Kênh 28 là tuyến giao thông thủy trọng yếu của huyện Cái Bè. Dọc theo hai bờ kênh có nhiều hộ dân sinh sống lâu đời và các nhà máy xay xát lúa gạo hoạt động quanh năm. Thời gian qua, do tác động của nhiều nguyên nhân khiến hai bờ kênh này xảy ra nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng, cần nguồn kinh phí lớn để khắc phục, trong khi đó nguồn kinh phí của địa phương còn hạn chế.
Trên cơ sở đề xuất của địa phương, Chính phủ đã hỗ trợ 200 tỷ đồng để thực hiện dự án khẩn cấp khắc phục tình trạng sạt lở hai bờ kênh này. UBND tỉnh Tiền Giang giao Ban quản lý Dự án các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư triển khai thực hiện.
Chủ đầu tư cho biết, dự án có tổng mức đầu tư hơn 249 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng tỉnh là 49 tỷ đồng. Dự án xây dựng các tuyến kè dài 2.373m, gồm 10 đoạn, chia làm 3 gói thầu xây lắp. Công trình có cao trình đỉnh kè +3m, cao trình vỉa hè +2,5m, phần lan can cầu kết cấu thép mạ kẽm. Thân kè kết cấu dầm sàn bê tông cốt thép M300 trên nền hệ 3 hàng cọc bê tông cốt thép M300, sàn rộng 6,5m. Chân kè từ cao trình -0,3m trở xuống được bảo vệ bằng thảm đá bọc PVC trên lớp vải địa kỹ thuật. Tại những vị trí lòng sông xói sâu cần đắp bù bao tải cát tạo mái rồi mới trải thảm đá gia cố.
Theo ông Nguyễn Đàm Thanh Tuyến, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, tuyến kè sạt lở đi qua địa bàn xã Đông Hòa Hiệp, Thiện Trung, Hậu Thành và thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè. Hiện, cả 3 gói thầu đang được khẩn trương thi công, nhà thầu đã huy động nhiều phương tiện, máy móc đến công trình thi công đóng cọc bê tông, lắp đặt rọ đá… Dự án sẽ hoàn thành cuối tháng 12/2024.
Từ ngày 30/6/2024, các gói thầu lần lượt làm lễ động thổ và triển khai thi công. Do là công trình cấp bách nên các nhà thầu triển khai thi công rất khẩn trương.
Ông Phan Thái Linh, cán bộ kỹ thuật Công ty Cổ phần Phát triển hạ tầng 116, đơn vị thi công một gói thầu tại bờ Bắc kênh 28 cho hay, nhiều lúc mưa bất chợt nên thi công khó khăn. Tuy vậy, đơn vị bố trí các ca làm việc ngày và ban đêm để đảm bảo đúng tiến độ.
Đơn vị chủ đầu tư, bộ phận tư vấn giám sát và nhà thầu phối hợp rất chặt chẽ trong việc tổ chức thi công, khắc phục những khó khăn, tháo gỡ vướng mắc. Đặc biệt, mặt bằng sạch tại công trường được chính quyền địa phương quan tâm, không để xảy ra tình trạng nhà thầu chờ đợi, ách tắc, chậm tiến độ thi công.
Dự án chống sạt lở kênh 28 rất được người dân các xã vùng dự án đồng tình ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị thi công.
Bà Hồ Thị Bé Tư, người dân ấp An Thạnh, xã Đông Hòa Hiệp phấn khởi: Trước đây ở vị trí đất của gia đình có xảy ra sạt lở, thấy ở khu vực lân cận có kè không còn lở nữa nên bà mừng lắm, di dời tài sản, cây cối, hiến đất phục vụ thi công công trình.
Từ nay đến cuối năm, dự án tiếp tục khắc phục những điểm sạt lở còn lại để ổn định đời sống của 1.350 hộ dân sống ven kênh 28 và 810 ha đất sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao.