| Hotline: 0983.970.780

Yên Thành cán đích nông thôn mới: Quê lúa đón thành quả ngọt ngào

Thứ Tư 22/04/2020 , 05:35 (GMT+7)

Phát huy sức mạnh hệ thống chính trị, triển khai đồng bộ, lựa chọn nội dung phù hợp, đúng trọng tâm là những yếu tố tiên quyết giúp Yên Thành cán đích nông thôn mới.

Diện mạo nông thôn Yên Thành ngày một chuyển biến mạnh mẽ. Ảnh: Việt Khánh.

Diện mạo nông thôn Yên Thành ngày một chuyển biến mạnh mẽ. Ảnh: Việt Khánh.

Giá trị truyền thống

Yên Thành là huyện đồng bằng bán sơn địa, nằm về phía Đông Bắc tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh 50km.

Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng bộ và nhân dân trong huyện đã có nhiều hy sinh, đóng góp to lớn. Lúc này Đảng bộ huyện có 12.163 đảng viên với 45 đảng bộ, 38 Chi bộ trực thuộc, trong nhiều năm liền được công nhận danh hiệu “Đảng bộ trong sạch vững mạnh”.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định 524/QĐ-TTg công nhận huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.

Như vậy hiện Nghệ An đã có 4 huyện, thành thị được Chính phủ công nhận đạt chuẩn, bao gồm: thành phố Vinh, thị xã Thái Hòa, huyện Nam Đàn và huyện Yên Thành.

Với những cống hiến thiết thực trong gian đoạn mưa bom bão đạn và những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế- xã hội thời kỳ đổi mới, năm 1993 nhân dân và các lực lượng vũ trang nhân dân huyện Yên Thành vinh dự được Đảng, nhà nước phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, năm 2018 được Chính phủ tặng thưởng “Huân chương Lao động hạng Nhất”, cùng với đó là nhiều bằng khen của Chính phủ, Bộ, ngành trung ương và địa phương.

Yên Thành còn được biết đến là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, là quê hương của nhiều anh hùng, hào kiệt, chí sỹ cách mạng (Bạch Liêu, Lê Doãn Nhã, Phan Đăng Lưu…

Dù trong thời kỳ nào, Đảng bộ và nhân dân luôn tin tưởng, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, điều này tiếp tục được thể hiện đậm nét qua phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Phát huy truyền thống Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, xuyên suốt 10 năm qua Yên Thành đã không ngừng nỗ lực, đoàn kết, sáng tạo để tạo nên kỳ tích: Huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Nhìn lại hành trình đã qua, dễ thấy thành quả hôm nay không đến một cách ngẫu nhiên, trên chặng đường dài cũng không hẳn trải đầy hoa hồng.

Thực tế ngay khi xắn tay vào việc Yên Thành đối mặt với cả núi gian nan, thách thức, đó là bất lợi về vị trí địa lý, là huyện thuần nông với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; là tính cách bảo thủ, trì trệ, tự thỏa mãn ở một số bộ phận; là xuất phát điểm tương đối thấp (Năm 2010 bình quân toàn huyện đạt 6,81 tiêu chí/xã, thu nhập bình quân đầu người 13,92 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao 9,42%)…

Trong khi đó, chương trình MTQG xây dựng NTM có tính chất quy mô, có nhiều điểm mới trong xây dựng phát triển khu vực nông thôn, muốn đáp ứng đòi phải thay đổi nhận thức và cách làm.

Sự sâu sát đến từ các cấp lãnh đạo là yếu tố then chốt. Ảnh: Việt Khánh.

Sự sâu sát đến từ các cấp lãnh đạo là yếu tố then chốt. Ảnh: Việt Khánh.

Mặc dù có bước khởi đầu khá chuệch choạch, tuy nhiên nhờ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp các ngành, trên hết là sự đồng thuận, tích cực hưởng ứng của cộng đồng dân cư đã tạo nên bước chuyển quan trọng.

Vượt lên tất cả, sau 10 năm quê lúa Yên Thành đang cho thấy sự đổi thay mạnh mẽ, toàn diện. Ghi nhận năm 2019 tổng giá trị sản xuất đạt 10.809 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 8.500 tỷ đồng, những con số quả thực không biết nói dối.

Lý thuyết song hành với thực tiễn, chính mức sống đảm của người dân khu vực nông thôn (đạt 42,43 triệu đồng/người/năm, cao hơn gấp 3 lần năm 2010) là thước đo chuẩn xác nhất

Lộ trình bài bản

Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt của Đảng bộ và nhân dân trên địa bàn, ngay từ khi bắt đầu triển khai, Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Thành đã tổ chức hội nghị quán triệt Nghị quyết các cấp đến các chi bộ cơ sở.

Trên tinh thần đó, Ban Thường vụ Huyện ủy phân công các đồng chí trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ phụ trách các cụm điểm để trực tiếp hướng dẫn các xã xây dựng kế hoạch, lộ trình một cách bài bản và và hiệu quả nhất.

Không áp dụng dàn trải, chung chung, đó là tinh thần xây dựng NTM tại Yên Thành. Thực tế chỉ rõ, ngay từ ban đầu Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện đã lựa chọn 3 xã Sơn Thành, Phúc Thành Và Nam Thành đại diện cho 3 vùng vùng đồng bằng, bán sơn địa và miền núi để làm điểm chỉ đạo.

Nhờ phát huy tính dân chủ, sáng tạo của địa phương, nêu cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Đồng thời tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy vai trò chủ thể của chính người dân nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ, chủ trương trên đã mang lại thành công mỹ mãn.

Phát huy sức mạnh toàn dân là nền tảng xây dựng nông thôn mới bền vững. Ảnh: Việt Khánh.

Phát huy sức mạnh toàn dân là nền tảng xây dựng nông thôn mới bền vững. Ảnh: Việt Khánh.

Kết quả xã Sơn Thành được UBND tỉnh Nghệ An công nhận đạt chuẩn năm 2013, vinh dự là đơn vị cấp xã đầu tiên của tỉnh Nghệ An làm được điều này. Chỉ 1 năm sau cả 2 xã Nam Thành và Phúc Thành cũng được hưởng niềm vui tương tự.

Từ thực tiễn, Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Trước tiên phải xác định nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân khu vực nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi; thu hút và triển khai các dự án đầu tư nhằm tạo đà chuyển dịch lao động nông thôn, đẩy nhanh tiến độ phát triển.

Hai là ban chỉ đạo các xã phải chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể từng tiêu chí để đôn đốc thực hiện…

“Đối diện với không ít khó khăn, thách thức nhưng nhờ biết phát huy sức mạnh toàn hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, sâu sát, quyết liệt, tổ chức lựa chọn đúng điểm, đúng xã, đúng tiêu chí để triển khai, sau 10 năm Yên Thành đã đạt được những kết quả toàn diện, nổi bật. Điện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, quy chế dân chủ cơ sở thực hiện tốt, an ninh trật tự xã hội được tăng cường, hệ thống chính trị được cũng cố, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao”, ông Phan Văn Tuyên, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành.

Nhằm hướng đến hình ảnh nông thôn mới thực chất, bền vững, muốn làm được bắt buộc phải “nói không với căn bệnh thành tích”, cần loại bỏ ngay tư tưởng này để tránh bị “gặm nhấm” âm ỉ về sau. Thực hiện sâu sát các quy định của Luật Đầu tư công và Chỉ thị của Chính phủ, của UBND tỉnh, UBND huyện đã chỉ đạo đồng bộ các giải pháp, tập trung xây dựng hạ tầng quỹ đất, tạo kinh phí chi trả nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước ngày 01/01/2015.

Từ đấy đến nay, địa phương ưu tiên bố trí toàn bộ ngân sách thu được từ cấp quyền sử dụng đất được hưởng và các nguồn thu khác để hỗ trợ cho các địa phương. Đến thời điểm này toàn huyện Yên Thành không có nợ đọng NTM đối với các công trình xây dựng cơ bản.

Hoa thơm trái ngọt

Xác định phát triển sản xuất là mục tiêu trọng tâm, giai đoạn vừa qua huyện Yên Thành đã triển khai đồng bộ các giải pháp theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp và liên kết 4 nhà.

Quá trình thực hiện, địa phương đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, mạnh dạn đưa các giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao vào áp dụng. Nhìn chung với những gì đang có, Yên Thanh xứng đáng là lá cờ đầu về lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn Nghệ An.

Thực tế, giai đoạn 2011-2019 toàn huyện đã xây dựng đến 346 mô hình phát triển sản xuất, tổ chức khoảng 900 lớp chuyển giao khoa học- kỹ thuật với gần 100.000 lượt người tham gia.

Về trồng trọt, trên 95% diện tích đã được cơ giới hóa trong khâu làm đất, thu hoạch. Hàng loạt mô hình (cam xã Đoài, bưởi da xanh, bưởi Diễn, ổi, na, dứa quả, rau sạch…) cho giá trị kinh tế vượt trội, nhiều hộ gia đình đang tận hưởng cuộc sống sung túc, đủ đầy với mức thu nhập cao chót vót.

Những cánh đồng lớn được hình thành với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn mạnh đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Ảnh: Việt Khánh.

Những cánh đồng lớn được hình thành với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn mạnh đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Ảnh: Việt Khánh.

Đặc biệt, huyện đã xây dựng và duy trì bền vững 33 cánh đồng lớn sản xuất lúa, ngô tập trung  tại các xã Thọ Thành, Liên Thành, Hoa Thành, Tân Thành, Công Thành, Long Thành, Hồng Thành, Khánh Thành, Vĩnh Thành...

Giá trị thiết thực từ đồng ruộng đã góp phần quan trọng thay đổi nhận thức của người dân, giúp họ từng bước chuyển đổi hình thức từ tự cung tự cấp, manh mún nhỏ lẽ sang liên kết theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, vừa giảm chi phí lại tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.  

Song song với đó, huyện cũng đẩy mạnh thu hút đầu tư, liên kết với các doanh nghiệp để khuyến khích nông dân tích cực bám ruộng đồng.

Qua 10 năm, địa phương hình thành được 200 mô hình với diện tích liên kết hơn 2.000 ha/vụ, đối tác là những “ông lớn” đầy tiềm năng như Công ty cổ phần Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp Nghệ An, Tập đoàn ThaiBinh Seed, Tập đoàn Vinaseed, Công ty Công nông nghiệp Thái Bình, Công ty INAD thuộc Tập đoàn TH, Công ty Khang Long…

Giai đoạn 2010-2019 tình hình thế giới ghi nhận nhiều biến động, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, tình trạng lạm phát tăng cao buộc Chính phủ phải thắt chặt đầu tư công, điều này ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế- xã hội khắp cả nước.

Dù vậy, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị xuyên suốt từ cấp huyện xuống cơ sở nên tốc độ tăng trưởng của Yên Thành vẫn duy trì khá ấn tượng: Năm 2019 đạt 9,35%, cao hơn mức bình quân chung toàn tỉnh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; thu ngân sách hàng năm đạt trên 380 tỷ đồng; huyện có hơn 15.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài, hàng năm gửi về trên 200 triệu USD; tỷ lệ việc làm qua đào tạo có việc làm đạt 49,7%; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,42% năm 2010 còn 1,92% năm 2019…

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Thái Nguyên có 240 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP

Trong số các sản phẩm OCOP của Thái Nguyên, có 155 sản phẩm đạt 3 sao, 83 sản phẩm đạt 4 sao và 2 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia.