Nông dân Kenya đưa xương rồng lê gai lên xe rùa để bỏ đi. Ảnh: Reuters. |
Tại nhiều nơi trên thế giới, xương rồng lê gai (opuntia) thường được tận dụng để làm hàng rào tự nhiên hoặc cây cảnh. Loài xương rồng này có thân nhiều nhánh, hình dạng như quả lê, hoa sặc sỡ và quả màu tím.
Tuy nhiên, ở vùng thảo nguyên phía bắc Kenya, nơi đất đai khô cằn vì hạn hán thường xuyên, xương rồng lê gai lại là cơn ác mộng đối với những chủ trang trại chăn nuôi gia súc và nông dân áp dụng phương pháp chăn thả tự do.
Nông dân thuộc hợp tác xã do Nhóm Chăn nuôi Makurian quản lý ở huyện Laikipia, Rift Valley, cho biết những loài thực vật xâm lấn ngoại lai khiến cho đồng cỏ không thể phát triển. Hệ quả là nguồn thức ăn cho gia súc giảm nghiêm trọng. Ngoài ra, nếu ăn phải những loài thực vật trên, gia súc còn có nguy cơ đổ bệnh.
“Cho dù nông dân Kenya rất tích cực xử lý xương rồng lê gai, loài cây này vẫn đang phủ kín hàng trăm hecta đất, biến khu vực này trở nên hoang tàn”, Jackson Mukurinu, thành viên hợp tác xã, phàn nàn với Reuters. Ông đã mất tới 800 con dê và 85 con bò vì chúng ăn những cây xương rồng đó.
Với hy vọng giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ xương rồng lên vùng đất khô cằn vốn đã gặp nhiều khó khăn này, nông dân, các tổ chức từ thiện cũng như nhà khoa học đang ngồi lại với nhau bàn giải pháp triệt để. Nhiều ý tưởng được nêu ra, trong đó có phát triển những loài côn trùng ăn xương rồng và chế biến loài thực vật này thành nhiên liệu phục vụ cuộc sống.
Bất lực
Xương rồng lê gai được mang đến Kenya từ những năm 1900 bởi những người đi khai hoang, theo Protas Osinga, quan chức nông nghiệp huyện Laikipia. Theo thời gian, thời tiết nóng cùng sự gia tăng dân số đã biến xương rồng lê gai từ một loại cây trồng phổ biến thành mối đe dọa vượt ngoài tầm kiểm soát.
Những đợt hạn hán kéo dài, lượng mưa thấp ngày càng phổ biến ở Kenya và xương rồng là loài thực vật duy nhất có thể phát triển được trong điều kiện như vậy. Gia súc, chim, voi và khỉ đầu chó thường không có lựa chọn nào khác ngoài ăn xương rồng lê gai. Chúng chính là trung gian giúp phát tán hạt xương rồng.
Dân số tăng nhanh của Kenya cũng khiến nhu cầu sữa và thịt tăng cao, thúc đẩy các chủ trang trại tăng đàn. Do đó, xương rồng lê gai lại có thêm trung gian giúp phân tán hạt, Osinga cho biết.
Với khả năng chịu đựng khô hạn và tái sinh chỉ cần một nhánh rễ nhỏ, xương rồng lê gai phát triển như vũ bão và rất khó diệt tận gốc loài thực vật này, Lerina Legei, thành viên 80 tuổi trong hợp tác xã, nói. Trong 5 năm qua, hơn nửa trong số 1.200 nông dân sinh sống trong khu vực phải rời đi vì đất đai của họ bị xương rồng xâm lấn.
“Chăn nuôi gia súc là kế sinh nhai của chúng tôi. Xương rồng lê gai, gần như không có đối thủ, đã xâm chiếm vùng đất này, giết chết các loài thực vật bản địa, khiến cho cỏ phục vụ chăn nuôi không thể mọc đươc”, theo Florence Kakweri, một phụ nữ 42 tuổi. Bà phải chuyển đến nơi khác hồi năm ngoái sau khi cảm thấy “bất lực” trước xương rồng.
Osinga chia sẻ với tổ chức Thomson Reuters Foundation rằng khoảng 2/3 trong tổng số 6.400 hecta đất hợp tác xã đang quản lý đã bị xương rồng lê gai “xâm chiếm”.
Mù lòa và bệnh tật
Những tác động tiêu cực đến từ xương rồng không chỉ dừng lại ở “giết chết” thảm thực vật, theo Richard Karmushu, chủ tịch hợp tác xã. Chúng còn làm gia tăng tình trạng xói lở đất.
Gia súc đi vòng tránh quanh các cây xương rồng tạo nên các lối mòn trên mặt đất. Khi mưa xuống, nước sẽ theo những đường mòn đó cuốn trôi đi lớp đất yếu, tạo ra những đường rãnh sâu hoắm, chằng chịt, đan xen nhau. Khi người nông dân cố gắng loại bỏ xương rồng, những hố sâu hình thành, càng làm tình trạng xói lở thêm trầm trọng.
Ảnh hưởng lên đàn gia súc nghiêm trọng đến nỗi hầu như mọi người chăn nuôi gia súc ở Kenya đều gọi loài cây này với cái tên “xương rồng của ác quỷ”.
Thành viên của hợp tác xã cho biết vật nuôi của họ thường bị mù do mắt của chúng bị gai nhọn của xương rồng đâm trúng trong lúc tìm thức ăn.
Khi gai nhọn kia được loại bỏ, xương rồng lê gai hoàn toàn có thể trở thành nguồn thực phẩm dinh dưỡng cho cả con người cũng như vật nuôi. Nhưng nếu lọt vào trong ổ bụng, những gai nhọn đó có thể gây sưng tấy và viêm nhiễm nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong, Osinga chia sẻ.
Các sản phẩm từ xương rồng
Simon Mbuki, một điều phối viên dự án của tổ chức cứu trợ World Vision, cho biết để có thể giải quyết tận gốc vấn đề, “chúng ta sẽ cần phải kết hợp nhiều phương pháp”.
Tổ chức này đang trợ giúp các chủ trang trại tại 4 huyện tìm ý tưởng kiểm soát sự phát triển của xương rồng. Ví dụ, World Vision sẽ cũng cấp cho các chủ trang trại tại đây những dụng cụ cần thiết để nhổ loài cây này an toàn.
Dự án dự kiến kéo dài 4 năm của World Vision, được khởi động từ mùa hè năm 2018, đã giúp những người nông dân loại bỏ hoàn toàn xương rồng trên diện tích lên đến 70 hecta, Mbuki cho biết.
Do nhổ xương rồng thủ công có thể gây hại cho đất, các nhà khoa học đang kiểm chứng một phương pháp sinh học, thân thiện hơn với môi trường hơn. Họ phát triển một giống côn trùng nhỏ có khả ăn các loại xương rồng.
Sau khi làm việc với cơ quan bảo vệ thực vật Kenya, các thành viên hợp tác xã OL Joji, miền bắc Kenya, đã ứng dụng thành công phương pháp thả hàng triệu con rệp cũng như các loại côn trùng ăn xương rồng.
Các chủ trang trại cho biết loài rệp đó có thể “quét sạch” xương rồng trên diện tích đất canh tác nhất định mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng đất.
Số khác tìm ra phương pháp biến xương rồng thành “cố máy kiếm tiền”, bằng cách sử dụng chúng để tạo ra các loại nước ép, rượu, dầu và khí gas sinh học.
Nhà khoa học môi trường Francis Merinyi, đến từ Laikipia, đã chiết xuất thành công khí gas từ xương rồng lê gai trong lúc tìm kiếm một giải pháp bền vững. Năm 2018, ông lập công ty Cactigas chuyên mua các loài cây gây hại từ người nông dân để sản xuất nhiên liệu sạch.
Quá trình chế biến bao gồm việc nghiền xương rồng thành một hỗn hợp sệt, sau đó hòa chung với nước và ủ lên men. Hỗn hợp đó sẽ sinh khí metan và một số khí khác. Những khí trên sẽ được thu hồi, tinh chế và chiết nạp trong các bình chứa phục vụ cho hệ thống lò sưởi cũng như nấu nướng.
“Với phương pháp chiết xuất khí sinh học, bạn có thể tận dụng được tất cả các bộ phận của cây xương rồng. Đây là một ưu điểm so với ý tưởng chế biến nước ép và rượu”, Merinyi cho biết.
Hỗn hợp xương rồng nghiền còn có thể được sử dụng như một loại phân bón hữu cơ giúp bổ sung chất dinh dưỡng cho đất cằn cỗi do hạn hán hoặc do chính sự xâm lấn của loài cây này.
Ngăn chặn đà phát triển
Njenga Kahiro, giám đốc cơ quan lý môi trường và nguồn nước huyện Laikipia, cho biết chính quyền địa phương cam kết trợ giúp người nông dân đẩy lùi vấn nạn xương rồng.
Bên cạnh sự giúp đỡ từ các tổ chức từ thiện và doanh nghiệp như Cactigas, chính quyền địa phương đang nỗ lực thuyết phục người chăn nuôi giảm số lượng gia súc cũng như không thả rông chúng.
Cả hai biện pháp trên đều giúp làm giảm sự dịch chuyển của các loài động vật nuôi, qua đó hạn chế khả năng phát tán của hạt xương rồng. Nhà chức trách còn hướng dẫn các chủ trang trại phát triển các loài côn trùng ăn xương rồng.
Tại hợp tác xã Makurian, Mukurinu đang rất cần những biện pháp an toàn có thể giúp loại bỏ được hết số lượng xương rồng mọc trên mảnh đất của ông. Chỉ như vậy, ông và các thành viên trong gia đình mới có thể tránh được những viết thương trong quá trình nhổ bỏ loài cây này.
“Tôi hy vọng chúng sẽ biến mất mãi mãi để gia đình tôi có thể được hưởng những lợi ích từ chính mảnh đất của mình như trước kia”, ông chia sẻ.