| Hotline: 0983.970.780

Ào ào lợn ta sang Tàu

Thứ Sáu 10/12/2010 , 14:15 (GMT+7)

Trong vòng hai tháng trở lại đây, cửa khẩu Móng Cái ngày ngày trung chuyển hàng trăm tấn lợn "vượt biên" sang Trung Quốc. Theo thống kê của trạm, mỗi ngày có khoảng 40-50 xe tải chở lợn từ các nơi về tập kết tại Móng Cái rồi tuồn qua Trung Quốc. Mỗi xe ít nhất 10 tấn lợn, tổng cộng gần 500 tấn theo các đường tiểu ngạch vượt biên.

Trong vòng hai tháng trở lại đây, cửa khẩu Móng Cái ngày ngày trung chuyển hàng trăm tấn lợn "vượt biên" sang Trung Quốc. 

Thâm nhập “bến lợn” 

Trước khi tìm hiểu về thực trạng lợn ào ạt “vượt biên” sang Trung Quốc trong thời gian gần đây, chúng tôi đã ghé Trạm Kiểm dịch động vật Móng Cái, Quảng Ninh. Trạm trưởng Nguyễn Minh Cường hết thở dài lại lắc đầu bởi con đường trước cửa trạm ngày ngày xe tải chở lợn chạy ùn ùn nhưng cán bộ cơ quan đành nhìn nhau bất lực. Theo thống kê của trạm, mỗi ngày có khoảng 40-50 xe tải chở lợn từ các nơi về tập kết tại Móng Cái rồi tuồn qua Trung Quốc. Mỗi xe ít nhất 10 tấn lợn, tổng cộng gần 500 tấn theo các đường tiểu ngạch vượt biên.  

“Gần như đã thành lệ rồi. Mấy năm nay cứ dịp gần cuối năm là lợn lại ào ào xuất khẩu. Tất cả đều đi theo đường tiểu ngạch và hầu như chẳng cơ quan nào kiểm soát”. Gần chục năm công tác ở trạm này ông Cường quen với thực trạng lợn “vượt biên” đến nỗi giờ chỉ cần nhìn vào biển số xe là có thể biết được lợn “ra đi” từ tỉnh nào. Khoảng thời gian nào trong năm lên cơn sốt ông cũng đọc vanh vách. Nhiều nhất là Bình Định, Thái Bình, Hưng Yên… Ngày nào cũng có hàng chục chuyến xe của các tỉnh này đến nhập lợn tại các điểm thu gom.   

Mỗi ngày có hàng trăm xe tải lớn chở lợn về Móng Cái để “vượt biên

Con đường từ TP Móng Cái vào một điểm tập kết lợn ở bờ sông Ka Long, những hàng xe tải nối đuôi dài dằng dặc. Cuối con đường ấy là “bến lợn” nằm cạnh sông Ka Long mà bờ bên kia đã là đất Trung Quốc. Người dân địa phương và các thương lái gọi điểm tập kết này là “bến lợn” nhưng thực chất chỉ là một bãi đất hoang làm điểm đỗ cho các xe tải. “Trước đây điểm tập kết lợn trước khi xuất khẩu nằm ở Lục Lầm, nhưng từ khi có qui định cấm xuất khẩu lợn thịt “đường đường chính chính” qua cửa khẩu thì các lái lợn “quy hoạch” bãi sông này thành điểm trung chuyển. Từ độ hai tháng nay, bến lợn lúc nào cũng đông nghịt người”- Hùng, một lái lợn ở tít tận Bình Định giải thích.

Tất cả số lợn khắp nơi đổ về đều được gom vào bến này rồi sau đó theo các con đường tiểu ngạch tuồn sang Trung Quốc. Cả một khúc sông Ka Long nhốn nháo bởi tiếng lợn kêu ầm ĩ xen lẫn tiếng xuồng máy đưa lợn vượt biên. Thấy tôi đưa máy ảnh lên bấm, không ít người trong đám hỗn loạn ấy chỉ trỏ rồi lớn tiếng đe dọa. 

Cũng theo lời Hùng thì việc lợn "vượt biên" ào ạt trong khoảng thời gian này là do giá cả các thương lái ở Trung Quốc thu mua khá cao. “Năm nào cũng vậy, cứ cuối năm là bên Trung Quốc gom hàng thực phẩm dự trữ. Đợt này giá đồng nhân dân tệ lại tăng vọt nên giá lợn càng nóng hơn. Nếu với giá cả hiện tại thì “chiến dịch xuất khẩu” khả năng còn kéo dài đến hết năm”. Có một điều lạ so với những năm trước là lợn xuất khẩu năm nay chủ yếu là lợn thịt với khối lượng lớn. 

Nếu trước đây mặt hàng được ưa chuộng chủ yếu là lợn sữa, lợn choai nguyên con hoặc đông lạnh nhưng trong thời gian này phần lớn là lợn loại từ 80 – 120kg/con. Chỉ tính riêng số lợn thịt này thì mỗi ngày lượng xuất khẩu có thể lên tới 5.500 – 6.000 con, tăng gấp ba lần so với trước đây. Ông Cường giải thích rằng: “Đây là thời điểm giá lợn phía Trung Quốc cao hơn nhiều so với Việt Nam nên việc lên cơn sốt lợn ồ ạt đổ về Móng Cái cũng là điều dễ hiểu”.

Phải thừa nhận một điều là nghề “lái lợn” đi Trung Quốc đang ở thời điểm quá thịnh vượng. Cánh lái đường xa như Hùng có khi cả tuần mới được một chuyến, nhưng ở những vùng lân cận, đặc biệt là các tỉnh đồng bằng Bắc bộ thì số lợn “xuất khẩu” hầu như không kiểm soát nổi. Mỗi ngày xe tải có biển từ những khu vực này chở lợn ngùn ngụt.  Nếu đứng một đêm ở quốc lộ từ TP Hạ Long đi Móng Cái thống kê thì xe tải nhiều nhất vẫn là vận chuyển lợn đi Trung Quốc.

Để tuồn số lợn này qua bên kia biên giới thì tất cả các công đoạn hầu như đều “danh chính ngôn thuận” khi gặp rất ít cơ quan kiểm soát và trên thực tế trái nguyên tắc. Tất cả đều được giải thích do lợi nhuận quá cao. Cũng vì lợi nhuận cao như thế nên không biết từ bao giờ, “lái lợn” trở thành một trong những nghề thu nhập cao nhất ở vùng biên Móng Cái. Chỉ cần nhập lợn tại Móng Cái rồi tuồn sang Trung Quốc, một chuyến khoảng 10 tấn có khi các thương lái đút túi hàng chục triệu đồng nhờ giá lợn “vênh” giữa hai bên.   

Lợn được tập trung tại bến rồi theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc

Những địa phương dọc theo quốc lộ 18 nở rộ các dịch vụ ăn theo như rửa xe chở lợn, tắm lợn. Mỗi ngày hàng trăm xe tải lợn đi qua nên các dịch vụ này cũng sống khỏe. Còn các thương lái, dù đã chịu hàng chục khoản phí như thế thì vẫn đút túi hàng chục triệu đồng mỗi chuyến buôn. 

Nhiều lo ngại 

Có một điều lạ là hầu như ai cũng biết việc xuất khẩu lợn theo đường tiểu ngạch vượt biên sang Trung Quốc vào thời điểm cuối năm là trái với quy định, vi phạm nguyên tắc nhưng dường như đang bị “lờ đi”. Trách nhiệm chính thuộc về Quản lý thị trường, Chi cục Thú y tỉnh Quảng Ninh nhưng việc lợn xuất khẩu theo đường tiểu ngạch hầu như không gặp sự can thiệp nào từ các lực lượng này. 

Trong khi lợn ào ào đi Trung Quốc thì cũng ở Móng Cái, gà lậu cũng ồ ạt tuồn từ bên kia biên giới về. Ông Cường tính rằng 90 km đường biên từ huyện Tiên Yên đến TP Móng Cái, đêm đêm gà lậu rầm rập theo đường tiểu ngạch tràn về. Ước tính mỗi ngày cũng hàng chục tấn gà “đột nhập” qua các đường biên tràn vào rồi theo xe đi tiêu thụ. Tuyệt nhiên không có ai kiểm soát hay xử lý gì cả. Và tất nhiên số gà lậu cũng không thể biết có bệnh tật gì không.

Giải thích thực trạng trên đã có những luồng thông tin trái chiều. Người thì cho rằng lợn xuất khẩu dù có theo đường tiểu ngạch, khó kiểm soát thì ít nhiều cũng có lợi vì như thế sẽ kích thích ngành chăn nuôi. Vì thế việc xuất khẩu lợn "chui" dù bị xem là trái nguyên tắc nhưng vẫn được ngấm ngầm bật đèn xanh. Tuy nhiên cũng có không ít ý kiến lo ngại việc xuất khẩu ồ ạt lợn sang Trung Quốc như thế sẽ gây khan hiếm lợn thịt, nhất là vào thời điểm giáp tết khi mà nước ta đang trên đà khôi phục tổng đàn sau những cơn “bão tai xanh”. 

Trong một cuộc họp mới đây của Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) đã đề cập đến vấn đề “lợn ồ ạt xuất khẩu”. Có người lo ngại dù ngành chăn nuôi trong nước tăng bình quân 7-8%/năm song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước, các doanh nghiệp vẫn đang phải nhập khẩu thịt. Đến thời điểm này, Việt Nam đã nhập khẩu 60.000 tấn thịt lợn và gia cầm. Từ nay tới cuối năm 2010, sẽ phải nhập thêm 20.000 tấn. Bộ đã yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu lợn qua biên giới nhưng như chính lời ông Nguyễn Minh Cường thì việc kiểm soát gần như là điều không thể.

“Lợn cứ “đi” ồ ạt thế thì nảy sinh nhiều bất cập lắm. Về cung cầu thế nào thì không biết nhưng tình hình kiểm dịch rất khó khăn vì lực lượng quá mỏng. Theo quy định của Bộ NN-PTNT thì các địa phương phải có các trạm kiểm dịch đầu mối. Tuy nhiên tỉnh Quảng Ninh chưa làm được điều này”- ông Cường lo ngại.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm