Ngành chủ lực của công nghiệp nông thôn
Chế biến gỗ là ngành công nghiệp chủ lực trong phát triển công nghiệp nông thôn ở tỉnh Yên Bái. Hiện nay, một số sản phẩm chế biến từ gỗ rừng trồng có giá trị gia tăng cao như ván ép, ván ghép thanh, viên nén nhiên liệu, ván lát sàn, đồ gỗ nội thất…
Ông Phạm Trung Lân - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái cho biết: Những năm qua, ngành công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng tại Yên Bái phát triển nhanh cả về số lượng cũng như quy mô và công nghệ sản xuất.
Tỉnh đã thu hút được một số nhà đầu tư có năng lực chế biến gỗ công nghệ cao, sản xuất sản phẩm có chất lượng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu như: Dự án chế biến gỗ xuất khẩu của Công ty Cor phần JUNMA Yên Bái công suất 100.000m3/năm; dự án đầu tư nhà máy sản xuất ván sàn SPC và các sản phẩm chế tạo từ gỗ có công suất ván sàn nhựa 2 triệu m2/năm, ván lát sàn gỗ 800.000m2/, đồ gỗ nội thất 250.000 bộ/năm của Công ty TNHH China Qiuanfu Wood Co.limitted; dự án đầu tư nhà máy sản xuất đồ gỗ nội thất công suất 400.000 bộ tủ bếp/năm của Công ty TNHH Xinghua Hồng Kông; dự án đầu tư nhà máy sản xuất tủ bếp công suất 100.000 bộ/năm của công ty TNHH Sản xuất Mộc Viên; dự án đầu tư nhà máy sản xuất ván ghép thanh công suất 36.000m3/năm, sản xuất viên nén gỗ công suất 60.000 tấn/năm của Công ty Cổ phần Lâm nghiệp Hòa Phát…
Ngoài ra, nguồn nguyên liệu cũng từng bước được cơ cấu lại. Ngành nông nghiệp Yên Bái đã thực hiện phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, nâng cao chất lượng nguyên liệu, đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, rừng có chứng chỉ FSC... Đến cuối năm 2023, tỉnh Yên Bái dự kiến sẽ có khoảng 20.000ha rừng được cấp chứng chỉ rừng FSC, chứng nhận hữu cơ... tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho sản xuất.
Theo Sở Công Thương tỉnh Yên Bái, hiện toàn tỉnh có 520 cơ sở chế biến gỗ (trong đó có 44 doanh nghiệp ngoài nhà nước và 476 hộ cá thể), tập trung chủ yếu tại địa bàn các huyện Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn và TP Yên Bái. Trong đó, một số dự án sản xuất gỗ quy mô lớn và chất lượng cao như: Công ty TNHH Ngành gỗ Thiên An, Công ty TNHH Hoàng Gia Yên Bái, Công ty Cổ phần Juma Yên Bái, Công ty TNHH Kim Gia, Công ty TNHH Wood Industry; Doanh nghiệp tư nhân Đăng Khoa; Công ty TNHH Công nghệ Á Châu, Công ty TNHH Công nghệ Thiên Hòa...
Trung bình mỗi năm, sản lượng ván ghép thanh của Yên Bái đạt 5.000m3, ván ép 140.000m3; tủ bếp xuất khẩu đạt 100.000 bộ; đũa gỗ xuất khẩu đạt 700 triệu đôi; viên nén nhiêu liệu 40.000 tấn; ván bóc đạt 500.000m3, ván xẻ thanh đạt 90.000m3... Các sản phẩm từ gỗ rừng trồng của Yên Bái đã được xuất khẩu trực tiếp đến các thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc hoặc xuất qua các đơn vị trung gian tại Phú Thọ, Hà Nội.
Khó chồng khó
Từ giữa năm 2022 đến nay, trường xuất khẩu gỗ dán của nước ta giảm mạnh, tiêu thụ khó khăn do ảnh hưởng một phần bởi việc bị áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp như đang áp dụng với gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc, đặc biệt là một số doanh nghiệp sản xuất gỗ rừng trồng (gỗ dán) xuất qua đơn vị trung gian để xuất sang thị trường Hoa Kỳ. Điều này khiến ngành chế biến gỗ ở Yên Bái gặp rất nhiều khó khăn, hàng loạt cơ sở chế biến gỗ "thoi thóp" vì không tìm được đầu ra.
Theo ông Nguyễn Thái Bình - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái, từ giữa năm 2022 đến nay, do nhu cầu các thị trường nhập khẩu gỗ giảm mạnh, không có hoặc rất ít đơn hàng, từ đó làm đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu gỗ, tác động trực tiếp đến các cơ sở chế biến gỗ và các hộ dân trồng rừng, buộc nhiều cơ sở chế biến gỗ phải tạm dừng sản xuất.
Mặt khác, phần lớn các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng trên địa bàn tỉnh Yên Bái có công nghệ chế biến còn lạc hậu, năng suất và chất lượng sản phẩm chưa cao, mẫu hàng còn đơn điệu, sản phẩm có sức cạnh tranh không cao... Điều đó cũng đang là nguyên nhân trực tiếp khiến cho việc tiêu thụ gỗ chế biến từ rừng trồng thêm khó khăn.
Đặc biệt, từ giữa tháng 4/2023, Liên minh châu Âu (EU) đã có quy định sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này phải chứng minh không liên quan đến việc gây mất rừng và suy thoái rừng. Theo đó, toàn bộ những sản phẩm hàng hóa được sản xuất trên đất rừng bị chuyển đổi thành đất để sản xuất ra các sản phẩm này sau ngày 31/12/2020 thì không được nhập khẩu vào EU. Điều này càng khiến các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ khó chồng khó trong việc xuất khẩu sản phẩm từ gỗ rừng trồng sang thị trường này.
Phát triển rừng bền vững để "đi đường dài"
Để ngành công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng phát triển bền vững, tỉnh Yên Bái đang tiếp tục rà soát và làm tốt quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu tập trung, chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn để mở rộng diện tích cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC); kiểm soát việc cấp phép cho các cơ sở chế biến gỗ theo đúng tiêu chí, đảm bảo quy mô và chất lượng sản phẩm sau chế biến.
Tiếp tục ưu đãi đầu tư và khuyến khích doanh nghiệp có công nghệ cao, có khả năng chế biến sâu, với sản lượng lớn để nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm gỗ rừng trồng. Đặc biệt, có khả năng liên kết bao tiêu sản phẩm ổn định, lâu dài cho những cơ sở sơ chế nhỏ lẻ và người trồng rừng. Giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu.
Thực tế cho thấy, từ cuối năm 2022 đến nay, Yên Bái đã thu hút được 5 dự án đầu tư trong lĩnh vực chế biến nông lâm sản công nghệ cao với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 347 tỷ đồng. Điển hình là dự án nhà máy nhiên liệu sinh khối Erex Sakura Yên Bái do Công ty Cổ phần EREX (Nhật Bản) đã được khởi công vào tháng 7 vừa qua với công suất thiết kế sản xuất viên nén sinh khối 150.000 tấn sản phẩm/năm; dự án sản xuất tủ bếp công suất 100.000 bộ/năm; dự án sản xuất đồ gỗ nội thất 5.000 tấn/năm...
Theo ông Phạm Trung Lân - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái, nguyên liệu là "mạch máu" của sản xuất, vì vậy tỉnh sẽ xây dựng chính sách sử dụng gỗ tiết kiệm, áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường và khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư trồng rừng nguyên liệu.
Đồng thời, thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp nói chung, công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng nói riêng. Chú trọng thu hút nguồn vốn đầu tư FDI kết hợp với ưu tiên thu hút các dự án có giá trị gia tăng cao, công nghệ và mô hình quản trị hiện đại, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng với cả nước.
Bên cạnh đó, tập trung phát triển thị trường mới cho các sản phẩm xuất khẩu có sức cạnh tranh lớn. Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và vận hành có hiệu quả các website nhằm quảng bá thương hiệu, sản phẩm, ngành hàng. Giới thiệu quảng bá thương hiệu, sản phẩm, doanh nghiệp trên website chuyên về xúc tiến đầu tư - thương mại, trên sàn giao dịch điện tử của tỉnh nhằm giúp doanh nghiệp có cơ hội giao thương, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh.
Tỉnh Yên Bái tiếp tục tăng cường công tác thông tin, phổ biến các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới giúp các doanh nghiệp nắm vững, chủ động phát triển sản xuất kinh doanh, hội nhập kinh tế quốc tế. Tiếp tục hỗ trợ để xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, truy xuất nguồn gốc… đảm bảo hàng hoá đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu, đến được với các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản...