| Hotline: 0983.970.780

Khu dân cư không... hộ khẩu

Thứ Hai 26/11/2012 , 09:40 (GMT+7)

Bỏ ra vài trăm, thậm chí hàng tỷ đồng mua nhà, đất để ở. Tuy nhiên, đã 5 năm qua, hàng trăm hộ dân sinh sống tại mặt bằng quy hoạch tái định cư 121 phường Đông Vệ - TP Thanh Hóa vẫn “dài cổ” trông chờ được cấp GCNQSDĐ theo như điều khoản Hợp đồng đã ký kết mà không thấy.

Bỏ ra vài trăm, thậm chí hàng tỷ đồng mua nhà, đất để ở. Tuy nhiên, đã 5 năm qua, họ vẫn “dài cổ” trông chờ được cấp GCNQSDĐ theo như điều khoản Hợp đồng (HĐ) đã ký kết mà không thấy. Thực trạng này đang khiến hàng trăm hộ dân sinh sống tại mặt bằng quy hoạch tái định cư 121 phường Đông Vệ - TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) sống trong phấp phỏng…

Bức xúc

Cty TNHH Một thành viên Sông Mã (số 469 – đường Lê Hoàn – phường Ngọc Trạo – TP Thanh Hóa), là đơn vị trúng đấu giá quyền sử dụng đất Mặt bằng quy hoạch tái định cư số 121 (khu dân cư Đông Vệ 5) phường Đông Vệ - TP Thanh Hóa; được UBND TP Thanh Hóa phê duyệt tại Quyết định số 2644/QĐ-UBND ngày 18/7/2007.

Tổng diện tích khu đất là 48.648m2, bao gồm từ liên kế (LK) 1 đến LK8. Tổng số tiền trúng đấu giá là 111.890.400.000 đ. Sau khi trúng đấu giá, Cty Sông Mã đã đưa quỹ đất vào khai thác bằng cách bán đất hoặc xây nhà bán cho các hộ dân có nhu cầu về nhà ở.

Ông Lê Văn Nam – số nhà 218 – LK5 – phường Đông Vệ bức xúc: “Gia đình tôi mua về đây từ năm 2008, hợp đồng là mua đất của Cty, chúng tôi tự bỏ tiền làm nhà. Tổng cộng cả tiền đất và tiền xây nhà hết hơn 1 tỷ đồng. Điều kiện gia đình cũng không khá giả gì, phải vay mượn anh em, bạn bè mới đủ. Tưởng đâu khi nộp tiền xong cho Cty sẽ được nhận Giấy CNQSDĐ, đem thế chấp vay ngân hàng lấy tiền trả nợ. Ai ngờ gần 5 năm trời, càng chờ càng không thấy”.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Thọ ở số 192 – LK5, anh Đỗ Văn Sáng – số 122 – LK3… đều đã đến xây dựng nhà cửa và sinh sống từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, họ chỉ được xây dựng nhà và sử dụng công trình trên đất. Tuyệt nhiên, họ không có quyền mua, bán, cầm cố, thế chấp đối với nhà, đất trên mặt bằng 121 này. Thậm chí, cha mẹ muốn tặng, cho con cái chính tài sản của mình cũng không xong. Lý do, họ chưa được cấp Giấy CNQSDĐ. Chung cảnh ngộ còn có hàng trăm hộ gia đình khác.


Những khu nhà xây dựng dang dở, "dầm mưa dãi nắng" hàng năm trời

Không biết nhà, đất của mình ở đâu

Dẫn chúng tôi ra khu vực đất trống, ông Đào Duy Minh chua chát: “Trên phần đất hoang đó có nhà của tôi đấy. Là họ nói vậy chứ tôi làm sao mà biết được. Bởi như nhà báo thấy, họ đã xây dựng gì đâu mà nhà với cửa…”.

Được biết, năm 2011, ông Minh và vợ là bà Nguyễn Thị Nguyệt mua lại nhà đất của Cty Sông Mã, Hợp đồng (HĐ) số 575 ngày 2/4/2011, lô đất số 306, mặt bằng 121. Tổng giá trị HĐ là 1.003.005.715đ. Theo Điều 4 HĐ về thời hạn bàn giao công trình là “sau 18 tháng kể từ ngày hai bên ký kết HĐ”. Như vậy, tính đến tháng 10/2012, theo đúng tiến độ thì ông Minh đã được bàn giao nhà.

Tuy nhiên, nơi được cho là có căn hộ của gia đình ông Minh hiện chỉ là một bãi đất trống, gạch, đá đổ ngổn ngang, xung quanh cỏ dại mọc um tùm.

Hiện gia đình ông Minh có 5 người, trong đó có mẹ đẻ ông Minh là cụ Đặng Thị Sâm, đã 92 tuổi phải đi thuê nhà để ở. Hơn một năm qua, gia đình phải trả 2.000.000đ/tháng tiền thuê nhà. Chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi bà cụ than thở: “Tôi đã ở cái tuổi gần đất xa trời, tưởng đâu nhờ phúc tổ tiên còn được ở trong ngôi nhà khang trang. Ai ngờ đến giờ vẫn phải đi ở nhà thuê. Chủ nhà cho ở ngày nào biết ngày đó. Còn không lại phải di chuyển. Khổ quá”.

Những hệ lụy bi hài

Chuyện thật như đùa đang diễn ra ngay giữa trung tâm thành phố Thanh Hóa: hàng trăm con người tại khu dân cư mặt bằng 121 trên không có hộ khẩu. Bởi theo quy định, phải có nhà ở, nghĩa là phải có Giấy CNQSDĐ mới được đăng ký hộ khẩu thường trú. Bất đắc dĩ, họ thường trú lâu dài mà chỉ được… đăng ký tạm trú tại phường Đông Vệ. Và nghiễm nhiên, có những gia đình vừa đăng ký hộ khẩu nơi cũ, vừa đăng ký tạm trú tại đây.

Cũng từ đây, đủ thứ chuyện “dở khóc dở cười” nảy sinh. Đó là con em tại khu dân cư này không được công nhận công dân của phường Đông Vệ. Việc này gây ảnh hưởng lớn đến chuyện học hành của các cháu. Các cháu phải “mang tiếng” là “học trái tuyến”. Tuy nhiên, đại đa số các gia đình đều phải để con em mình học tại nơi thường trú trước khi chuyển đến đây. Vì vậy, việc đưa đón các cháu khá vất vả.


Anh Đỗ Văn Sáng (áo kẻ trắng) bức xúc...

Không được đăng ký hộ khẩu, thế nhưng những khoản đóng góp tại địa phương, cán bộ phố, phường Đông Vệ vẫn “nhiệt tình” đến từng hộ vận động đóng góp, không thiếu khoản nào. Minh chứng cho việc thực hiện “nghĩa vụ” công dân tại phường, ông Nam cho chúng tôi xem cuốn sổ theo dõi thực hiện nghĩa vụ công dân của gia đình, bao gồm “tuốt tuồn tuột từ thu theo quy định của nhà nước đến các khoản thu vận động” như lời ông Nam nói.

Ông Nam cho biết thêm: “Vừa rồi khu phố vận động mỗi hộ đóng góp 1,2 triệu đồng xây dựng Nhà văn hóa. Riêng khoản này gia đình tôi chưa đóng. Bởi xây dựng lên liệu chúng tôi có được sinh hoạt, con em chúng tôi có được vui chơi ở Nhà văn hóa không?

Và bởi một lẽ khác, chúng tôi chưa được chuyển khẩu thì tại nơi ở cũ vẫn “đè cổ” ra thu các khoản đóng góp. Như trường hợp gia đình tôi đang còn khẩu ở phường Lam Sơn (TP Thanh Hóa), cứ mỗi kỳ nhận lương mà có đóng góp lại bị trừ vào lương… Có ai như chúng tôi, phải nộp các khoản đóng góp tới 2 lần không?”. (Còn nữa)

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm