| Hotline: 0983.970.780

Đa Lộc đói

Thứ Ba 26/04/2011 , 09:46 (GMT+7)

Liên tiếp 3 vụ sản xuất mất trắng vì lúa chết do bị nhiễm mặn nặng, người dân xã Đa Lộc (Hậu Lộc- Thanh Hóa) đang trong cơn khó khăn chất chồng.

Liên tiếp 3 vụ sản xuất mất trắng vì lúa chết do bị nhiễm mặn nặng, người dân xã Đa Lộc (Hậu Lộc- Thanh Hóa) đang trong cơn khó khăn chất chồng. Hiện có hơn 90% số dân trong xã tương đương với 7.419 nhân khẩu của 1.620 hộ đang đối mặt với đói. Rất nhiều người đã nghĩ đến chuyện ly hương.

 Chúng tôi trở lại xã Đa Lộc sau gần một năm kể từ ngày cùng đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đi thị sát về tình hình hạn hán tại địa phương này. Lần ấy trên vùng đất Đa Lộc dưới cái nắng 400C, tất cả mọi người đều chứng kiến một màu trắng xóa của đất vì toàn bộ diện tích canh tác không có nước để cấy. Lần này về Đa Lộc, chúng tôi thấy một màu xanh trên các cánh đồng nhưng không phải là màu xanh của lúa mà là màu xanh của cỏ dại. Cỏ mọc lên sau khi hàng trăm héc ta lúa chiêm xuân nơi đây bị chết vì nhiễm mặn.

Ông Bùi Thế Sinh- Chủ tịch UBND xã Đa Lộc nói không cần sổ sách: “Toàn xã có 8.224 nhân khẩu đang canh tác trên 295ha đất lúa và 135ha đất màu. Người dân cần cù nhưng trời không cho ăn. Hai vụ sản xuất năm 2010 coi như mất trắng hoàn toàn. Ngay từ đầu vụ chiêm xuân này thì gặp rét đậm, rét hại nên phần lớn diện tích lúa và mạ bị chết, nông dân phải gieo, cấy lại. Từ trung tuần tháng 2 lại đây, vùng này không có giọt mưa, hệ thống kênh đào trữ nước ngọt chưa được đầu tư hoàn chỉnh nên phần lớn diện tích canh tác nhiễm mặn nặng. Chính vì thế đến thời điểm này đã có 168ha lúa chiêm xuân bị chết. Cứ đà này kéo dài thêm 15 ngày nữa mà trời không mưa thì số diện tích lúa còn lại cũng sẽ chết hết. Như vậy trong 3 vụ sản xuất liên tiếp, người nông dân Đa Lộc mất trắng mùa màng”.

Mất mùa thì đói. Được biết toàn xã có 19% số hộ nghèo theo tiêu chí mới. Nhưng đó là con số trong báo cáo trước Đại hội Đảng bộ xã chứ thực tế hiện nay, sau hai năm mất mùa liên tiếp, đã có 90% hộ dân trong xã Đa Lộc đang bị thiếu ăn và đói giáp hạt đến mức báo động đỏ.

Để tìm hiểu kỹ hơn về cái đói mà người dân đang phải gánh chịu, chúng tôi tìm đến các ki- ốt bán gạo trên địa bàn của xã. Có mặt tại ki- ốt của anh Mai Văn Ngừ thuộc thôn Ninh Phú khi trời chạng vạng tối, cũng là lúc chúng tôi nhìn thấy có hàng chục con người chân tay còn dính bùn đất, vôi vữa đến mua nợ gạo. Chị Vũ Thị Quyền, ở thôn Đông Thành cho hay: “Nhà có 6 nhân khẩu canh tác trên 4 sào ruộng. Mùa màng thất bát liên tục nên gia đình thiếu đói, cứ phải đong gạo, chạy ăn từng bữa, chật vật lắm".

Anh Ngừ bận bịu suốt ngày, sáng xát lúa, chiều tối thì cân gạo bán cho người dân. “Ít người có tiền mặt lắm. Gia đình nào đông người ký nợ cả chục cân. Nhiều hộ nợ đến cả tạ gạo, ăn hết lâu rồi mà cũng chưa thấy thanh toán tiền. Đã có nhiều ki- ốt kinh doanh gạo phải bỏ nghề rồi đấy”- anh Ngừ cho hay.

Dạo một vòng quanh xóm, tôi thấy nhà nào cũng hết gạo ăn. Nhưng cơ cảnh nhất là gia đình ông bà Vũ Văn Hán và Phạm Thị Thùa. Ông bà Hán ở với nhau có 4 mặt con. Đứa con trai đầu đi ở đỡ từ khi lên 5 tuổi. Hai người con tiếp theo đi làm thuê ở trong Bình Dương. Đứa con út thì đang ở cùng với ông bà. Khi chúng tôi vào nhà thì thấy bà đang ngồi bóp chân cho chồng vì ông Hán mắc bệnh nằm liệt giường suốt mấy năm nay.

Bà Thùa sụt sùi: “Ông nhà lên cơn đau, tui tính đưa ông đi viện nhưng không có tiền. Chạy vạy mãi mới được mấy trăm của bà con chòm xóm để đưa chồng đi viện. Tới viện người ta hỏi giấy chuyển viện của trạm y tế xã nhưng tui nói là không kịp xin giấy nhưng thực tình là không dám ra trạm xin vì ái ngại. Bởi món nợ 273.000đ tiền thuốc của ông nhà tôi 4 năm nay trên trạm vẫn chưa trả được. Cũng may là mấy bác sỹ trên bệnh viện thương tình nên cũng cho ông ấy nhập viện. Nhưng được ít hôm thì phải đưa về vì nhà không có tiền chạy chữa. Nằm ở viện thấy những người xung quanh gọi nhau í ới đi mua cơm về cho bệnh nhân ăn mà vợ chồng tui nhìn nhau rơi nước mắt. Bây giờ về nhà đợi hai đứa con làm thuê trong Nam xem chúng có gửi về cho được đồng nào đong gạo không chứ mấy hôm nay tui vác rổ đi vay hết làng trên xóm dưới rồi”.

Trong lần đi thị sát tại xã Đa Lộc, ông Nguyễn Văn Ấp- Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc cho biết: “Địa phương đã trồng thử một số cây tại vùng đất Đa Lộc để tiến dần thay thế cây lúa ở nơi bị nhiễm mặn như dưa hấu, khoai lang nhưng cây trồng vẫn chịu không nổi. Số cây sống sót không nhiều. Không những năng suất giảm mà chất lượng cũng kém vì khi ăn dưa, ăn khoai vẫn bị mặn. Chính vì thế hiện địa phương đang rất bí trong việc tìm cây trồng thay thế”.

Cũng trong dịp đó, ông Ấp kiến nghị Bộ NN- PTNT và Chính phủ có kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống kênh De và một số tuyến sông trên địa bàn của huyện để giải quyết khó khăn về nước sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.

Chia tay vợ chồng ông bà Hán, tôi tìm đến nhà chị Vũ Thị Hạnh ở thôn Đông Hải. Thấy người lạ vào nhà, đứa cháu nhỏ cho hay bà ngoại đang ra đồng lấy cỏ. Theo chỉ dẫn của đứa bé, chúng tôi ra đồng ruộng Đa Lộc. Đến trên bờ kênh De, phóng mắt ra cánh đồng, chỉ thấy một màu xanh tít tắp. Ngỡ tưởng lúa đang thì con gái, nhưng khi đến gần chân ruộng thì hỡi ôi, cỏ dại mọc xanh ngằn ngặt. Loại cỏ này dường như hợp đất nhiễm mặn, nên lúa thì chết co chết quắp, còn cỏ thì cứ xanh bời bời.

“Nhà làm 3 sào ruộng, liên tiếp cả 3 vụ này thất thu hoàn toàn” - chị Hạnh cho hay. Chị tính toán: "Một sào chi phí hết 240.000đ tiền giống, 100.000đ phân lân, 80.000đ đạm, 200.000đ công cấy, 70.000đ cày bừa, 30.000đ phun thuốc kích thích bộ rễ và lá sau đợt rét hại vừa qua. Như vậy, đầu tư cho một sào vừa rồi hết khoảng 720.000đ. Tính ra 3 sào thì tổng thiệt hại lên đến 2,2 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này, tôi đang nợ lãi các chủ đại lý để đầu tư. Mất mùa thì trước mắt là đói ăn, nhưng lâu dài thì không biết xoay đâu ra để trả nợ”.

"Ước ao lớn nhất bây giờ của người dân chúng tôi là có đủ gạo ăn. Nếu ít hôm nữa mà không có việc gì làm để kiếm ra tiền mua gạo thì chúng tôi đành ly hương mà phiêu bạt vào Nam". Vâng, nếu không có gạo cứu đói, tôi hiểu rằng, không chỉ chị Hạnh mà còn rất nhiều người dân ở Đa Lộc phải ly hương để trốn đói. 

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm