| Hotline: 0983.970.780

Bài 3: Những xáo trộn, lo âu...

Thứ Hai 10/11/2008 , 13:30 (GMT+7)

Quả thật, những đồng “lương thành phố” đang trang trải cho nông thôn. Nhưng người nông dân đã phải hi sinh quá nhiều thứ để có được những đồng lương ấy…

 

Quả thật, những đồng “lương thành phố” đang trang trải cho nông thôn. Nhưng người nông dân đã phải hi sinh quá nhiều thứ để có được những đồng lương ấy… 

>> Nông dân đang sống như thế
>> Bài 2: Trông chờ ''lương thành phố''

Nỗi niềm người ở nhà

Có lẽ, không có thời điểm nào trong ngày mà mỗi gia đình Việt Nam cảm thấy đầm ấm khi cả gia đình quây quần bên mâm cơm tối. Nhưng, thật khó tin cả một tuần lang thang ở thời điểm từ 17 giờ chiều đến 21 giờ đêm tại các vùng nông thôn Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, tôi chỉ thấy những gia đình khá giả là cán bộ đương chức, hay gia đình có lương hưu, gia đình được gọi là “tiểu đại gia” (những người làm ăn thành đạt tại mảnh đất quê hương) mới được sum vầy đông đủ bên ánh điện của máy phát (do điện lưới mất thường xuyên). Còn lại, người dân bảo: “Chúng tôi như đang sống trong cảnh… chị Dậu”.

Chị Nguyễn Thị Hiền, thôn 2, xã Tiền Phong, huyện Thanh Miện (Hải Dương) ngồi khêu từng con ốc cùng bà hàng xóm và đứa con gái bảo với tôi là ăn ốc thay cơm; còn chị Nguyễn Thị Tú, thôn Minh Hoàng, xã Minh Hoàng, huyện Phù Cừ (Hưng Yên) nấu nồi cám lợn 2 tiếng đồng hồ không ra khỏi bếp bảo với tôi là ngồi bên bếp lửa thấy… ấm lòng hơn là ăn cơm vào bụng; rồi dọc đường đi, khắp các cổng nhà, cổng ngõ, đường xóm, đường thôn những người phụ nữ già trẻ ngồi bệt xuống đất thì thầm với nhau những chuyện trên giời dưới biển bảo với tôi là muốn kể chuyện hơn là ăn cơm tối.

 

Với hoàn cảnh gia đình khó khăn như thế này, nhiều người rời làng quê đi kiếm "lương thành phố" cũng là điều dễ hiểu

 

Và, rất nhiều, rất nhiều trường hợp mà đâu đâu tôi cũng gặp đưa lý do này, lý do khác ra để biện minh cho việc không muốn ăn bữa cơm tối đúng giờ. Đó, rõ ràng là những lý do. Nhưng từ sâu thẳm, đó là nỗi niềm, là nỗi nhớ chồng, nhớ con đang ở ngoài thành phố đang vắt kiệt sức mình kiếm từng hạt muối, mớ rau gửi về nuôi sống gia đình. “Không nhớ và thương sao được khi mình cũng có sức khoẻ mà giờ đây trở thành kẻ “ăn bám” chồng con. Ở nông thôn bây giờ, sản xuất nông nghiệp tính chi li, một năm chỉ hết có 60 ngày.

Còn lại 300 ngày/năm là tiêu pha bằng những đồng tiền chồng, con kiếm từ mồ hôi, nước mắt và cả máu ở thành phố gửi về. Cuộc sống gia đình vắng người đàn ông trong nhà như mất đi một cái gì đó, mà mỗi lúc ngồi ngẫm, ngồi nhớ, cứ thần cả người. Cuộc sống nhạt đi một nửa rồi", chị Nguyễn Thị Tú (thôn Minh Hoàng, xã Minh Hoàng, huyện Phù Cừ, Hưng Yên) tâm sự thật lòng.

Các chị, các mẹ bảo với tôi rằng, những năm chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, chồng, rồi các con trai vừa lớn lên đều ra chiến trường cả, nhớ và thương lắm nhưng cuộc sống khi đó ở nông thôn có rất nhiều ý nghĩa. Chị em lao vào sản xuất, làm đủ mọi cách để tạo ra năng suất nông nghiệp cao nhất, nuôi dạy con cái tốt nhất, với mục tiêu rất lớn lao là để tiền phương, nơi ấy có chồng và con mình không thiếu một cân thóc.

Nay, chồng con đi làm kinh tế, cũng như ra chiến trường nhưng ở nông thôn bây giờ nhàn hạ quá, sinh lo nghĩ, sinh nhiều chuyện… dẫn đến cuộc sống gia đình rệu rã. “Chồng con làm ăn xa, nhớ thì phải gọi, mà ngồi chơi suốt ngày thì càng nhớ càng phải gọi, gọi điện hỏi thăm, rồi gọi chồng con về nhà. Chồng con cáu gắt: “Đi làm ăn chứ có phải đi chơi đâu mà suốt ngày gọi về, tiền ở nhà chẳng kiếm ra một hào, gọi điện thoại lắm thế lấy cám mà ăn à”. Thế là buồn, tủi, rồi thấy nhục. Nhiều gia đình bỏ nhau, trai gái, con cái lơ đễnh học hành ở làng này vì lẽ đó”, bà Nguyễn Thị Tòng (thôn 4, xã Hợp Tiến, Đông Hưng) giãi bày. 

Những hệ luỵ

Bà Lan (vì lý do tế nhị, một số nhân vật trong phần này đã được đổi tên), người bán tạp phẩm tại cổng làng xã Minh Tân, huyện Đông Hưng (Thái Bình) gần 30 năm nay nhận xét: Sự đổi thay lên xuống của làng này có lẽ tôi là người cảm nhận rõ nhất. Minh Tân này đang bộ lộ nhiều vấn đề nhức nhối lắm. Đàn ông, thanh niên ra thành phố kiếm sống thì nghiệp hút, bệnh xã hội, vợ ra thành phố kiếm sống thì chồng ở nhà nát rượu, làm không chịu làm, con cái bị bỏ bê. Bà Lan gọi cánh đàn ông đó là “Chí Phèo”.

Ngồi quán bà Lan giữa trưa, chỉ trong vòng gần tiếng đồng hồ đã xuất hiện ba “anh Chí” ngật  ngưỡng với chai rượu. Anh thì vừa đến gần quán bà Lan đã lại quay ra vì không có tiền, anh thì tỉ tê: Chị bán cho em… một ngàn đồng tiền rượu. Bà Lan chỉ vào “anh Chí” vừa tu một ngàn rượu vừa đi ra: Nó tên là Nam, xóm 1, chắc vừa “chôm” hoặc xin được của thằng nào đấy. Vợ nó đi làm xa, do nát rượu, nó không gửi tiền về cho nữa. 

 

Không chỉ cánh đàn ông, nhiều chị em cũng phải đổ ra thành phố kiếm miếng cơm manh áo

 

Hai đứa con nó đẩy sang nhờ ông bà ngoại nuôi hộ. Chốc chốc bà Lan lại chỉ: Đó, nhà Tống Toi, chồng đi làm xa, ở nhà chỉ có mấy sào ruộng nhưng không dạy nổi hai thằng con trai; chúng nó học lớp 7 lớp 8 mà chả lo học hành, suốt ngày chát chít. Hở đồng nào ra là nó cuỗm đồng ấy, tí tuổi đã tán hưu tán vượn. Còn con bé vừa vào đây mua dưa muối, nhà nó có hai anh đi làm ăn xa, một thằng chết vì bệnh xã hội rồi, còn một thằng thì vật vờ đâu đó…

Nếu cứ tính chung bình mỗi xã ở ĐBSH hiện nay có 600 người ra thành phố kiếm việc làm, thì cũng phải có ngần ấy số gia đình vắng đi trụ cột. Tất nhiên, không phải tất cả số hộ này khi vắng trụ cột, gia đình đều "có vấn đề" nhưng theo điều tra hết sức kĩ càng của chúng tôi tại thôn 1, 2 xã Tiền Phong, huyện Thanh Miện (Hải Dương) và thôn Hưng Sơn, xã Minh Tân, huyện Đông Hưng (Thái Bình) thì không ít số gia đình "có chuyện".

Hùng Đức (xã Minh Tân, Đông Hưng), thôn được coi là có kinh tế khá nhất xã nhờ lao động ra thành phố gửi tiền về nhưng 6 gia đình có người nhiễm HIV, nghiện hút; có gia đình bị cả nhà, nhiều gia đình tan nát...  Đi khắp thôn chỉ thấy những ông bà già với bó rơm, chổi tre và những con nghiện vật vờ...

Dù bà Lan và những người ngồi quán nước này không biết tôi là ai nhưng mỗi lúc, họ kể ra rất nhiều thông tin khi tôi “gãi” vào đúng nỗi bức xúc, sự xót xa của dân làng Minh Tân. Một người dân bảo: Đúng là ra ngoài thành phố làm ăn thì dân có khá hơn thật nhưng nó cũng gây ra nhiều hệ luỵ cho nông thôn. Sản xuất nông nghiệp từ hơn 2 tạ/sào xuống còn tạ bẩy tạ tám, chuột phá, lúa đổ, cháy rầy…, mặc dù ngồi chơi nhưng cũng chả ai buồn quan tâm. Nhiều gia đình tan nát vì cờ bạc, rượu chè, nghiện hút, đĩ điếm...

Lớp trẻ con thì vắng bố, vắng mẹ, lít nhít đã yêu đương. “Tôi đi Lai Châu trồng bí, thu nhập thì khá, nhưng thi thoảng mới về được. Ở nhà, mẹ chẳng dạy được con, nó chốn đi chơi suốt ngày. Tháng trước, nó theo mấy thanh niên làng bỏ nhà lên Hà Nội làm thuê để có tiền chát và chơi game. Gia đình đi tìm khắp nơi không thấy, mãi đến khi không có việc, hết tiền nó mới chịu về. Về đến nhà chỉ còn mỗi chiếc quần đùi mặc trên người. Hỏi sao, nó bảo, đó là “chiêu” dân hết tiền thành phố Hà Nội dạy cho để chốn tiền xe. Xót xa vô cùng!”, ông Nguyễn Văn M, xóm Hùng Đức, xã Minh Tân vừa từ trên xe khách xuống ăn chiếc bánh trị giá 500 đồng nghẹn lên tận cổ, nói với tôi.

Ở xã Minh Tân có 4 quán internet, lúc nào cũng chật cứng người, chủ yếu là học sinh. Nhiều đứa thức cả ngày lẫn đêm để chơi "nét". Mẹ chúng đánh cho tơi bời nhưng hôm sau đâu lại vào đấy. Lời nói, sự răn dạy của người mẹ với những đứa con xem ra không còn nhiều sức nặng khi vắng những ông bố. “Ở nông thôn, kiếm được đồng tiền ở quá khó. Bọn choai choai ra thành phố, kiếm được đồng ra đồng vào, chúng tự coi mình… được lên tiên thế là lao vào ăn chơi, đua đòi. Không có sự quản lý của gia đình, chúng nhanh chóng trở nên hư hỏng. Và chính cái đó, nó hút hết thanh niên làng ra đi, giữ mấy nó cũng không ở nông thôn gắn bó với đồng ruộng nữa", một người dân xã Minh Tân đúc kết.

Ông Trần Văn Toản - Chủ tịch UBND xã Minh Tân (huyện Đông Hưng) bỏ cả cuộc họp Đảng uỷ xã để cắt nghĩa cho tôi hiểu vì sao người ta bảo Minh Tân đang có vấn đề: “Cho đến thời điểm này, toàn xã đã có trên 20 thanh niên đầy nhựa sống “ra đi” vì nghiện hút, AIDS. Một số khác “ra đi” vì tai nạn giao thông, tai nạn lao động…

Toàn xã có trên 500 lao động ra thành phố làm, mỗi tháng cũng kiếm được khoảng 500 triệu đồng nhưng “thui chó nửa mùa thì hết rơm”. Trên 20 thanh niên đã “ra đi”, trên 30 con nghiện, AIDS (số địa phương quản lý, số đi đi về về có thể lớn hơn nhiều) đang “hoành hành”, rồi những “Chí Phèo”… đã, đang “đốt” và phá tan cái làng quê này… Nếu cứ mãi diễn ra tình trạng trên sẽ không thể tồn tại được. Nhưng mà nếu cứ bám vào nông nghiệp thì nông dân sẽ chẳng bao giờ khá lên được. Làm sao bây giờ?”  (Còn nữa)

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm