| Hotline: 0983.970.780

Yên Bình cập bến

Chủ Nhật 25/12/0203 , 08:54 (GMT+7)

Yên Bái Khởi đầu hành trình xây dựng nông thôn mới nhiều khó khăn thách thức, với các giải pháp bài bản, khoa học, người dân đồng lòng đã đưa huyện Yên Bình cập bến trước hạn định.

Quang cảnh trung tâm huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái). Ảnh: Thanh Tiến.

Quang cảnh trung tâm huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái). Ảnh: Thanh Tiến.

Thu nhập thấp, hộ nghèo cao khi xuất phát xây dựng NTM

Huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái) có diện tích tự nhiên gần 80.000ha, dân số hơn 110.000 người, gồm 5 dân tộc chính là Kinh, Tày, Nùng, Dao, Cao Lan. Năm 2011, bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), toàn huyện có 6 xã đặc biệt khó khăn, xuất phát điểm các tiêu chí NTM thấp, bình quân mỗi xã chỉ đạt 4 - 5 tiêu chí. Quy mô kinh tế nhỏ lẻ, kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập, hạn chế, thu nhập bình quân đầu người hơn 17 triệu đồng/năm, số hộ nghèo chiếm 26,7%.

Bí thư Huyện ủy Yên Bình tham gia làm đường bê tông cùng người dân. Ảnh: Thanh Tiến.

Bí thư Huyện ủy Yên Bình tham gia làm đường bê tông cùng người dân. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông An Hoàng Linh, Bí thư Huyện ủy Yên Bình cho biết, xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII đặt mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2025. Chú trọng xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn. Phát triển nông nghiệp bền vững, có trách nhiệm, thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ kết hợp với phát triển du lịch nông thôn và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. 

Quan tâm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất tại nông thôn, củng cố, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Hỗ trợ, hướng dẫn các HTX, tổ hợp tác đổi mới về công tác quản lý, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tham gia liên kết sản xuất chuỗi, đa dạng hóa các loại hàng hóa, đầu tư chế biến nâng cao giá trị sản phẩm nông sản. Hiện toàn huyện có 121 hợp tác xã, 674 tổ hợp tác với hơn 2.000 lao động thường xuyên, thu nhập bình quân 63 triệu đồng/người/năm.

Ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc HTX đặc sản bưởi Đại Minh cho biết: Trước đây, các hộ dân trồng bưởi theo kiểu tự phát, không có liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nên mạnh ai nấy làm. Giá bưởi bấp bênh theo giá thương lượng của từng hộ với tư thương. Năm 2019, HTX được thành lập, các thành viên hỗ trợ nhau trong chăm sóc, thụ phấn và tiêu thụ theo đầu mối chung. Từ đó vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị thu nhập. Năm 2021, sản phẩm bưởi của HTX được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao của tỉnh Yên Bái. 

Người dân tự nguyện hiến 150.000m2 đất 

Ông Nguyễn Văn Định, người dân xã Đại Minh, huyện Yên Bình chia sẻ, những năm trước đây, các tuyến đường trong thôn, xã chủ yếu là đường đất, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, giao thương buôn bán gặp nhiều trở ngại. Theo chương trình phát triển giao thông nông thôn của tỉnh, nhà nước đầu tư vật liệu xi măng, cát, sỏi; người dân hiến đất, góp tiền, ngày công lao động để làm đường. Gia đình ông Định cũng đã hiến hơn 200 m2 đất vườn, chặt bỏ hàng chục cây bưởi để mở rộng đường. 

Bí thư Huyện ủy Yên Bình tham gia chương trình Ngày cuối tuần cùng dân. Ảnh: Thanh Tiến.

Bí thư Huyện ủy Yên Bình tham gia chương trình Ngày cuối tuần cùng dân. Ảnh: Thanh Tiến.

Từ năm 2011 đến nay, toàn huyện đã bê tông hóa hơn 630km đường giao thông nông thôn, mở mới được hơn 30km đường đất. Hệ thống giao thông được kiên cố hóa gần 90%, tổng nguồn lực đầu tư gần 900 tỷ đồng.

Phong trào hiến đất, tài sản trên đất làm đường giao thông và xây dựng các công trình công cộng như nhà văn hóa, điện, công trình thủy lợi diễn ra sôi nổi, rộng khắp ở các địa phương. Qua đó, nhân dân đã đóng góp gần 200 tỷ đồng, tự nguyện hiến 150.000m2 đất, tham gia hơn 5.000 ngày công lao động để thực hiện xây dựng NTM. 

Đến nay chương trình NTM ở huyện Yên Bình đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tất cả 22 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 7 xã NTM nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đến hết năm 2023 đạt hơn 53 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 96%, hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,57%.

Diện mạo nông thôn ở Yên Bình đã có nhiều đổi thay rõ rệt nhờ chương trình xây dựng NTM. Ảnh: Thanh Tiến.

Diện mạo nông thôn ở Yên Bình đã có nhiều đổi thay rõ rệt nhờ chương trình xây dựng NTM. Ảnh: Thanh Tiến.

Hệ thống thủy lợi được nâng cấp, cải tạo với gần 480 công trình, tỷ lệ được kiên cố hóa đạt 71%, đảm bảo diện tích đất nông nghiệp được tưới, tiêu chủ động, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất và thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở các địa phương.

Hiện nay, 100% hộ dân sử dụng điện thường xuyên và an toàn, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và tạo điều kiện thuận lợi cho ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.

Nghề nuôi cá lồng phát triển mạnh, mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân. Ảnh: Thanh Tiến.

Nghề nuôi cá lồng phát triển mạnh, mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân. Ảnh: Thanh Tiến.

Toàn huyện có 55 trường học đạt chuẩn Quốc gia, tất cả các xã được xây dựng mới nhà văn hoá, hội trường đa năng, gần 140 nhà văn hóa thôn được xây dựng, nâng cấp khang trang, rộng rãi, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Bà Bùi Thị Lợi, Bí thư Chi bộ thôn Khe Gầy, xã Tân Hương, huyện Yên Bình vui vẻ nói, mấy năm gần đây xây dựng NTM đã trở thành phong trào thi đua ở các địa phương, thấy thôn bạn có đường bê tông, nhà văn hóa khang trang, mọi người dân trong thôn cũng nô nức đóng góp tiền, công lao động, hiến đất để thực hiện các tiêu chí. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước không còn, thay vào đó bà con tự giác, tự nguyện đóng góp.

Tận dụng lợi thế vùng hồ Thác Bà để phát triển nông nghiệp và du lịch

Trong phát triển nông nghiệp, hiện nay huyện Yên Bình đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa như: Vùng trồng rừng trên 32.000ha, vùng cây ăn quả có múi trên 2.000ha (trong đó bưởi Đặc sản Đại Minh hơn 1.000ha), vùng nuôi trồng thủy sản trên 2.000 lồng với hơn 240ha mặt nước nuôi cá trên hồ Thác Bà, vùng trồng chè chất lượng cao gần 500ha, cây dược liệu hơn 100ha... Toàn huyện đã xây dựng được hơn 40 sản phẩm OCOP và 15 dự án liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, đời sống người dân vùng nông thôn.

Diện tích trồng dưa hấu ở huyện Yên Bình góp phần tăng thu nhập cho các hộ dân. Ảnh: Thanh Tiến.

Diện tích trồng dưa hấu ở huyện Yên Bình góp phần tăng thu nhập cho các hộ dân. Ảnh: Thanh Tiến.

Bà Đào Thị Thanh Hiền, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Yên Bình cho biết, các vùng sản xuất hàng hóa khá lớn bước đầu được hình thành, duy trì hiệu quả các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho thu nhập cao như bưởi Đại Minh, chè xanh Hán Đà, gạo Bạch Hà, cá hồ Thác Bà, lợn thịt, cây dược liệu lá khôi, măng tre Bát Độ…

Song song với phát triển nông nghiệp, huyện Yên Bình còn tập trung phát triển du lịch bởi có vùng hồ Thác Bà có tổng diện tích gần 24.000ha, với hơn 1.300 đảo lớn nhỏ được ví như “Vịnh Hạ Long trên núi”. Những năm gần đây, các cấp ngành của tỉnh, huyện đã thu hút, mời gọi được một số nhà đầu tư có tiềm năng vào khảo sát, triển khai dự án đầu tư phát triển du lịch như Tập đoàn Alphanam, Tập đoàn Sungroup, Công ty Cổ phần Flamigo Holding Group... 

Hình thành một số sản phẩm du lịch đặc trưng thu hút khách trong nước và quốc tế, như du lịch tâm linh với điểm nhấn là Lễ hội Đền mẫu Thác Bà, Đình Làng Khả Lĩnh, Đình Làng Ba Chãng; du lịch nghỉ dưỡng, ngắm cảnh trên hồ, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá bản sắc các dân tộc tại các xã Vũ Linh, Phúc An, lễ hội Bưởi Đại Minh, đua thuyền trên Hồ Thác Bà. Mỗi năm, Yên Bình thu hút trên 250.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm trên 30%, doanh thu đạt 170 tỷ đồng/năm.

Hàng năm doanh thu từ hoạt động du lịch của huyện đạt hơn 170 tỷ đồng. Ảnh: Thanh Tiến.

Hàng năm doanh thu từ hoạt động du lịch của huyện đạt hơn 170 tỷ đồng. Ảnh: Thanh Tiến.

Sau chặng đường dài vượt qua nhiều sóng gió, con thuyền Yên Bình đã cập bến NTM trước thời hạn 2 năm. Những kết mà công cuộc NTM mang lại sẽ là nền tảng quan trọng cho vùng đất này vững bước phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tiếp theo, góp phần xây dựng diện mạo nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại.

Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân quản lý, dân hưởng lợi”, trong 13 năm xây dựng NTM, người dân huyện Yên Bình đã tự nguyện đóng góp trên 5.000 ngày công lao động, hiến hơn 150.000m2 đất, tích cực đóng góp vật tư, vật liệu, máy móc để thực hiện các tiêu chí NTM. Tổng nguồn vốn đầu tư trên 3.000 tỷ đồng, trong đó xã hội hoá, cộng đồng dân cư đóng góp gần 200 tỷ đồng. 

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Cách làm hay ở Bắc Giang [Bài 1]: Cán bộ làm gương

Khéo léo tuyên truyền vận động nhân dân, sáng tạo trong cách làm, xã Xuân Cẩm đã thực hiện được tiêu chí khó trong xây dựng NTM nâng cao, đó là hiến đất '0 đồng'.

Huyện Châu Đức có thêm 12 sản phẩm OCOP

BÀ RỊA - VŨNG TÀU Mới đây, huyện Châu Đức đã công bố và trao quyết định công nhận cho 12 sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao. Đây là những sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của địa phương.