| Hotline: 0983.970.780

Còn phải học láng giềng dài

Thứ Hai 14/03/2011 , 10:14 (GMT+7)

Đó là khẳng định của tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Khải khi chúng tôi trao đổi với ông về các giải pháp nhằm tiết kiệm năng lượng một cách hiệu quả hơn.

Tiến sĩ Khải dạy về tiết kiệm điện cho người dân
Đó là khẳng định của tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Khải khi chúng tôi trao đổi với ông về các giải pháp nhằm tiết kiệm năng lượng một cách hiệu quả hơn.

Dân ta chơi ngông

Tôi đến tư gia của ông Khải trong một hôm trời râm mưa bụi lất phất và chúng tôi ngồi dưới ánh sáng được thắp từ hệ thống pin mặt trời 80 Watt được ông đặt, làm cùng người Trung Quốc. Lật giở tập hóa đơn tiền điện dày cộm, ông đưa cho tôi rồi nói: “Đây, hóa đơn tiền điện các tháng dùng pin mặt trời kết hợp với đèn led chỉ 42-57.000đ, còn không dùng toàn trên 400.000đ/tháng. Trừ máy giặt, điều hòa, bàn là, nồi cơm điện, ti vi, vi tính…dùng điện lưới, tất cả hệ thống chiếu sáng của nhà tôi giờ bằng bóng led hết”.

Mào đầu về chủ đề tiết kiệm năng lượng, vị tiến sĩ nổi tiếng này cắt nghĩa: “Thế nào là tiết kiệm năng lượng? Nghĩa là sử dụng hợp lý và hiệu quả. Hợp lý sao cho 1 Watt điện ta có lượng sản phẩm cao nhất, tốt nhất. Muốn tiết kiệm năng lượng ta phải có những thiết bị biến điện năng thành cơ năng, hóa năng, nhiệt năng, từ năng…tốt. Tư duy thích giá rẻ chỉ dính đồ đểu thôi. Trong quá trình sản xuất phải liên tục mới tiết kiệm còn ở ta sản xuất tùy tiện, ngắt quãng thì không thể tiết kiệm. Sản xuất đi kèm với tái sử dụng năng lượng lại càng tiết kiệm hơn".

Theo ông Khải, ở ta có nhiều nguồn năng lượng sạch, tái tạo tuyệt vời: “Thứ nhất phải kể đến biogas. Chăn nuôi hiện nay của chúng ta rất nhiều. Hộ nhỏ cũng chục con lợn, hộ lớn trăm con, trang trại cả ngàn con, thậm chí ba bốn ngàn con, lượng phân, nước tiểu cực lớn khiến cho môi trường ô nhiễm. Theo tính toán cứ khoảng 6 con lợn cộng với 6 người là lượng chất thải thừa để ủ biogas phục vụ cho nhu cầu chất đốt: Tất cả các nơi tôi đến xem biogas đều không đạt tiêu chuẩn vì làm ẩu nhưng đa số đều thừa khí để đốt, tuy nhiên khí còn bẩn nên chóng gây hỏng thiết bị. Thứ hai, đất nước mình có dải bờ biển dài, nhiều khe núi, năng lượng gió rất lớn, có thể phát điện gió ở mức 400 Watt/gia đình rất tốt. Trước đây, tôi thường nghe người ta nói ở VN nơi nhiều nắng nhất khoảng 2.200h/năm và ít hơn là khoảng 1.900h/năm. Vừa rồi thí nghiệm ở Cà Mau đo được tới 3.500h/năm, ở Hà Nội cỡ 3.200h/năm. Công nghệ làm pin mặt trời giờ cũng khác xưa rồi, lúc trước hiệu suất chỉ cỡ 10% giờ đã là 16%. Nhân chuyện năng lượng tái tạo, tôi đang đề nghị quay lại sản xuất những thủy điện mini, trước loại này ở miền núi rất nhiều giờ bị bỏ đi nhiều. Chúng ta cần quay lại loại thủy điện này để chạy các đèn led cho các trường, lớp học ở các bản đang phải dùng nến, đèn dầu".

Ông Khải nói thêm: "Một cái đèn led 2,1Watt sáng bằng bốn cái nến đường kính 2cm. Một số trang trại ở gần biển đang đồng ý để cho tôi triển khai điện thủy triều công suất nhỏ cũng với mục đích thắp sáng, bảo vệ. Thắp sáng trong nông nghiệp như cho hoa, quả trái vụ cũng rất cần bóng tiết kiệm. Trong Tết tôi nhận được 18 cú điện thoại của bà con Ninh Thuận đòi “bao vé” cho tôi bay vào ăn Tết cùng họ vì trúng mùa, trúng giá thanh long một phần do đèn tiết kiệm điện. Hay như hệ thống thắp sáng cho gà trong Cty chăn nuôi ở Lạc Vệ (Bắc Ninh) tiền điện giảm 50%, lượng trứng tăng 5%”.

Theo tiến sĩ Khải, không cần nói đâu xa, so với người Lào, chúng ta đã không biết tiết kiệm năng lượng. Từ cửa khẩu U Đon về đến Viên Chăn mấy chục cây số đều tăm tắp thắp đèn led ngoài đường. Nhiều nhà chùa của họ cũng thắp đèn led công suất từ 12-24 Watt còn ở VN đèn led mới dùng trong quảng cáo, trang trí. Người Lào sử dụng hợp lý điện có lẽ bởi vì người ta nghèo quá nên biết chọn đèn, chọn chỗ treo đèn tốt hơn ở ta. Chúng ta đang hô hào dùng tất bóng compact là sai mà chỉ dùng ở những nơi vị trí đèn treo không cao, diện tích chiếu sáng nhỏ đằng này có trạm xăng mắc 180 bóng compact, có hội trường cao 12m cũng mắc compact là phản tiết kiệm.

Người Lào họ không thắp bóng nóng sáng trong các đèn ốp trần mu rùa ở ngoài ban công vì dễ cháy và mắc đèn ống huỳnh quang T8 trong nhà. Ở ta lắp bóng huỳnh quang T10, công suất 40 watt, đường kính 3,4cm cho quang năng cao nhất chỉ 2.900 Lumen trong khi bóng T8 công suất 36watt, đường kính 2,6cm nhưng cho 3.200 Lumen, điện giảm 10%, độ rọi sáng tăng trên 10%. Bóng đèn T8 được sản xuất trên thế giới từ năm 1970, thậm chí ở nhiều tỉnh tại Trung Quốc giờ họ không dùng bóng T8 nữa mà dùng bóng T5. Chúng ta quá lạc hậu.

Muốn tiết kiệm phải làm sao?

Việt Nam chủ yếu dùng bóng đèn chứ không có đèn vì đèn phải bao gồm chóa, chao, chụp chứ có mỗi cái giá đỡ tồng ngồng cùng bóng ai gọi là đèn? Tôi khởi xướng tiết kiệm điện và dùng đèn hiệu suất phát quảng cao từ năm 1995 nhưng…bị phản đối nhiều lắm, từ cấp cao đến cấp thấp nhưng những nơi tôi hướng dẫn họ dùng thì họ vẫn theo từ bấy đến giờ. Theo sớm và quy mô lớn là thị xã Hà Giang với các trường học dùng đèn học đường, bảng không lóa từ năm 1997.

Trước hết, chúng ta phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất các thiết bị biến đổi hiệu suất điện năng thành cơ năng, quang năng, hóa năng, nhiệt năng…tốt. Chúng ta không cần tuyên truyền, giáo dục tiết kiệm điện một cách chung chung mà phải hướng dẫn thật cụ thể người dân sử dụng tiết kiệm điện thế nào. Sai phạm lớn nhất trong tiết kiệm điện là ngành xây dựng. Có tòa nhà 21 tầng, sau khi sửa thiết kế ánh sáng, riêng tiền đèn có thể tiết kiệm được 400 triệu, tiền điện tiết kiệm được 38.000 kWh nhưng chủ thầu không chấp nhận. Một thời gian sau, họ phải thay 10.000 bóng do cháy, sau nữa thay tiếp 10.000 bóng.

Thói lãng phí lây cả đến từng người dân vì họ không có tác phong tiết kiệm năng lượng ngay từ cái nhỏ nhặt như ra khỏi phòng là tắt đèn, tắt quạt. Khi đun nước cần đun đầy ấm vì đun nửa ấm vẫn phải đốt nóng khối kim loại của cả cái ấm. Đun hai lần thì đun xong đun tiếp ngay để tận dụng thân ấm vẫn còn nóng. Là quần áo cần là tất chứ không là lắt nhắt, cái một. Giặt máy cần đủ công suất…

Chính sách vĩ mô về tiết kiệm năng lượng của ta sai nhiều, cái sai quan trọng nhất là giá điện thấp. Lãng phí nhất là những nơi dùng điện nhiều không phải trả tiền túi cá nhân. Như trước cửa Quận ủy Hà Đông giăng một loạt đèn dây tóc nóng sáng, không cần biết có bật hay không nhưng hình ảnh đó gây phản cảm bởi chính quyền còn như thế thì hô hào, giáo dục ý thức tiết kiệm cho ai? Có phải là trống đánh xuôi, kèn thổi ngược giữa lời nói và việc làm không?

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm