Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Ngô Thanh Danh vừa có thư ngỏ gửi các cơ quan trên địa bàn để đề nghị nâng cao cảnh giác đối với những trường hợp lợi dụng tên tuổi ông nhằm mục đích ra oai hoặc xin xỏ.
Theo ông Ngô Thanh Danh, thời gian vừa qua có nhiều cá nhân đã mượn danh ông để có những hành vi không đứng đắn. Điều ấy đã ảnh hưởng tiêu cực đến Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông và người thân.
Ông Ngô Thanh Danh năm nay 56 tuổi, là một cán bộ đi lên từ cơ sở. Ông Ngô Thanh Danh bắt đầu sự nghiệp từ vị trí chuyên viên ở Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk. Sau khi tỉnh Đắk Lắk tách thành hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông vào năm 2004, thì ông Ngô Thanh Danh nhận công tác ở vùng đất mới, và lần lượt trải qua các chức vụ Bí thư Huyện ủy Tuy Đức, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Nông, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông rồi Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông.
Với một lộ trình công chức dài như vậy, thì dĩ nhiên những câu chuyện xung quanh cuộc đời ông Ngô Thanh Danh được nhiều người ở Đắk Nông tường tận. Thế nhưng, oái oăm là có những đối tượng tự xưng quen biết với ông Ngô Thanh Danh để thực hiện những việc không trong sáng. Để bảo vệ uy tín và danh dự bản thân, ông Ngô Thanh Danh đã lên tiếng công khai và mạnh mẽ.
Thái độ của ông Ngô Thanh Danh rất đáng ủng hộ. Bởi lẽ, Đắk Nông vẫn là một tỉnh còn nhiều khó khăn. Đắk Nông là tỉnh cuối cùng của Việt Nam có thủ phủ - Gia Nghĩa được nâng cấp từ thị xã lên thành phố vào ngày 1/1/2020. Vì vậy, ở nơi đây, rất dễ xảy ra những hệ lụy do mưu tính “cáo mượn oai hùm” gây thiệt hại cho người lương thiện ít có điều kiện kiểm chứng thông tin và tạo dư luận thị phi xáo trộn đời sống cộng đồng. Ông Ngô Thanh Danh yêu cầu các đơn vị không tiếp đón những người vỗ ngực có mối “quan hệ gần gũi” với ông, không chỉ khẳng định tư cách cá nhân nghiêm túc của Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông, mà còn góp phần ngăn chặn những động cơ thấp hèn khác.
Lâu nay, vài kẻ bẻm mép và láu cá cứ dùng chiêu trò thổi phồng về mối quan hệ riêng tư với lãnh đạo để chém gió hoặc để trục lợi, vẫn xảy ra thường xuyên. Vấn nạn ấy, chưa có phương pháp để khống chế hữu hiệu. Sự phản ứng cương quyết của ông Ngô Thanh Danh, cũng là một gợi ý đáng tham khảo.
Từ thư ngỏ của Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông - Ngô Thanh Danh, nhìn rộng ra phạm vi toàn quốc, đã đến lúc xã hội phải hình thành ý thức gìn giữ thanh danh cho lãnh đạo. Bởi lẽ, đó là nền tảng ứng xử của thời đại văn minh. Bây giờ mọi thứ đều minh bạch, không còn “áo gấm đi đêm” và càng không thể “vẽ rắn thêm chân” để lợi dụng “thấy người sang bắt quàng làm họ” nhằm chạy chọt và lừa đảo. Hơn nữa, bên cạnh lối sống gương mẫu, các lãnh đạo cũng cần xây dựng thói quen không sử dụng “lệnh miệng” trong bất kỳ hoàn cảnh nào.