Ngày 25/11, ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đã ký văn bản gửi các cơ quan chức năng về triển khai thanh tra công tác đảm bảo an toàn lao động, tai nạn lao động tại thủy điện Plei Kần (xây dựng tại 2 huyện Ngọc Hồi và Đắk Tô) do Công ty Cổ phần Tấn Phát làm chủ đầu tư.
Đây là thủy điện mà Báo Nông Nghiệp Việt Nam đã nhiều lần đưa tin về sự “ngang bướng” khi liên tục tích nước trái phép, gây thiệt hại nghiêm trọng cho hơn 300 ha đất sản xuất của người dân.
Trước đó vào ngày 25/5, thủy điện Plei Kần khi đang thi công đã xảy ra vụ tai nạn lao động khiến 3 người chết, 3 người bị thương. Vụ việc xảy ra nửa năm nay nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có kết luận điều tra.
Trước sự việc này, trong văn bản mới nhất, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn yêu cầu Sở Lao động Thương binh và Xã hội căn cứ kết luận của đoàn điều tra tai nạn lao động tại thủy điện Plei Kần vào ngày 1/6 để tham mưu UBND tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy.
Trong trường hợp chưa có kết luận chính thức, yêu cầu Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương thành lập đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra công tác đảm bảo an toàn lao động tại thủy điện Plei Kần. Nếu không chấp hành, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội phải chịu trách nhiệm trước Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cũng yêu cầu các đơn vị như Công an tỉnh, Sở Công thương, Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của ngành và nhiệm vụ được giao khẩn trương báo cáo kết quả vụ tai nạn lao động tại thủy điện Plei Kần. Kết quả triển khai các nhiệm vụ, báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 30/11.
Trường hợp đơn vị nào chậm hoặc không tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo về nội dụng và thời gian đúng quy định thì Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
Như Báo Nông Nghiệp Việt Nam đưa tin, vào cuối tháng 9 và tháng 10/2020, công trình thủy điện Plei Kần với công suất 17MW dù chưa đủ điều kiện và chưa được phép nhưng đã tự ý tích nước làm ngập hoa màu, nhà cửa, đường đi vào khu sản xuất của người dân khiến dư luận rất bức xúc.
Ngay sau đó, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) và Sở Công thương Kon Tum đã yêu cầu dừng tích nước nhưng Công ty này phớt lờ để tích nước.
Quan ngại hơn, công trình thủy điện này còn tích nước trái phép vào đúng thời điểm bão số 9 đổ bộ vào đất liền ngày 28/10. Mặc dù đã chỉ đạo liên tục, nhưng Công ty Tấn Phát vẫn phớt lờ.
Sau đó, UBND tỉnh Kon Tum ra văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng đánh giá toàn diện việc xây dựng thủy điện Plei Kần.Tuy nhiên, bất chấp chỉ đạo của tỉnh Kon Tum và Trung ương, thủy điện Plei Kần vẫn để tiếp tục tích nước, vận hành máy cho chuyên gia Trung Quốc kiểm tra kỹ thuật.
Hậu quả, hơn 300 ha đất sản xuất của người dân bị thiệt hại nghiêm trọng. Nhiều vườn cây cà phê chín rụng nhưng không thể thu hoạch đã khiến hơn 60 hộ dân rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần bủa vây.