| Hotline: 0983.970.780

Bãi thải quặng bủa vây người dân

Thứ Năm 28/05/2015 , 06:25 (GMT+7)

Từ khi Cty CP Khoáng sản Hoà Yên ra "sáng kiến" biến đoạn suối Ngòi Lâu, xã Âu Lâu (TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái) trở thành bãi thải quặng thì cuộc sống người dân trở nên khốn đốn...

Từ tháng 9/2008, Cty CP Khoáng sản Hoà Yên xây dựng nhà máy tuyển rửa quặng sắt tại xã Âu Lâu (TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái), lợi thì chưa thấy đâu, nhưng bụi bẩn và tiếng ồn đã tác động không nhỏ tới cuộc sống người dân.

Nhất là từ tháng 6/2012 tỉnh Yên Bái cho Cty Hoà Yên thay đổi phương án xử lý môi trường, biến đoạn suối Ngòi Lâu trở thành bãi thải quặng thì cuộc sống của người dân nơi đây trở nên khốn đốn...

Dân rất bức xúc

Ba thôn chịu ảnh hưởng trực tiếp của nhà máy tuyển quặng gồm: Nước Mát, Đắng Con và Hai Luồng. Theo sự phản ánh của người dân nơi đây, từ bao đời nay dòng suối Ngòi Lâu trong xanh hiền hoà không chỉ cung cấp nước SX, sinh hoạt mà còn cung cấp cá tôm cho cuộc sống người dân.

Trước sự bùng nổ của hàng loạt điểm khai thác quặng của các Cty khai thác và chế biến khoáng sản: Hoà Yên, Tây Bắc, Tân Tiến, CMISTONE Việt Nam... bùn thải, nước thải tuyển rửa quặng của các Cty này đổ thẳng xuống Ngòi Lâu, đã bức tử dòng suối, khiến cuộc sống của người dân sống dọc hai bên bờ ngày thêm khốn đốn.

Công suất thiết kế của nhà máy tuyển rửa quặng của Cty Hoà Yên là 300.000 tấn/năm. Bãi thải quặng của nhà máy ban đầu chỉ có 2 ha nằm cạnh Ngòi Lâu, gồm hai hồ lắng, tổng thể tích 100.000m3.

Từ năm 2009 đến năm 2011 sau khi nhà máy hoạt động, bãi thải trở nên quá tải không còn chỗ chứa có nguy cơ vỡ hồ bất cứ lúc nào.

Đoạn suối Ngòi Lâu phía dưới hồ thải giống hình chiếc móng ngựa nằm sát thôn Nước Mát ôm lấy cánh đồng và thôn Hai Luồng.

16-54-33_4
Téc nước của các hộ dẫn từ bên kia cánh đồng về trước khi bơm lên bể nước của gia đình

Không biết có sự “gợi ý” nào của quan chức tỉnh Yên Bái hay là “phát kiến” của Cty Hoà Yên mà Cty này đã xin cắt dòng suối Ngòi Lâu đoạn hình móng ngựa đó, mở dòng chảy mới biến đoạn suối thành hồ thải quặng.

Hồ chứa thải quặng mở rộng có tổng diện tích 60.000m2 (6 ha), thể tích 210.000m3, có sức chứa 525.000 tấn bùn thải.

Sau khi có tờ trình của Sở Tài nguyên - Môi trường số 179/TTr-STNMT, ngày 11/6/2012 UBND tỉnh Yên Bái chấp thuận cho Cty Hoà Yên chặn dòng Ngòi Lâu biến đoạn suối thành bãi thải tự nhiên thì lập tức cuộc sống của người dân 3 thôn bị đe doạ và đảo lộn nghiêm trọng.

Trước tiếng kêu than thống thiết của người dân, PV Báo NNVN tới thôn Nước Mát, Hai Luồng để tìm hiểu cụ thể cuộc sống của người dân ở đây ra sao.

Ông Lương Văn Phấn, 76 tuổi người dân tổ 7 thôn Nước Mát cay đắng cho biết: Các cụ xưa đặt tên thôn này là Nước Mát, nhưng từ khi hồ thải quặng của Cty Hoà Yên mở rộng, lấp đoạn suối chảy qua thôn thì nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nặng nề. Giếng bị tụt nước, khi đào sâu xuống thì nước đục ngầu như bát đất, tanh tưởi mùi sắt không thể nào dùng được.

16-54-33_6
Đoạn Ngòi Lâu chứa bùn thải không còn nhận ra dòng suối cũ đã bị rào lại

16-54-33_7
Bãi màu của thôn Đắng Con đã bỏ hoang hoá, cỏ cũng không mọc lên nổi

Trong thôn có 20 hộ dân nằm cạnh Ngòi Lâu, nhà nào cũng đào giếng và sử dụng nước giếng từ bao nhiêu năm nay, giờ thì không sử dụng được nữa...

Nói rồi ông chỉ ra trước nhà, anh Nguyễn Văn Sơn đang bơm nước từ dưới giếng lên để rửa xe máy: Nước đục như thế kia thì ăn thế nào được?

Anh Sơn bơm nước vào cái chậu nhôm cho tôi nhìn thấy, nước vàng khè màu bùn thải: Chỉ lát nữa là chậu nước lắng một lớp bùn, rửa tay chân nước này như thể nhuộm chàm. Anh Sơn cho biết rồi xoè hai bàn tay cho tôi xem, các ngón tay nham nhám, đen xì.

16-54-33_3
Bàn tay anh Nguyễn Văn Sơn đen xì vì rửa nước nhiễm sắt

16-54-33_2

Ông Phấn lắc đầu: Nước thế này thử hỏi ai ăn được? Đến tắm giặt mọi người cũng không dám, chỉ để rửa xe máy thôi. Để có nước ăn các hộ phải góp tiền mua ống nước, dẫn nước từ chân đồi ở bên kia cánh đồng xa hơn nửa cây số về téc nước rồi mới dùng máy bơm, bơm lên các bể chứa trên nóc nhà, chi phí 4-5 triệu mỗi hộ.

Cty Hoà Yên cam kết hỗ trợ mỗi hộ 3 triệu đồng, nhưng từ năm 2013 đến nay chỉ là lời hứa hão. Người dân bức xúc lắm, phản ánh lên thành phố, tỉnh rồi Đoàn Đại biểu Quốc hội tất cả đều vẫn im như thóc...

Bệnh tật bủa vây

Bãi màu rộng mênh mông bị úng nước đến nỗi cỏ cũng không mọc lên nổi. Cạnh đó là bãi thải quặng đã đầy, nếu không có hàng rào dây kẽm gai thì không thể nhận ra đó là Ngòi Lâu, dòng suối một thời đã mang lại sự sống cho người dân.

Bây giờ nó đã bị bức tử, bị hàng trăm ngàn tấn bùn thải quặng chôn vùi, quặng sắt ngấm vào lòng đất phá huỷ nguồn nước ngầm đang đe doạ cuộc sống của người dân nơi đây.

Ông Lương Văn Phấn và người dân ở đây thống kê mấy năm vừa rồi thôn Nước Mát có 8 người chết vì bệnh ung thư, người thì bị ung thư dạ dày, người thị bị ung thư vòm họng, người thì bị ung thư não...

Những người này chết có phải do uống nguồn nước bị nhiễm độc quặng sắt do nhà máy tuyển quặng của Cty Hoà Yên gây ra không? Ông Phấn cay đắng đặt câu hỏi.

Từ bao đời nay dân ở đây có ai bị bệnh ung thư đâu, khi nhà máy tuyển và bãi thải quặng bao vây thôn Hai Luồng mới phát sinh lắm tai ương. Mấy người bị tâm thần có lẽ do tiếng ồn của nhà máy khiến họ không ngủ được mới phát bệnh... (ông Nguyễn Ngọc Giang)

Theo lời giới thiệu của ông Phấn, thôn Hai Luồng người dân bị bệnh ung thư và mắc bệnh tâm thần còn kinh hãi hơn.

Chúng tôi tìm đến gia đình trưởng thôn Nguyễn Ngọc Giang.

Ông Giang chẳng ngần ngại cho biết: Thôn Hai Luồng có khoảng 1 mẫu ruộng của 9 hộ đang trồng ngô, lúa do bãi thải mở rộng nên không trồng cấy gì được.

Nguồn nước giếng của 23/53 hộ dân trong thôn đã nổi váng màu vàng và có mùi tanh gỉ sắt.

Theo ông Giang, thôn Hai Luồng không chỉ bị nhiễm bụi, ô nhiễm nguồn nước mà tiếng máy đập quặng ầm ầm suốt đêm ngày khiến người dân đinh tai nhức óc trẻ em, người già không thể ngủ được, đến phát điên lên.

16-54-33_5
Giếng nước nhà anh Đặng Sơn Hồng trên bãi soi màu không còn sử dụng được

Dân kêu quá, cuối năm ngoái họ làm đến 10 giờ đêm thì nghỉ. Bây giờ do không tiêu thụ được quặng hay sao nên họ không SX nữa nên dân thôn Hai Luồng mới được yên.

Theo ông Giang, thôn có 4 người bị ung thư, một người đã chết năm 2014 là ông Trần Văn Tài sinh năm 1964. Còn 3 người nữa đang điều trị là ông Trần Văn Kiên, Bí thư Chi bộ thôn ung thư dạ dày, cô Nguyễn Thị Nga 31 tuổi, ung thư vòm họng, ông Lê Văn Chinh ung thư gan đang điều trị ở Viện 108.

16-54-33_8
Ông Nguyễn Ngọc Giang cay đắng kể lại chuyện buồn của thôn Hai Luồng

Trong thôn có 3 người bị bệnh tâm thần, đó là ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phạm Văn Ngoạn và bà Nguyễn Thị Tươi vợ Bí thư Chi bộ thôn Trần Văn Kiên. Những người này tự dưng không ngủ được chạy nhảy lung tung rồi gào thét, người nhà phải đưa vào bệnh viện tâm thần.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm