| Hotline: 0983.970.780

Yên Bái xây dựng 20 sản phẩm OCOP

Chủ Nhật 21/07/2019 , 07:57 (GMT+7)

Giai đoạn 2019 - 2020 tỉnh Yên Bái đã và đang xây dựng 20 sản phẩm OCOP có giá trị kinh tế cao.

Mục đích thực hiện chủ trương của Chính phủ xây dựng mỗi xã một sản phẩm, từ đó “phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị.

Ngày 7/5/2018 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 490/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020, năm 2019 tỉnh Yên Bái xây dựng 5 sản phẩm OCOP hạng 3 sao là: Miến đao Giới Phiên, chè Shan tuyết Suối Giàng, tinh dầu quế Văn Yên, gạo Séng Cù, bưởi Đại Minh.

Miến đao Giới Phiên SX theo phương pháp truyền thống.

Các sản phẩm này đều là những đặc sản nổi tiếng của Yên Bái đã được người tiêu dùng trong nước biết đến từ lâu.

Miến đao Giới Phiên sản phẩm của người dân xã Giới Phiên, TP. Yên Bái. Sợi miến nhỏ, màu xám, dai, giòn không nát được SX bằng bột dong riềng nguyên chất không pha trộn các loại bột khác, nhất là không sử dụng các loại hóa chất trong quá trình SX. Ngày 13/1/2016 Cục Sở hữu trí tuệ ban hành QĐ số 1430/QĐ-SHTT cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu độc quyền cho HTX miến đao Giới phiên.

Bưởi Đại Minh được phát hiện cách nay khoảng 300 năm ở thôn Khả Lĩnh, xã Đại Minh, huyện Yên Bình. Bưởi Đại Minh da mỏng màu xanh, khi chín chuyển sang màu vàng nhạt, quả tròn chỉ to hơn cái bát ăn cơm một chút. Múi bưởi đều, tép mọng nước và ráo, ngọt mát, có mùi thơm đặc biệt, bưởi có thể để qua tháng Giêng nhưng không bị gạo như nhiều giống bưởi khác.

Bưởi Đại Minh được cấp nhãn hiệu độc quyền.

Trong dân gian còn truyền tụng hàng năm các quan lại địa phương đều dâng những sản vật quý lên nhà vua, trong đó có bưởi Đại Minh. Từ đó gọi là vùng “bưởi tiến vua”. Ngày 16/11/2016 Cục Sở hữu Trí tuệ cấp nhãn hiệu bảo hộ độc quyền “Bưởi Đại Minh” cho huyện Yên Bình.

Chè Suối Giàng là giống chè Shan, từ lâu đã nổi tiếng trên thế giới mọc thành rừng cổ thụ trải rộng hàng trăm hec ta trên độ cao từ 800-1.400m. Búp chè phủ một lớp lông tơ trắng mịn như tuyết phủ, nên gọi là chè san tuyết, hội tụ 3 yếu tố: Hương thơm-vị đậm- nước xanh.

Cây chè cổ thụ Suối Giàng.

Chè Suối Giàng là chè sạch, cây đặc sản của vùng núi cao Yên Bái. Sản phẩm chè Suối Giàng đang được người dân chế biến theo phương pháp thủ công và hiện đại, chè búp tươi có giá từ 30.000- 50.000đ/kg, giá chè khô được bán với giá 250.000đ- 2,5 triệu/kg.

Gạo Séng Cù được cấy ở cánh đồng Mường Lò, hạt gạo dài và trong, đây là giống lúa thuần nhập ngoại được cấy chủ yếu vụ xuân. Người dân gọi là Ngọc sương, cơm mềm, dẻo và ăn rất đậm.

Gạo Séng Cù có giá từ 20.000- 25.000đ/kg, mỗi năm TX. Nghĩa Lộ và người dân trên cánh đồng Mường Lò chỉ SX được khoảng 500-800 tấn.

Tinh dầu quế Văn Yên được chưng cất từ cành, lá và vỏ cây quế trồng trên huyện Văn Yên. Văn Yên hiện có 40.019,2 ha quế, mỗi năm khai thác trên 9.500 tấn quế vỏ, 300 tấn tinh dầu, 65.000 m3 gỗ, tổng giá trị thu nhập trong nhân dân khoảng 550-600 tỷ đồng.

Tinh dầu quế Văn Yên trưng bày trong Lễ hội quế.

Tinh dầu quế được sử dụng trong y học, có 16 tác dụng cho sức khỏe, sắc đẹp, tâm sinh lý phái nữ. Mỗi lít tinh dầu quế có giá 420.000-450.000đ/lít, có năm 600.000đ/lít. Nhiều nước trên thế giới nhập khẩu tinh dầu quế Văn Yên: Trung Quốc, Ấn Độ, Siri Lanka…

Năm 2020 Yên Bái xây dựng 15 sản phẩm OCOP, trong đó có những sản phẩm nổi tiếng từ mấy chục năm: Gạo nếp Tú Lệ, cam Lục Yên, cá hồ Thác Bà, mật ong rừng Mù Cang Chải, Sơn tra Mù Cang Chải, cao Thiên Y, Rượu Bách Chi, du lịch cộng đồng Nậm Khắt và TX. Nghĩa Lộ…

Những sản phẩm OCOP của Yên Bái vừa có giá trị kinh tế vừa có giá trị văn hóa bản địa đậm đà bản sắc của các dân tộc vùng núi Tây Bắc.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.