Lĩnh vực hoa và cây cảnh

Với phương châm ưu tiên nghiên cứu các giống hoa nhập nội nhằm tuyển chọn các giống phù hợp, tới nay, viện đã giới thiệu đưa ra SX 15 giống hoa mới gồm hoa hồng, đồng tiền, lily, loa kèn và hoa lay ơn.

Nhiều giống hoa của viện đang được trồng phổ biến như hoa lily Sorbonne, Acapulo, Yeallowen, Robina; các giống hoa đồng tiền G12, G19; giống hoa loa kèn tứ quý; giống hoa lay ơn đỏ 09; các giống hoa thược dược lùn TDL03, TDL05; đào Mãn Thiên Hồng; hoa lan Hồ điệp V31, hoa cúc GL2-4…

Ngoài ra, viện đã tuyển chọn từ nguồn quỹ gen trong tự nhiên được 3 giống hoa đào GL2-1, GL2-2 và GL2-3; chọn tạo giới thiệu cho SX 2 giống hoa lay- ơn ĐL1 và ĐL2 bằng phương pháp lai hữu tính… Một số giống hoa mới như lan Hồ điệp, lan Đai châu, hoa lay ơn và hoa đồng tiền hiện đang được nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật canh tác.

Bên cạnh chọn tạo giống hoa, viện đã nghiên cứu nhiều kỹ thuật canh tác hoa áp dụng cho SX như: Kỹ thuật chiếu sáng điều khiển nở hoa cho hoa cúc; xử lý lạnh củ giống điều khiển ra hoa cho hoa lay- ơn; canh tác cho các giống hoa lily, đồng tiền; SX lan Hồ Điệp theo quy mô công nghiệp; kỹ thuật nhân các giống hoa cúc và hoa hồng bằng phương pháp giâm cành cho hệ số nhân giống cao và chất lượng cây giống tốt…

Những thành tựu khác

Bên cạnh các lĩnh vực chủ lực về giống rau, hoa và cây ăn quả, viện đã gặt hái nhiều thành công trong lĩnh vực nghiên cứu hoàn thiện công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch cho các sản phẩm rau quả.

Tiêu biểu như: kỹ thuật bảo quản lạnh quả vải; bảo quản và dấm chín chuối; khử chát hồng; bảo quản các sản phẩm rau trong điều kiện điều biến khí; chế biến một số sản phẩm nước quả, sản phẩm mới từ gấc, măng tre, lá dâu tằm…

Kỹ thuật bảo quản lạnh quả vải thiều hiện đã kéo dài được thời gian tồn trữ 30 ngày, góp phần giảm áp lực tiêu thụ giai đoạn thu hoạch cho vùng vải thiều phía Bắc; quy trình chế biến nước chanh muối trên nền nước khoáng đã được chuyển giao, đưa vào SX hàng hóa ở các DN SX nước giải khát…

Gần đây, viện cũng đã phối hợp với nhiều địa phương phía Bắc xây dựng thành công nhiều chuỗi liên kết từ SX tới tiêu thụ, đặc biệt là thành công từ kết nối giữa người SX rau tại Mộc Châu - Sơn La tới thị trường Hà Nội.

Về hợp tác quốc tế, viện đã thiết lập được mối qua hệ rộng rãi với nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế khác nhau.

Trong đó các cơ quan, tổ chức quốc tế có nhiều hơn các nội dung hợp tác với viện là Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp quốc tế Pháp (CIRAD), Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp quốc tế Úc (ACIAR), Trung tâm Rau thế giới (AVRDC), Tổ chức Đa dạng sinh học quốc tế (The International Biodiversity) và Tổng cục Phát triển Nông nghiệp Hàn Quốc (RDA)…

Phát huy truyền thống 25 năm xây dựng và phát triển, Viện Nghiên cứu Rau quả đặt mục tiêu xây dựng viện trở thành Trung tâm KH-CN hàng đầu phía Bắc về cây rau, hoa và cây ăn quả theo hướng gắn với Đề án tái cơ cấu SX nông nghiệp.

Trong đó, tập trung cải tiến, phát triển các giống cây ăn quả bản địa quý, chất lượng cao; phối hợp sử dụng nguồn gen nhập nội để chọn tạo các giống cây ăn quả mới có khả năng cạnh tranh cao với các sản phẩm hoa quả cùng loại của các nước trong khu vực và các thị trường XK.

Về giống rau, tập trung chọn tạo mới một số giống rau chủ lực ở các tỉnh phía Bắc theo hướng chọn tạo các giống lai; hoàn thiện các quy trình công nghệ SX hạt lai F1 nhằm từng bước chủ động nguồn hạt giống, hạn chế NK. Đối với giống hoa, sẽ tập trung chọn tạo các giống hoa mới theo hướng lai hữu tính từ nguồn gen các giống hoa bản địa…

 

(Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả)

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm